365 ngày "vượt bão"

DNSG| 31/12/2009 06:19

Thế giới đã dự báo chính xác năm 2009 với mảng màu đen tối của khủng hoảng kinh tế nhen nhóm từ cuối năm 2008.

365 ngày

Thế giới đã dự báo chính xác năm 2009 với mảng màu đen tối của khủng hoảng kinh tế nhen nhóm từ cuối năm 2008. Mặc dù vậy, nhiều biến động kéo theo hàng loạt sự sụp đổ và thay đổi trong cả cơ cấu và bản chất của nền kinh tế thế giới vẫn khiến nhiều người ngỡ ngàng như không muốn tin vào những gì được xem là “tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua”.

NHỮNG GÓI KÍCH THÍCH KINH TẾ KHỔNG LỒ

Sau cơn bão khủng hoảng tài chính 2008, thế giới bước vào năm 2009 với nỗ lực phục hồi hậu quả khủng hoảng để lại. Các quốc gia tung ra hàng loạt gói kích cầu để mau chóng thoát ra khỏi suy thoái và nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng. Ít nhất có 33 quốc gia tung tiền cho gói kích cầu với tổng trị giá hơn 2.150 tỷ USD.

TĂNG TRƯỞNG TỒI TỆ NHẤT TRONG 60 NĂM QUA

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổng kết, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua. Kinh tế thế giới gần như khựng lại và 2009 là năm nhiều thách thức nhất đối với các nền kinh tế kể từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

KINH TẾ MỸ VẪN BI ĐÁT

Bất chấp gói cứu trợ 787 tỷ USD, kinh tế Mỹ vẫn không thoát ra khỏi bóng đen khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 10%, hàng chục ngân hàng vỡ nợ, thâm hụt ngân sách liên bang đạt kỷ lục 1.400 tỷ USD và cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1997.

CÚM HEO - NGƯỜI SỢ

Bùng phát hồi tháng Tư, dịch bệnh nhanh chóng lây lan mạnh cả thế giới. Diễn biến của dịch ngày càng nghiêm trọng khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải cảnh báo nguy cơ châu Á trở thành "ổ dịch lớn" của cúm A/H1N1. Đại dịch cúm A/H1N1 đã khiến tới 50 triệu người ở Mỹ bị nhiễm, gần 200.000 người phải nhập viện và 10.000 người chết.

CHÂU Á - LỰC ĐẨY MỚI

Nỗ lực phục hồi kinh tế trở thành vấn đề quan tâm nhất đối với cả thế giới. Người dẫn đầu những nỗ lực cứu kinh tế Mỹ khỏi suy thoái là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Ben Bernanke cũng đã được Tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm. Trong khi đó, châu Á, với đầu tàu là Trung Quốc, trở thành khu vực đầu tiên hồi phục sau khủng hoảng và tiếp tục trở thành lực đẩy mới của kinh tế thế giới.

DƯ CHẤN KHỦNG HOẢNG NỢ DUBAI

Sự kiện tập đoàn địa ốc quốc gia hàng đầu Dubai World của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) xin gia hạn thanh toán nợ gần 60 tỷ USD làm rúng động thế giới tài chính. Đây là lời cảnh tỉnh đối với các chính phủ bị lún sâu vào thâm hụt ngân sách khi tung tiền cho các gói kích cầu khổng lồ.

HỘI NGHỊ KHÍ HẬU THẤT BẠI

Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen không đạt kết quả như mong muốn. Với sự tham dự của gần 120 nhà lãnh đạo trên thế giới, nhưng hội nghị chỉ đạt được một thỏa thuận không đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng Trái Đất nóng lên.

KHỦNG HOẢNG THẤT NGHIỆP

Thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, có thêm 239 triệu người thất nghiệp trong năm 2009. Đây là một trong những thời kỳ đen tối nhất đối với người lao động thế giới. Nạn thất nghiệp đẩy khoảng 200 triệu người lao động vào cảnh khốn cùng với thu nhập chưa đầy 2USD/ngày, đồng thời là lực cản lớn đối với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

HIỆP ƯỚC LISBON BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC

Cộng hòa Czech là nước cuối cùng phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, hoàn tất quá trình thông qua để Hiệp ước có hiệu lực từ 1/12/2009, lập ra chức Chủ tịch Hội Đồng châu Âu và Ngoại trưởng Hội đồng châu Âu, góp phần giúp EU đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa.

CÔNG NGHIỆP Ô TÔ CHAO ĐẢO

Được coi là năm đại hạn của ba đại gia sản xuất ô tô Mỹ, đến mức hai người khổng General Motors và Chrysler đã phải nộp đơn xin phá sản. Trong khi đó, hãng xe còn lại là Ford dù tránh được phá sản, nhưng doanh số bán ra giảm mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
365 ngày "vượt bão"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO