Bức tường Berlin về kinh tế

HÀ CÚC| 12/11/2014 08:45

Sự sụp đổ của bức tường Berlin có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong khối các nước theo mô hình kinh tế tập trung trước đây?

Bức tường Berlin về kinh tế

Sự sụp đổ của bức tường Berlin có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong khối các nước theo mô hình kinh tế tập trung trước đây?

Đọc E-paper

Bức tường Berlin sụp đổ ngày 9/11/1989, thống nhất hai miền nước Đức và đánh dấu kết thúc Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và phương Tây. Một phần tư thế kỷ kể từ sau sự kiện này, cuộc xung đột gần đây ở Ukraine là bằng chứng cho thấy căng thẳng giữa Nga và phương Tây không hề biến mất.

Nhưng đây cũng không phải là thất vọng duy nhất. Đầu những năm 1990, thế giới đã hy vọng các nền kinh tế Đông Âu và Trung Á sẽ bùng nổ sau khi thoát khỏi mô hình kinh tế tập trung.

Nhưng thực tế, kinh tế của khối Đông Âu cũ khá ảm đạm, đối với một số quốc gia, tình hình còn tồi tệ hơn trước khi tách ra khỏi Liên Xô cũ. Có thể nhìn nhận đây là một bài học trong sự hỗn độn của thay đổi, nhưng cũng có thể nhìn nhận ở góc độ tăng trưởng kinh tế chỉ là một phần thước đo của tiến bộ.

BusinessWeek dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, các nước thu nhập thấp và trung bình của Đông Âu và Trung Á có GDP bình quân đầu người tăng 43% kể từ năm 1990. Con số này khá hơn so với tiểu vùng Sahara châu Phi nhưng kém hơn so với Nam và Đông Á, Mỹ Latin, hay Trung Đông và Bắc Phi.

Đối với 25 quốc gia trong khối Đông Âu cũ, GDP bình quân đầu người của 13 quốc gia (chiếm hầu hết dân số của khu vực) đã chậm hơn kể từ năm 1990 so với trung bình toàn cầu. Trong số 165 quốc gia mà WB có dữ liệu, GDP của Nga (tính theo sức mua tương đương) đạt vị trí cao nhất là thứ 33 vào năm 1990 và 42 vào năm 2013.

Ukraine đã giảm từ vị trí 55 xuống 93. Bulgaria và Latvia giảm một thứ hạng, trong khi Rumani giảm bốn, và Hungary giảm tám. Ba Lan tăng 16 hạng, lên vị trí 45. Trong khi Albania, Ba Lan, Belarus và Armenia đã tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người từ năm 1990, thì sáu nước khác đã nghèo hơn trong thời gian này, bao gồm cả Ukraine và Gruzia.

Công ty Gallup (Mỹ) đã khảo sát tại 11 quốc gia thuộc khối Xô Viết trước đây với câu hỏi "Sự chia tách của Liên bang Xô Viết có lợi hay có hại đối với quốc gia của bạn?".

Số liệu tổng thể cho thấy 51% những người được khảo sát cho rằng việc tách ra đã gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của họ, trong khi chỉ có 24% cho rằng độc lập thì tốt hơn.

Số liệu này không chỉ so với phần còn lại của thế giới để thấy tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế theo mô hình tập trung cũ là đáng thất vọng, mà còn so sánh với hiệu suất dưới thời mô hình kinh tế tập trung bao cấp.

Dự án Maddison có dữ liệu lịch sử của 46 nền kinh tế trong những năm 1939, 1989 và 2010 bao gồm các nền kinh tế Bulgaria, Hungary, Nam Tư cũ và các quốc gia kế thừa, Liên Xô cũ và các quốc gia kế thừa.

Theo đó, năm 1939, nền kinh tế Bulgaria đứng thứ 36 trong số 46 quốc gia, tăng hạng lên 31 vào năm 1989 và đạt vị trí 30 vào năm 2010. Liên Xô đứng ở vị trí thứ 27 vào năm 1939, vị trí 26 năm 1989, trước khi các quốc gia kế giảm xuống vị trí thứ 34 vào năm 2010.

Từ năm 1939 đến 1989, tốc độ tăng trưởng trung bình của Bulgaria vượt xa tốc độ tăng trưởng của Mỹ và tăng trưởng trung bình ở Liên Xô cũ vượt qua Hà Lan. Tương tự, kinh tế Nam Tư và quốc gia kế thừa giàu có hơn dưới mô hình tập trung và trở nên nghèo hơn sau năm 1989.

Tăng trưởng khu vực chậm hơn trong năm 1970 và 1980, tiếp theo là sự sụp đổ của Liên Xô, đã khiến rất nhiều người quên rằng các nền kinh tế tập trung từng vận hành khá tốt. Điều này phản ánh sự thay đổi lý thuyết về động lực đằng sau sự tăng trưởng kinh tế.

Trong những năm sau Thế chiến II, đầu tư cao được xem là bí quyết để kinh tế phát triển. Trong giai đoạn sau năm 1980, các nhà kinh tế ủng hộ sự cởi mở, tự do như một động lực của tăng trưởng.

Ba Lan giới thiệu những cải cách mạnh mẽ nên gặt hái nhiều thành tựu trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một số nền kinh tế đã áp dụng các chính sách tự do nhất nhưng tăng trưởng yếu nhất, như Gruzia.

Trong một nỗ lực tiếp tục hướng tới thị trường tự do, sau khi Ukraine kiên quyết ngả theo châu Âu, nhiều nước Liên Xô cũ tính lập liên minh kinh tế mới. Kể từ đầu năm 2015, EAEC sẽ thay thế Cộng đồng Kinh tế Á - Âu được thành lập vào năm 2000.

Đây sẽ là một cơ chế kinh tế lớn với thị trường trên không gian hậu Liên Xô và dân số hơn 190 triệu người. Tổng diện tích của EAEC sẽ là gần 20,5 triệu km2, chiếm 8% trữ lượng dầu thô trên thế giới, 22% khí đốt, 22% than. Về trữ lượng uranium, kim cương, bạch kim, vàng, bạc và các kim loại quý hiếm khác thì EAEC đứng thứ nhất trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bức tường Berlin về kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO