Thị trường tài chính toàn cầu: Dòng tiền đang ở đâu?

Lê Phan| 27/08/2020 01:00

Sự tăng giá của hầu hết thị trường trong giai đoạn vừa qua đều có phần chịu ảnh hưởng bởi xu thế suy yếu của đồng USD trên toàn cầu. Là đồng tiền số một được nhiều loại tài sản, hàng hóa neo vào, mỗi khi đồng USD mất giá đồng nghĩa với giá của các loại tài sản này tăng lên.

88452480-jpeg-6736-1598413664.jpg

Vàng, dầu hay chứng khoán?

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, sau khi tăng tốc và phá vỡ kỷ lục cũ ở 1.920 USD/ounce, giá vàng thế giới tiếp tục vượt kháng cự tâm lý 2.000 USD/ounce, đạt đỉnh điểm ở vùng 2.070 USD/ounce. Tuy nhiên, "bạo phát rồi cũng bạo tàn", trước sức tăng nóng chỉ trong thời gian ngắn, áp lực chốt lời đã xuất hiện và đẩy giá kim loại này nhanh chóng về vùng 1.865 USD/ounce chỉ trong 3 phiên sau đó, tức giảm hơn 200 USD/ounce, tương đương giảm gần 10%.

Đà bán tháo đặc biệt xuất hiện sau khi kết quả tiến độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin của các nước được công bố đầy lạc quan, khi Nga cho biết sẽ bắt đầu tiêm chủng cho toàn dân vào tháng 9 tới, còn Mỹ tự tin với kế hoạch sản xuất vắc xin trước cuối năm nay. Dù vậy, sự điều chỉnh của giá vàng diễn ra không quá lâu, khi lực mua đổ vào đã sớm lấy lại mốc 2.000 USD/ounce trong những ngày giữa tháng 8, nhất là khi tin tức mới đây cho thấy các "tay to" đang rót tiền vào vàng. 

Cụ thể, Tập đoàn Berkshire Hathaway Inc của tỷ phú Warren Buffett đã mua cổ phần công ty khai thác vàng lớn thứ hai thế giới -  Barrick Gold Corp, trong khi quỹ đầu cơ của huyền thoại đầu tư Ray Dalio rót hơn 400 triệu USD vào vàng trong quý II khi giá vàng tiến tới mức kỷ lục. Đáng lưu ý là theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, giá vàng vẫn còn dư địa để tăng tiếp, bất chấp đà giảm gần đây.

Không chỉ những tài sản an toàn như vàng mà các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán cũng đang có dấu hiệu thu hút dòng tiền. Diễn biến này không thường thấy trong quá khứ, khi đây là hai loại tài sản thường biến động ngược chiều nhau. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 của Mỹ tiếp tục duy trì đà hồi phục từ đầu tháng 8 đến nay, đã quay trở lại vùng đỉnh cao tại thời điểm cuối tháng 2.

Xuất sắc hơn, chỉ số Nasdaq liên tục thiết lập các kỷ lục cao mới, đến nỗi Tổng thống Donald Trump mới đây đã phải nhắc đến sự kiện này trên Twitter. Mà không chỉ riêng chứng khoán Mỹ, các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng liên tục leo dốc. Đơn cử như chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã lên mức cao nhất trong 7 tháng qua.

Trên thị trường hàng hóa, bất chấp các nền kinh tế vừa có một quý II chìm vào suy thoái sâu, các mặt hàng như dầu mỏ vẫn đang trong đà đi lên, với giá dầu WTI của Mỹ đã lên gần 43 USD/thùng, trở lại mức cao của đầu tháng 3. Thị trường này đang chờ đợi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng.

bai-1-Lai-suat-trai-phieu-Chin-4089-5124

Tiền rẻ và sự chuyển dịch dòng vốn

Sự tăng giá của hầu hết thị trường trong giai đoạn vừa qua đều có phần chịu ảnh hưởng bởi xu thế suy yếu của đồng USD trên toàn cầu. Là đồng tiền số một được nhiều loại tài sản, hàng hóa neo vào, mỗi khi đồng USD mất giá đồng nghĩa với giá của các loại tài sản này tăng lên. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, chỉ số USD Index đã tiếp tục rớt thêm 5%, nối dài chuỗi mất giá từ giữa tháng 3 đến nay, lên gần 11%, hiện chỉ còn quanh 92 điểm.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tích cực triển khai các chương trình nới lỏng định lượng mới đồng thời bắt đầu mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ cũng như trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh việc cung cấp đồng USD cho ngân hàng trung ương khắp thế giới thông qua các hợp đồng hoán đổi tiền tệ, đã khiến đồng USD tràn ngập khắp thị trường và mất giá mạnh. 

5435345-8859-1598413664.jpg

Một báo cáo gần đây cho thấy tổng giá trị tín dụng FED cung cấp chỉ riêng trong tháng 5 lên đến hơn 5.000 tỷ USD, cao hơn 50% so với tháng 2. Tổng giá trị đồng USD mà ngân hàng trung ương trên khắp thế giới nắm giữ trong dự trữ của họ ước tính 8.000 tỷ USD trong tháng 5/2020, mức cao kỷ lục.

Kết quả là FED phải in thêm rất nhiều tiền, dẫn đến niềm tin vào đồng USD bắt đầu suy suyển khi nợ công ngày càng tăng và theo đó nhà đầu tư đã chạy vào các tài sản khác. Mà không chỉ FED, hầu hết ngân hàng trung ương khắp thế giới cũng đua nhau nới lỏng tiền tệ và tung ra các gói kích thích kinh tế, khiến tiền rẻ tràn khắp mọi nơi và đẩy giá các loại tài sản leo thang.

Trong khi đó, phần lớn quỹ đầu tư lớn hiện nay đều giữ tài sản ở trái phiếu chính phủ, trong khi lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn đang trong xu hướng giảm, càng thúc đẩy dòng tiền của các quỹ này đổ vào các tài sản có suất sinh lời cao hơn. 

Đáng lưu ý là mỗi khi lợi suất trên thị trường trái phiếu có dấu hiệu tăng, như đợt phục hồi trong nửa đầu tháng 8, FED lại không ngần ngại bơm tiền để mua vào trái phiếu như cam kết trước đây, nhằm mục tiêu giữ mặt bằng lãi suất thấp, do đó càng khuyến khích các quỹ thoát hàng khỏi trái phiếu để tìm kiếm các kênh đầu tư khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường tài chính toàn cầu: Dòng tiền đang ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO