Các hãng điện tử Nhật Bản: "Thập kỷ mất mát"

THỤY KHA| 07/11/2012 03:55

Những tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản đang như những con bạc khát nước chỉ chấp nhận bỏ cuộc chơi khi đã cháy túi?

Các hãng điện tử Nhật Bản:

Những tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản đang như những con bạc khát nước chỉ chấp nhận bỏ cuộc chơi khi đã cháy túi?

Đọc E-paper

Sony thông báo thua lỗ kỷ lục 15,5 tỷ yên trong quý tài khóa vừa rồi (từ tháng 6 đến tháng 9) so với mức lỗ 27 tỷ yên cùng kỳ năm ngoái.

Sharp tăng gấp đôi dự báo lỗ, lên 5,6 tỷ USD và Panasonic dự đoán lỗ 9,6 tỷ USD trong năm tài chính 2012. Chỉ duy nhất Sony tuyên bố khoản lỗ nửa đầu năm sẽ giảm và cam kết đạt lợi nhuận sau 4 năm liền thua lỗ.

Sau việc cả hai bên công bố mức thua lỗ hằng năm lớn chưa từng có, Sony và Panasonic đã không còn khả năng thực hiện những khoản đầu tư lớn trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh của họ.

Sony hiện đã rút khỏi hai liên doanh sản xuất màn hình chính, một với Sharp và một với Samsung, như một phần trong chiến dịch tái cơ cấu dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Điều hành Kazuo Hirai. Hãng này đang rút khỏi lĩnh vực TV để tập trung vào các lĩnh vực điện thoại thông minh, trò chơi video, và y tế.

Trước đó, ba công ty điện tử hàng đầu này của Nhật cũng tuyên bố cắt giảm hàng chục ngàn lao động càng khiến giá cổ phiếu lao dốc. Trong quý III, lần đầu tiên kể từ năm 1980, cổ phiếu Sony từng rơi xuống dưới 1.000 yên (12,5 USD).

Trong khi đó, Sharp phải thế chấp cả trụ sở cho ngân hàng để duy trì hoạt động. Còn Panasonic cũng lần đầu tiên thông báo không trả cổ tức...

Theo giới phân tích, nguyên nhân dẫn đến tình cảnh này là do đồng yên tăng giá mạnh, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp.

Ngoài ra, chi phí nhân công cao, đồng yên mạnh lại càng khiến hàng xuất khẩu của Nhật trở nên đắt đỏ và giảm nguồn thu gửi về từ nước ngoài. Masahiko Hashimoto, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Daiwa (Tokyo) cho biết: "Các công ty điện tử của Nhật cần phải chọn lọc lại mảng kinh doanh, chỉ giữ lại cái có lãi và từ bỏ những mảng thua lỗ đi.

Đến nay, họ vẫn chưa thể đuổi kịp các đối thủ bên ngoài, nhất là đại gia điện tử Hàn Quốc Samsung Electronics với những bước tiến xa trong thị trường smartphone toàn cầu". Phân tích này cho thấy nguyên nhân sâu sa hơn dẫn đến sự khủng hoảng của các tập đoàn điện tử hàng đầu của Nhật.

Sự yếu kém trong cạnh tranh của các sản phẩm điện tử của Nhật là do chiến lược sản phẩm mới quá chậm chạp trong sự thay đổi như vũ bão của công nghệ.

Trong những năm 1980 và 1990, các công ty Nhật Bản là những tên tuổi độc chiếm trong thị trường điện tử tiêu dùng với các sản phẩm như máy nghe nhạc Walkman, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính, TV, DVD...

Tuy nhiên, danh sách dài các sản phẩm này lại đang "cúi đầu" trước sự sáng tạo của Apple, Samsung, và thất bại trước sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc.

Sony đã từng dẫn đầu với việc đưa ra chiếc TV OLED đầu tiên vào năm 2007, một chiếc ti vi 11 inch, nhưng họ không có khả năng giảm giá thành sản xuất để đưa ra loại TV có màn hình lớn hơn. Panasonic cũng đang nghiên cứu màn hình OLED, nhưng chưa có được kế hoạch cụ thể nào cho việc ra mắt TV OLED.

Trong khi đó, Samsung và LG đã đầu tư mạnh tay vào công nghệ tương tự và đều chuẩn bị cho ra mắt hàng loạt TV OLED vào cuối năm nay. Sự chậm chạp trong đổi mới và phát triển sản phẩm mới đã khiến Nhật Bản chấp nhận thực tế chua cay: trong vòng 10 năm, từ 2000 đến 2010, sản lượng hàng điện tử của Nhật giảm 41%, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm 27%. Cũng trong thời gian này, thị phần của Hàn Quốc đều tăng gấp rưỡi.

Thất bại đã được dự báo trước của các công ty điện tử của Nhật Bản là bài học về việc không chấp nhận những thay đổi lớn trong thị trường cốt lõi - những vấn đề rất nhiều các công ty Mỹ từng phải vật lộn khi phải đối mặt với đối thủ Nhật Bản ba thập niên trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các hãng điện tử Nhật Bản: "Thập kỷ mất mát"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO