Bloomberg: Trung Quốc đang trong tình trạng "biển rỗng"

VÂN THẢO| 19/08/2016 09:09

Cạn kiệt tài nguyên biển và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là hai trong nhiều nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc mở rộng khu vực đánh bắt thủy sản, thậm chí xâm phạm vùng lãnh hải của các nước lân cận.

Bloomberg: Trung Quốc đang trong tình trạng

Cạn kiệt tài nguyên biển và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là hai trong nhiều nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc mở rộng khu vực đánh bắt thủy sản, thậm chí xâm phạm vùng lãnh hải của các nước lân cận.

Trong bài đăng hôm 17/8, tác giả Adam Minter - cây bút bình luận của hãng tin Bloomberg, và là tác giả của Junkyard Planet: Travels in the Billion-Dollar Trash Trade, nhận định tình trạng ô nhiễm môi trường và đánh bắt thủy sản quá mức đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản của Trung Quốc.

Tăng trưởng thần kỳ

Hôm 17/8, Indonesia đã kỷ niệm ngày Quốc khánh của nước này bằng cách cho đánh chìm nhiều tàu cá Trung Quốc vốn bị tịch thu trước đó vì đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này. Theo Minter, tuy Trung Quốc không xảy ra tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Indonesia nhưng các ngư dân của nước này vẫn tiến hành đánh bắt trái phép.

Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, năm 2015, quốc gia này chiếm 35% tổng số tiêu thụ thủy sản trên toàn thế giới. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Từ năm 1979 đến 2013, số tàu đánh bắt cá của nước này đã tăng từ 55.225 lên 694.905 chiếc bên cạnh sự "bùng nổ" số lao động làm việc trong ngành đánh bắt cá, từ 2,25 triệu lên đến hơn 14 triệu người. Thu nhập bình quân của các ngư dân Trung Quốc cũng tăng từ 15 USD/tháng lên gần 200 USD/tháng trong giai đoạn này.

Hiện ngành công nghiệp đánh bắt cá của Trung Quốc đóng góp 3% GDP nước này với hơn 260 tỷ USD thu về mỗi năm. Tuy nhiên, chính nguồn lợi khổng lồ cùng nhu cầu ngày càng tăng của người dân đã khiến ngư dân Trung Quốc khai thác cạn kiệt tài nguyên biển, dẫn đến việc đi xa hơn trong khu vực đánh bắt cho phép.

Cạn kiệt tài nguyên

Hiện sản lượng khai thác tại sông Dương Tử, nơi cung cấp hơn 60% nguồn thủy sản nước ngọt của Trung Quốc, đã giảm 1/4 so với năm 1950, chưa kể gần 170 loài thủy sản tại đây đang trên bờ vực tuyệt chủng. Thậm chí, chính quyền Trung Quốc phải thừa nhận tình trạng ngư dân nước này thường xuyên đánh bắt vượt ít nhất 30% giới hạn tái sinh trong lãnh hải. 

Tuy nhiên, thay vì đưa ra các giải pháp khắc phục, trong năm 2013, nhà cầm quyền Bắc Kinh lại chi 6,5 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản, chủ yếu đầu tư giảm giá nhiên liệu cho ngư dân, khuyến khích họ đánh bắt xa bờ - đa phần là đi đến những vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia lân cận, trong đó có Indonesia.

Tệ hơn, nhiều tàu cá còn được quân đội Trung Quốc công khai hỗ trợ về mặt quân sự, tiếp tế từ đá lạnh cho đến định vị GPS trong thời gian ra khơi. Minter nhận định, động thái này nhằm mục đích củng cố yêu sách của Trung Quốc trong việc mở rộng phạm vi đánh bắt và quyền làm chủ khu vực Biển Đông rộng lớn.

Tại khu vực trong nước, trước tình trạng cạn kiệt tài nguyên, vào 1999, nhà cầm quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa ở vùng biển phía Nam. Đến năm 2002, lệnh này được áp dụng tại khu vực sông Dương Tử. Tuy nhiên, mức độ kiểm soát quy định này còn lỏng lẻo và không được người dân tuân thủ nghiêm ngặt.

Trung Quốc nên làm gì?

Năm 2013, một nhà khoa học Trung Quốc đã đề xuất lệnh cấm hoàn toàn việc đánh bắt cá trong vòng 10 năm trên sông Dương Tử và đã được chính quyền Bắc Kinh phát tín hiệu cho thấy việc đón nhận ý tưởng này. Thậm chí, Trung Quốc còn đang xem xét việc tiêu hủy một tàu đánh cá trái phép của người dân. 

Dù vậy, Bloomberg đánh giá, những hành động tích cực này mới chỉ là sự khởi đầu, chưa đủ để cứu vãn tình hình hiện tại. Cây bút Adam Minter đã đưa ra 3 giải pháp dành cho Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh việc nước này cần phá bỏ các đội tàu đang đánh bắt cá phi pháp, đồng thời chấm dứt việc trợ cấp nhiên liệu cũng như không khuyến khích tình trạng đánh bắt thiếu kiểm soát. Thêm vào đó, các tàu cá nên để cho ngư dân và cơ quan chuyên trách của nước này kiểm soát thay vì chịu sự quản lý của các tướng lĩnh vốn ít quan tâm đến môi trường tự nhiên.

Thứ hai, Trung Quốc cần sớm thực hiện các giải pháp phục hồi và bảo vệ nguồn thủy sản trong nước, tiếp thu những sáng kiến bảo vệ môi trường và đưa chúng vào chiến lược phát triển kinh tế, bao gồm kế hoạch 5 năm của chính phủ. 

Cuối cùng, mở rộng ưu tiên bảo vệ tài nguyên biển trong các thỏa thuận thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc đang đàm phán với các quốc gia châu Á khác, cũng như trong hợp tác song phương với các quốc gia đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông. Hành động này có thể giúp Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu - thậm chí trở thành thương hiệu - trong việc bảo vệ tính bền vững của thủy hải sản.

>Mỹ tiếp tục lên án hành động gây bất ổn ở Biển Đông

>Bắc Kinh sẽ là “nạn nhân lớn nhất” trong căng thẳng Biển Đông

>Sau phán quyết của PCA: Không khí thận trọng bao trùm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bloomberg: Trung Quốc đang trong tình trạng "biển rỗng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO