Chỉ trong vòng một năm, Điện máy Xanh đã mở đến 180 điểm bán, Nguyễn Kim cùng lúc đưa vào hoạt động 14 trung tâm, Thiên Hòa khai trương 23 trung tâm mới. Điều này một lần nữa cho thấy thị trường điện máy đang cạnh tranh quyết liệt.
Đọc E-paper
Trong 2 năm 2015 - 2016, Điện máy Xanh là cái tên được nhắc nhiều nhất trong ngành khi liên tục mở rộng quy mô. Tính đến ngày 31/12/2016, Điện máy Xanh có 266 siêu thị tại tất cả 63 tỉnh, thành. Điều đáng nói là chỉ trong năm 2016, DN này đã mở đến 180 điểm bán, gấp ba lần tổng số siêu thị của doanh nghiệp này trong 5 năm hoạt động (2010 - 2015) và trở thành đơn vị có chuỗi bán lẻ điện máy lớn nhất nước về số lượng.
Không chỉ Điện máy Xanh "gây sốc" thị trường mà Nguyễn Kim cũng tạo bất ngờ khi ngày 9/12/2016 đồng loạt khai trương đến 14 trung tâm và cửa hàng.
Chia sẻ với báo giới, ông Lê Trường An - Giám đốc Marketing Nguyễn Kim cho biết: "Việc khai trương thêm các trung tâm nằm trong chiến lược hợp tác giữa Nguyễn Kim và Central Group với mục tiêu tối đa hóa nguồn lực sẵn có để mang đến những trải nghiệm đa dạng và tiện lợi hơn cho người tiêu dùng. Chúng tôi hy vọng các mô hình đa dạng này, từ online đến ofline sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của khách hàng".
Cũng trong cuộc đua mở chuỗi, Trung tâm Điện máy - Nội thất Thiên Hòa đã khai trương 2 trung tâm trong năm 2016. Trong đó, trung tâm mới nhất có diện tích kinh doanh 1.000m2 được khánh thành ngày 24/12/2016 tại thị trấn Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Theo ông Trần Tấn Hoàng Hậu - Giám đốc Marketing Trung tâm Điện máy - Nội thất Thiên Hòa, hiện nay Thiên Hòa đang là đối tác của hơn 300 nhà cung cấp lớn, kinh doanh hơn 100.000 chủng loại hàng hóa về điện máy và điện gia dụng, như điện tử, thiết bị viễn thông, thiết bị văn phòng, điện lạnh, dụng cụ nhà bếp, hàng gia dụng mang thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới như Sony, Samsung, Toshiba, Fujiyama, Aqua, Sharp, Mitsubishi, Panasonic, LG, Electrolux...
Ở góc độ của nhà kinh doanh, ông Trần Kinh Doanh - TGĐ Công ty CP Thế Giới Di Động (chủ sở hữu thương hiệu Điện máy Xanh) cho rằng, thị trường điện máy vẫn còn "đại dương xanh" nên việc nhanh chóng mở rộng chuỗi để khai thác những khoảng trống là cần thiết.
Nguồn tài chính chủ động cộng với hệ thống quản trị tốt và việc kế thừa kinh nghiệm phát triển từ chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động là những yếu tố giúp Điện máy Xanh phát triển thuận lợi.
>>Nhà sáng lập Samsung: Hành trình đi sau - về trước
Theo nhận định của GfK, với mức tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh tăng trên dưới 10 năm thì không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà bán lẻ điện máy liên tục mở rộng kinh doanh.
Với việc liên tục mở điểm bán, các DN kinh doanh hàng điện máy đang hình thành những chuỗi kinh doanh lớn. Chia sẻ với cổ đông hồi tháng 11, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động cho rằng, năm 2016, thị trường điện máy đạt doanh thu khoảng 70.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Lý do để ông Tài tin tưởng vào điều này vì công nghệ không ngừng thay đổi đã tạo ra nhu cầu tiêu dùng mới. Thêm vào đó, thị trường điện máy vẫn còn phân mảng và hơn 40% đang thuộc về kênh mua sắm truyền thống là các cửa hàng nhỏ lẻ.
Hiện tại, để cạnh tranh thắng lợi, các doanh nghiệp điện máy phải xây dựng các chuỗi bán lẻ lớn. Theo số liệu từ GfK, đến quý III/2016, Điện máy Xanh có 153 siêu thị, Cao Phong 39 trung tâm, Media Mart có 29 siêu thị, Trần Anh 25 trung tâm, Nguyễn Kim 21 trung tâm, Vinpro 19 siêu thị, Pico 12 trung tâm, Phan Khang 10 trung tâm, Thiên Hòa 7 trung tâm...
Cuộc đua này vẫn không ngừng tiếp diễn khi các thương hiệu lớn cùng lúc khai trương thêm các điểm bán. Chỉ trong vòng 3 tháng sau thống kê của GfK (tức đến tháng 12/2016), Điện máy Xanh đã tăng lên 266 siêu thị, Nguyễn Kim lên 34 trung tâm, Trần Anh tăng lên 35 trung tâm, Thiên Hòa lên 9 trung tâm. Chỉ riêng Điện máy Xanh, ông Trần Kinh Doanh cho biết nếu hoàn thành mục tiêu thì số lượng siêu thị vượt con số 400 vào cuối năm 2017.
Cũng theo đánh giá của GfK, điện máy là thị trường lớn, tăng trưởng ở mức cao nhưng cạnh tranh và đào thải rất khốc liệt. Trong 5 năm qua, thị trường đã chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu vốn dĩ đã có mặt từ lâu như WonderBuy, Best Carings, HomeOne, Việt Long, Topcare... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác hoặc không mở rộng mạng lưới hoặc mở rộng với số lượng hạn chế để giữ thị phần.