12.000 giáo viên Trung Quốc khốn đốn vì bằng giả

Nguồn Dân Trí| 23/11/2009 07:23

Ít nhất 12.000 giáo viên ở tỉnh Hồ Bắc đã nhận thấy mình bị lừa đảo, khi những tấm bằng họ được cấp bởi một trường cao đẳng địa phương chỉ được công nhận trong tỉnh chứ không phải trên toàn quốc.

12.000 giáo viên Trung Quốc khốn đốn vì bằng giả

Ít nhất 12.000 giáo viên ở tỉnh Hồ Bắc đã nhận thấy mình bị lừa đảo, khi những tấm bằng họ được cấp bởi một trường cao đẳng địa phương chỉ được công nhận trong tỉnh chứ không phải trên toàn quốc.

Có tới 12.000 giáo viên tiểu học và cấp 2 ở các vùng nông thôn Hồ Bắc rơi vào tình cảnh “khóc dở mếu dở” khi được cấp bằng giả. (ảnh minh họa)

Li Ping, một giáo viên đến từ Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc đã được nhận vào dạy tại Thâm Quyến hồi tháng 5. Tuy nhiên, mới đây Li Ping đã phải ngậm ngùi rời bỏ công việc của mình bởi nhà tuyển dụng nhận thấy tấm bằng cử nhân của cô không thể xác minh được trên www.chsi.com.cn - trang web do Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ định để phê chuẩn bằng giáo dục bậc cao.

Để tìm ra sự thật nhằm phản đối lại quyết định trên, Li đã mang tấm bằng của cô tới Trung tâm thông tin và việc làm sinh viên đại học Trung Quốc trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Nhưng tấm bằng vẫn không vượt qua được quá trình thẩm tra của Bộ. Các viên chức tại đây cho biết trường CĐ Sư phạm Hồ Bắc, nơi trao bằng tốt nghiệp cho cô không đủ tiêu chuẩn để cung cấp các chương trình văn bằng trực tuyến mà Li theo học từ năm 2000 đến 2002. 

Có tới 12.000 giáo viên tiểu học và cấp 2 ở các vùng nông thôn Hồ Bắc rơi vào tình cảnh “khóc dở mếu dở” khi được cấp bằng giả.

Li chỉ là một trong tổng số 12.000 giáo viên tiểu học và cấp 2 ở các vùng nông thôn Hồ Bắc rơi vào tình cảnh “khóc dở mếu dở” này. Họ đã phải trả 4.000 NDT (khoảng 590 USD) để được tham gia chương trình dạy trực tuyến của trường cao đẳng này từ năm 2000.

Các quan chức của trường cao đẳng trên hứa hẹn những ai hoàn thành khóa học kéo dài 2 năm này sẽ được nhận bằng cử nhân hoặc liên kết và tấm bằng này có giá trị trên toàn quốc.

“Tôi không thể tin được tấm bằng mà tôi đã được cấp chỉ là bằng giả. Nó hoàn toàn không thể vượt qua được quá trình thẩm tra của Bộ Giáo dục. Thật bực mình”, Li nói.

Jiang Xiaoyan, người đứng đầu bộ phận truyền thông của trường ĐH Sư phạm Hồ Bắc (tên mới của trường CĐ Hồ Bắc từ năm 2007) nói với tờ China Daily rằng chương trình đào tạo trên đã được Sở Giáo dục tỉnh cho phép.

“Chúng tôi cung cấp chương trình đào tạo này dựa trên một văn bản được Sở Giáo dục cấp trong năm 2000. Văn bằng đã được trao cho các giáo viên theo quy định của văn bản đó”, Jiang Xiaoyan nói.

Một viên chức giấu tên của trường ĐH Sư phạm Hồ Bắc cho biết: Chương trình đào tạo trực tuyến đã tiếp tục trong 3 năm và sau đó phải tạm dừng vì lý do chính sách. Các tấm bằng được công nhận tại tỉnh Hồ Bắc nhưng không rõ vì lý do gì chúng không thể vượt qua vòng xác minh từ phía Bộ Giáo dục Trung Quốc.

“Chúng tôi đã báo cáo vấn đề này lên Sở Giáo dục tỉnh hai tháng trước nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời”, viên chức này nói.

Tuy nhiên, theo website của Sở Giáo dục tỉnh Hồ Bắc thì chương trình thí điểm này là nhằm nâng cao trình độ giảng dạy của các giáo viên tiểu học và cấp 2 ở tỉnh.

“Sở Giáo dục tỉnh đang lên kế hoạch khởi động một chương trình thí điểm tại các trường ĐH trong tỉnh, trong đó có ĐH Sư phạm Hoa Trung, ĐH phát thanh và truyền hình Hồ Bắc, CĐ Sư phạm Hồ Bắc”, văn bản nêu rõ.

Ngoại trừ 12.000 giáo viên đã tham gia các khóa học tại trường CĐ Sư phạm Hồ Bắc cũ, người ta vẫn chưa xác định rõ tổng số người đăng kí học chương trình này.

Tang Jingwei, giám đốc bộ phận đào tạo giáo viên tiểu học và cấp 2 thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết Bộ không xác nhận chương trình đào tạo trên ở trường CĐ Sư phạm Hồ Bắc cũ và chưa từng nghe nói về vấn đề này cho đến bây giờ.

“Có thể những tấm bằng dưới dạng liên kết chỉ được công nhận trên địa bàn tỉnh mà nó được cấp, bởi vì các sở giáo dục cấp tình có quyền chấp nhận bằng tốt nghiệp liên kết theo những quy định xác đáng”, ông Tang Jingwei khẳng định.

Ông Tang cũng nói thêm chỉ Bộ Giáo dục mới có thể cho phép các chương trình đào tạo có cấp bằng cử nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
12.000 giáo viên Trung Quốc khốn đốn vì bằng giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO