Cuối tháng 7/2019, thương hiệu nội thất cao cấp đến từ Mỹ A.R.T. Furniture đã ra mắt showroom tại TP.HCM. Trong diện tích gần 650m2, A.R.T. Furniture trưng bày từ giường ngủ, thiết bị phòng ăn, phòng khách, đến các sản phẩm bọc vải, da... Ông Hunter Childress - Giám đốc Điều hành kinh doanh quốc tế của A.R.T. Furniture cho biết, sau 5 năm tìm hiểu thị trường châu Á, A.R.T. Furniture nhận thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Đó là lý do để A.R.T. Furniture đến Việt Nam sớm hơn kế hoạch. Việt Nam là thị trường thứ hai tại châu Á, sau Trung Quốc mà A.R.T. Furniture có mặt.
Cũng chính sức hút của thị trường đã khiến Simmons - nhà cung cấp nệm danh tiếng của Mỹ quyết định sản xuất dòng nệm cao cấp Beautyrest tại Việt Nam để phân phối toàn cầu và hướng đến nhóm khách hàng giàu có đang tăng nhanh tại Việt Nam.
Thị trường ngành hàng nội thất thu hút hàng ngàn doanh nghiệp tham gia, trong đó phân khúc cao cấp sôi động nhất với các tên tuổi như Phố Xinh, Nhà Vui, DCD Home Design Center... Cùng với đó là sự gia nhập của các thương hiệu nước ngoài vì nhìn thấy cơ hội từ nhập khẩu đồ nội thất của Việt Nam.
Ảnh:X.Th |
Theo số liệu của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), chỉ riêng với đồ gỗ, nhu cầu tiêu thụ bình quân ở Việt Nam là 21 USD/người/năm. Tính ra, quy mô tiêu thụ đồ gỗ nội thất trong nước năm 2018 lên đến 4 tỷ USD.
Theo ông Phan Đằng Chương - Phó tổng giám đốc Công ty ERNST & Young Vietnam Limited, trong vòng 10 năm qua, có khoảng 700.000 - 800.000 căn hộ nhà phố, chung cư cao cấp ra đời tại Việt Nam. Trung bình mỗi căn hộ sử dụng từ 1-2 tỷ đồng cho phần nội thất, như vậy, có trên dưới 1.000.000 tỷ đồng cho nhu cầu này. Ngoài bất động sản, ngành hàng đồ nội thất tăng trưởng mạnh còn liên quan đến sự hình thành của giới trung lưu ở Việt Nam đã lan tỏa gu thẩm mỹ, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. “Khách hàng không chọn đồ nội thất như những vật dụng thông thường mà thể hiện phong cách sống, gu thẩm mỹ tinh tế”, ông Phan Đằng Chương chia sẻ.
Theo chia sẻ của đại diện Rita Võ, các sản phẩm Simmons có nhiều phân khúc giá khác nhau, từ vài chục triệu đồng đến gần 400 triệu đồng/sản phẩm. Trong đó, sức mua của phân khúc giá khoảng 150 triệu đồng chiếm đến 40% lượng bán ra của doanh nghiệp này.
Không chỉ Simmons, các thương hiệu cao cấp khác do Rita Võ phân phối cũng tăng trưởng rất cao. Với thiết bị nhà vệ sinh, nhà bếp Kohler, Rita Võ là một trong 10 nhà phân phối lớn nhất của tập đoàn này. Ông Võ Mậu Quốc Triển - Chủ tịch HĐQT Rita Võ cho biết, Việt Nam là thị trường lớn thứ ba tại châu Á, sau Ấn Độ và Trung Quốc. Các sản phẩm Kohler do công ty phân phối đều tăng sau mỗi năm. Hiện Rita Võ có 7 cửa hàng (diện tích mỗi cửa hàng từ 3.000 - 10.000m2) và sẽ mở thêm để đạt 20 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.
Bà Nguyễn Hoàng Nguyệt Ánh - Giám đốc nhãn hàng của CDC Home Design Center chia sẻ, hiện Công ty có 7 cửa hàng, phân phối cho hơn 30 thương hiệu đồ nội thất đến từ Pháp, Anh, Mỹ, Ý, Bồ Đào Nha. CDC Home Design Center là đại lý độc quyền của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Trong đó, phải kể đến các thương hiệu như Caracole, CG, A.R.T., Seril, Italamp, MAB, Tonon, Stepevi, Pasava... Công ty không chỉ cung cấp hàng nội thất mà cả thảm trải sàn, đèn chiếu sáng. Trước đây, các sản phẩm của Công ty có giá cao, chẳng hạn như một bộ gồm sopha, bàn, ghế có giá từ 300-400 triệu đồng, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 20-30%/năm. Với những thương hiệu mới gia nhập với giá dễ chịu hơn, tin rằng sẽ có sự tăng trưởng cao hơn.
Hiện nay, Hà Nội và TP.HCM là hai thị trường có nhu cầu sử dụng đồ nội thất cao cấp nhiều nhất. Thời gian tới, ngành nội thất sẽ có những thay đổi mạnh bắt đầu từ sự chuyển dịch sản xuất từ các nước đến Việt Nam. Hiện các thương hiệu đồ nội thất và trang trí đến từ Ý, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam.
Đánh giá thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, vào tháng 10 và 11 tới, A.R.T. Furniture sẽ khai trương thêm hai cửa hàng tại Hải Phòng và Hà Nội. Trong kế hoạch chinh phục người giàu, trong 5 năm tới, doanh nghiệp này sẽ mở từ 15-20 cửa hàng đồ nội thất tại Việt Nam. “Chúng tôi chọn Việt Nam làm trung tâm để khai phá thị trường ASEAN. Khi có được đối tác vừa ý thì việc phát triển hệ thống phân phối sẽ rất nhanh”, ông Hunter Childress khẳng định.