Việc đồng USD hạ nhiệt giúp thị trường vàng tăng giá phiên thứ ba liên tiếp, lên sát 1.650 USD/ounce, nhưng lại không đủ lực kéo giá năng lượng đi lên sau khi có báo cáo cho biết châu Âu sẽ gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.
Giá cả hàng hóa nguyên liệu thô đêm qua lên xuống thất thường. |
Chốt phiên giao dịch ngày 12/1, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ khác, đã trượt từ mức 81,31 điểm cuối phiên 11/1 xuống còn 80,783 điểm. Đây là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho các mặt hàng tính bằng USD.
Giá đồng Euro cũng tăng mạnh sau khi Tây Ban Nha và Italy đấu giá trái phiếu thành công. Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1%, cũng mang lại thêm sự tin tưởng cho giới đầu cơ.
Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo công bố mức lãi suất, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã lên tiếng cảnh báo về các rủi ro đối với triển vọng kinh tế Khu vực đồng Euro, chẳng hạn như sự căng thẳng ngày càng leo thang trên các thị trường nợ.
Theo ông, đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy sự ổn định nhưng vẫn rất khó để đánh giá về niềm tin dựa trên những số liệu đó. Ông cho biết, bất ổn hiện ở mức rất cao và ngân hàng này sẽ theo dõi tất cả các diễn biến để sẵn sàng hành động.
Giá vàng tăng 0,5%
Chốt phiên giao dịch 12/1, giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex ở New York tăng 8,10 USD, tương ứng 0,5%, lên 1.647,70 USD/ounce. Phạm vi giao dịch của giá vàng trong phiên là từ 1.640,9 cho tới 1.662,90 USD/ounce. Giá vàng giao ngay tăng 4 USD/ounce.
Hầu hết các kim loại khác cũng tăng giá trong phiên giao dịch cùng ngày. Trong đó, giá bạc giao tháng 3 tăng 23 cent, tương ứng 0,8% lên mức 30,12 USD/ounce. Giá kim loại đồng giao tháng 3 tăng 10 cent, tương ứng 2,9% lên 3,65 USD/lb.
Giá bạch kim và palladium tăng giảm trái chiều. Cụ thể, giá bạch kim giao tháng 4 tăng 2,4 USD, tương ứng 0,2%, lên 1.500,1 USD/ounce, trong khi giá palladium giao tháng 3 giảm 4,4 USD, tương ứng 0,7%, xuống còn 641,25 USD/ounce.
Giá dầu xuống dưới 100 USD
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2 trên sàn New York chốt phiên 12/1 giảm 1,77 USD, tương ứng 1,8%, xuống 99,10 USD/thùng. Trước đó, trong phiên, có lúc giá dầu loại này tăng 1%, chạm mức cao nhất trong ngày là 102,98 USD/thùng.
Thị trường dầu thô giảm nhiệt sau khi có nguồn tin cho biết, Liên minh châu Âu sẽ gia hạn thời gian trước khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran, nhằm tạo điều kiện cho các nước nhập khẩu thuộc châu lục này tìm nguồn thay thế.
Cụ thể, việc trì hoãn này sẽ cho phép 3 nước thành viên là Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha tìm kiếm nguồn cung thay thế. Các nước này hiện lệ thuộc lớn vào dầu Iran, chiếm 68,5% tổng lượng dầu Liên minh châu Âu nhập khẩu từ Iran trong năm ngoái.
Trước đó, thị trường dầu đã biến động dữ dội khi liên tiếp có những báo cáo cho thấy khả năng nguồn cung dầu từ Iran sẽ bị bó hẹp hoặc thậm chí là dứt hẳn, do châu Âu sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Diễn biến cùng chiều với thị trường dầu, giá xăng giao tháng 2 giảm 3 cent, tương ứng 1,2%, xuống 2,73 USD/gallon. Giá dầu sưởi cùng kỳ hạn giảm 0,3%, xuống 3,05 USD/gallon. Giá khí tự nhiên giảm 8 cent, tương ứng 2,8%, xuống 2,7 USD/ triệu BTU.
Giá nông sản đua nhau giảm
Áp lực từ đồng USD suy yếu nhưng không làm giá nông sản đi lên mà trái lại còn sụt giảm khá mạnh. Giá ca cao giao sau giảm 24 USD, tương ứng 1,02%, xuống còn 2.326 USD/tấn. Giá cà phê arabica giảm 0,43% xuống còn 233,9 cent/lb.
Giá ngô giao sau giảm 0,57% xuống mức 608 cent/bushel. Giá đường thô quốc tế giảm 1,77% xuống 23,27 cent/lb. Giá len tương lai trên sàn SFE giảm 1,08% xuống 1.370 cent/kg. Giá dầu đậu tương giảm 0,19% xuống 51,36 cent/lb.
Ngược chiều, giá đậu tương kỳ hạn tăng 0,15%, lên mức 1.184,25 cent/bushel. Giá gạo chưa xay xát tăng 0,1% lên mức 14,585 USD/cwt trên sàn CBOT. Giá yến mạch đi ngang ở mức 284,25 cent/bushel.