Thời của những chuyện tình lãng mạn

QUÂN TRẦN| 04/11/2010 04:14

Ngoài 9 đầu sách của các tác giả đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20, độc giả trẻ có thêm nhiều lựa chọn khi không hẹn mà gặp, hàng loạt tác giả trẻ đều in sách.

Thời của những chuyện tình lãng mạn

Ngoài 9 đầu sách của các tác giả đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20, độc giả trẻ có thêm nhiều lựa chọn khi không hẹn mà gặp, hàng loạt tác giả trẻ đều in sách. Điều dễ thấy là sách viết về những chuyện tình lãng mạn trở thành một xu hướng và đang có sức hút.

Lãng mạn lên ngôi

Trong số chín đầu sách từ đợt vận động sáng tác Văn học tuổi 20 có thể thấy xu hướng lãng mạn xuất hiện ở hầu hết các tác phẩm.

Điển hình như: Biển của Trương Anh Quốc (giải Nhất) viết về sự lãng mạn và đời sống biển cả, Những chuyển điệu của Thiên Ngân, Visa của Hải Miên là những câu chuyện vụn vặt về cuộc sống và tình yêu của lớp trí thức trẻ, Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn, Cô con gái ngỗ ngược của Võ Diệu Thanh... là những câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị nói về trường lớp, về miền quê...

Nhà văn Giày đỏ ký tặng sách nhân dịp ra mắt Chuyện tình Paris

Bên ngoài Văn học tuổi 20, mới đây, nhà văn Dương Bình Nguyên cũng giới thiệu với độc giả tập truyện ngắn Chuyện tình Paris. Dương Bình Nguyên nổi lên từ Hội bút Hương đầu mùa của Báo Hoa học trò.

Thành công của tập sách Giày đỏ gần đây khiến tên tuổi Dương Bình Nguyên và sách của anh luôn nằm trong danh sách sách bán chạy nhất.

Tập truyện Chuyện tình Paris gồm 11 truyện ngắn nối kết thành một chuỗi chuyện tình, chất liệu tình yêu được Dương Bình Nguyện thể hiện khá cuốn hút, nhiều chất thơ và giàu cảm xúc.

Tác phẩm vừa ra mắt khá ấn tượng tại Hội chợ Sách quốc tế Việt Nam hồi giữa tháng Chín với cuộc gặp gỡ và ký tặng sách cho độc giả của nhà văn có biệt danh Giày đỏ.

Cây bút Gào cũng trở lại văn đàn bằng tập sách Nhật ký son môi viết về câu chuyện của một cô gái 20 tuổi xinh đẹp, sắc sảo, yêu một người kém tuổi mình, du học ở trời Tây. Tình yêu bị phản bội và những triết lý tuổi 20 khiến cô rơi vào khủng hoảng.

Gào tên thật là Vũ Thị Phương Thanh, cô đã cho ra mắt tập sách đầu tay năm 2009 có tên Cho em gần anh thêm chút nữa. Bút pháp không thay đổi, nhưng Gào có khả năng diễn đạt rành rẽ tình yêu và cuộc sống của tuổi mới lớn. Sách do Nhà xuất bản Thời đại xuất bản.

Cây bút Hồ Huy Sơn cũng chính thức trình làng tập sách thứ ba Bàn tay cầm mây. Sau tập truyện ngắn có phần thiên về tuổi học trò Con trai con gái, ở Bàn tay cầm mây dễ thấy anh trưởng thành hơn về bút pháp và phong cách viết.

Tập truyện gồm 14 truyện ngắn lãng mạn, nhẹ nhàng, nói về tình yêu và cuộc sống của những người trẻ, đã từng đăng trên báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và nhiều tờ báo khác.

Bên cạnh đó, thị trường sách cũng có một tập ký mới của Ngô Thị Giáng Uyên với tựa đề Bánh mì thơm, café đắng. Tập sách là những ghi chú thú vị về ẩm thực ở châu Âu, nơi cây bút này đang sinh sống.

So với Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, tập sách viết về những đất nước châu Âu mà tác giả đã đi qua, Bánh mì thơm, café đắng tập trung và chân thật hơn khiến độc giả thích thú. Một điều đặc biệt nữa, ở địa hạt sách ký của người trẻ, chỉ có mình Giáng Uyên khai thác nên cô càng dễ tung hoành.

Đồng tính mất sức hút

Văn chương lãng mạn đang khá hút khách, bằng chứng là trên các website về sách, Chuyện tình Paris, Biển đang là những cuốn sách bán chạy nhất. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các nhà văn trẻ.

Tuy nhiên, người ta dễ thấy sự loay hoay tìm đường đi, tìm hướng kể chuyện của các tác giả trẻ sau khi trào lưu viết về giới đồng tính thoái trào. Còn nhớ năm ngoái, hàng loạt đầu sách thuộc trào lưu này được xuất bản và bán rất chạy.

Một số cây bút trẻ theo đuổi xu hướng văn chương này và đã ít nhiều nổi tiếng, thế nhưng, khi độc giả không còn quan tâm đến các tác phẩm viết về đề tài này, thì các tác giả trẻ bắt đầu lúng túng, không tìm được con đường khác để đi tiếp nghiệp văn.

Các cây bút như Keng, Hà Thanh Phúc, Thủy Anna đang tìm đường trở lại văn đàn và văn chương xu hướng lãng mạn như một cánh cửa mở ra cho họ con đường mới.

Bên cạnh những cây bút đã khẳng định được tên tuổi bằng những tác phẩm thuộc xu hướng này là những gương mặt còn non nớt trong cách kể chuyện và diễn đạt cảm xúc. Nhật ký son môi khá vụng trong cách xây dựng tình huống và những đoạn diễn tả cảm xúc của nhân vật. Những giao diện ẩn chỉ dừng lại ở một tập truyện đọc được, không có gì mới lạ.

Chưa có tập truyện nào thực sự nổi lên, thực sự gây chú ý như Phù phiếm truyện (Phan Việt), Đường còn dài còn dài (Nguyễn Thiên Ngân), Công ty (Phan Hồn Nhiên), Giày đỏ (Dương Bình Nguyên)... ngày trước.

Có lẽ, độc giả cần nhiều hơn sự sáng tạo của các cây bút trẻ viết về thể loại này thay vì chỉ kể những câu chuyện tình yêu đơn giản, nhẹ nhàng, na ná nhau, không để lại dấu ấn gì trong lòng người đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời của những chuyện tình lãng mạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO