Bàn về kinh tế, nhân quyền, chống khủng bố

22/07/2009 09:07

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hôm 20/7 khai mạc tại Phuket, Thái Lan với những nội dung bàn thảo chính là kinh tế, nhân quyền, chống khủng bố, tình trạng toàn cầu ấm dần lên và dịch cúm A/H1N1.

Bàn về kinh tế, nhân quyền, chống khủng bố

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hôm 20/7 khai mạc tại Phuket, Thái Lan với những nội dung bàn thảo chính là kinh tế, nhân quyền, chống khủng bố, tình trạng toàn cầu ấm dần lên và dịch cúm A/H1N1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (thứ hai từ trái sang) dự hội nghị ở Phuket, Thái Lan hôm 20/7. Ảnh: AP

Khoảng 10.000 binh sĩ Thái Lan đã được huy động bảo vệ an ninh cho hội nghị nhằm ngăn chặn nguy cơ người biểu tình gây rối loạn như đã xảy ra hồi tháng 4 vừa qua. 

Hơn 1.200 đại biểu từ 26 quốc gia và các tổ chức đã đến Hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AMM) khai mạc hôm 17/77 tại Phuket (Thái Lan) và kéo dài sáu ngày, sẽ tham gia 32 cuộc thảo luận với chủ đề “Cùng hành động để đối phó với khủng hoảng toàn cầu”.

Vitavas Srivihok, tổng giám đốc văn phòng các vấn đề ASEAN của Bộ Ngoại giao Thái Lan, như Tân Hoa xã đưa tin, cho biết vấn đề nhân quyền sẽ là trọng tâm của AMM. Ông hi vọng ASEAN sẽ thiết lập một cơ chế về nhân quyền cho ASEAN vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 15 vào tháng 10/2009.

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva thúc giục ASEAN phải trở thành một cộng đồng của “hành động”. Thủ tướng Abhisit nói: “Cộng đồng ASEAN phải trở thành một cộng đồng của hành động. Chúng ta cần cho thế giới thấy ASEAN sẵn sàng đối phó với bất kỳ thách thức nào”. Cũng theo Thủ tướng Abhisit, ASEAN kiên quyết phản đối chủ nghĩa bảo hộ và đang nỗ lực khôi phục kinh tế của khu vực. Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Abhisit cho rằng an ninh năng lượng và lương thực sẽ là những mối lo ngại chính khi kinh tế thế giới phục hồi. 

Phát biểu với các phóng viên sau hội nghị, Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya cho biết, ASEAN đang cân nhắc khả năng thiết lập một Cơ chế giải quyết tranh chấp (DSM) mới, gồm những cơ chế và quy định rõ ràng về giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, góp phần đưa ASEAN thở thành một tổ chức hoạt động trên nguyên tắc. Hiện ASEAN đã có DSM trong các thoả thuận kinh tế, chính trị và an ninh theo Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện tại Đông Nam Á, và hy vọng sẽ thiết lập được DSM mới tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10 tới.

Tại cuộc gặp ngày 20/7, các ngoại trưởng ASEAN dự kiến sẽ thông qua các điều khoản về việc thành lập cơ quan nhân quyền ASEAN.

Chiều 20/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 đã kết thúc tại đảo Phuket, Thái Lan với việc ra tuyên bố chung liên quan đến vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, tình hình tại Myanmar, khủng bố ở Indonesia. Tuyên bố chung đã thúc giục Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Văn kiện đồng thời kêu gọi các bên liên quan trở lại tiến trình đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và tuân thủ các cam kết đạt được trong các vòng đàm phán trước. 

Về Myanmar, tuyên bố chung của kêu gọi nhà chức trách nước này tiến hành “cuộc bầu cử tự do, công bằng và toàn diện vào năm tới” để “tạo cơ sở tốt đẹp cho sự phát triển kinh tế và xã hội Myanmar trong tương lai”.

Ngoài ra, tuyên bố chung cũng lên án những kẻ gây ra vụ đánh bom khủng bố tại hai khách sạn sang trọng Ritz Carlton và J.W. Marriott ở thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 17/7. 

Tăng cường hợp tác giữa 10 nước thành viên

Phát biểu tại các phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 42, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho rằng hiện nay ASEAN cần tăng cường hợp tác giữa 10 quốc gia thành viên, đồng thời cần chú trọng mở rộng và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với các bên đối tác, tranh thủ sự hỗ trợ cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, khai thác tối đa những lĩnh vực chung lợi ích như kinh tế - thương mại, hợp tác phát triển, ứng phó với các vấn đề toàn cầu...

Các hoạt động an ninh cho hội nghị được tiến hành nghiêm ngặt. (Ảnh: Reuters)

Phó Thủ tướng khẳng định các tiến trình hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS)... đã trở thành những kênh đối thoại và hợp tác quan trọng, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và ASEAN cần giữ vững vai trò chủ đạo của mình trong các cơ chế này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bàn về kinh tế, nhân quyền, chống khủng bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO