Thị trường chứng khoán Việt Nam: Tiến dần đến chuẩn mực quốc tế

Phan Thế Hải| 29/04/2020 07:00

Thừa nhận nền kinh tế thị trường và phát triển nó, nhưng khi nào Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường lại là chuyện khác. Cùng với việc phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ công bằng, minh bạch, cần phải có thị trường tài chính hoạt động theo đúng chuẩn mực quốc tế, trong đó có thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Tiến dần đến chuẩn mực quốc tế

Khởi đầu nan

Cách đây gần 23 năm, ngày 25/8/1997, tại Hà Nội đã xuất hiện một sự kiện khá đặc biệt, đó là sự ra đời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - một cái tên mới mẻ, xa lạ, nhưng người đứng đầu là TS. Lê Văn Châu thì không lạ chút nào. Ông Châu trước đó là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 1995, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao thành lập nhóm nghiên cứu thị trường chứng khoán.

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước, lập đề án xong, nhưng để ra đời được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là việc không dễ, bởi lúc đó mọi chủ trương, chính sách đều phải trả lời câu hỏi: Có đúng định hướng xã hội chủ nghĩa hay không? Nếu không trả lời được câu hỏi này, đề án sẽ bị gạt bỏ. Ra đời được rồi, từ trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đều phải thuê, mượn.

Các nhà quản lý kinh tế Việt Nam hầu hết đều được đào tạo từ Liên Xô và các nước Đông Âu, hoặc theo giáo trình của các nước xã hội chủ nghĩa ấy, nên không mấy ai hiểu thị trường chứng khoán là gì. Bằng cách tự tìm tòi, học hỏi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng chiến lược, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đảm bảo cho thị trường hoạt động minh bạch, công bằng, an toàn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư. 

Điều thú vị là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được đặt ở Hà Nội nhưng sàn giao dịch đầu tiên lại ở TP.HCM. Điều này thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu, cùng với đó là vai trò đầu tàu của một thành phố lớn nhất, năng động nhất cả nước.

Link bài viết

Trung tâm huy động vốn dài hạn

Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM khai trương với chức năng tổ chức giao dịch cổ phiếu, trái phiếu đủ điều kiện niêm yết trên sàn.

Để khuyến khích, thu hút các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tham gia thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu, ngày 27/3/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 39/2000/QĐ-TTg với nội dung ưu đãi thuế đối với kinh doanh chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân được miễn thuế giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu các hành vi gây bất ổn thị trường, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2000/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để đảm bảo thị trường vận hành công khai, công bằng, minh bạch.

Trải qua 20 năm hoạt động, từ buổi sơ khai đến quá trình hoàn thiện, đến nay có thể nói thị trường chứng khoán Việt Nam về cơ bản đã chính quy, hiện đại và tiếp cận được các chuẩn mực của thị trường chứng khoán các nước tiên tiến. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam tham gia vào nền kinh tế vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế, vừa thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển để hội nhập khu vực và thế giới. Thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho ngân sách để phục vụ đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thông qua thị trường chứng khoán, Chính phủ và doanh nghiệp đã huy động được hàng chục triệu tỷ đồng. Quy mô thị trường tăng bình quân trên 20% mỗi năm kể từ năm 2011. Tính đến quý I/2020, số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán là 1.615, với khối lượng 155 tỷ chứng khoán. Mức vốn hóa của thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, qua đó thể hiện vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nền kinh tế.

Hơn nửa thế kỷ tồn tại của mô hình kinh tế quốc doanh với sự trì trệ kéo dài, thị trường chứng khoán ra đời đã góp phần tích cực tái cơ cấu và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp, tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư.

Trung tâm tài chính khu vực: Còn nhiều việc phải làm

Đại dịch Covid-19 đang tác động tới mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế. Thị trường chứng khoán chịu tác động sâu sắc bởi sự đứt gãy giao dịch do phải cách ly xã hội, dự báo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trong thời gian tới cùng với những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại toàn cầu, hay những bất ổn địa - chính trị trên thế giới và khu vực. Thanh khoản thị trường chứng khoán có thể tiếp tục đối mặt khó khăn trong một thời gian trước khi nền kinh tế bình phục.

Thị trường chứng khoán TP.HCM đang ở trong thời điểm khó khăn nhất kể từ khi hình thành, nhưng tương lai của nó là hạt nhân để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực là không thể bàn cãi.

Ra đời trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, điểm xuất phát rất thấp, những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến dài, nhưng tính minh bạch vẫn chưa cao, phải tiếp tục cải thiện. Một số công ty đại chúng vẫn chưa chủ động trong việc công khai thông tin về hoạt động, sử dụng vốn, quản trị công ty, số liệu báo cáo tài chính còn nhiều sai lệch.

Điều này giải thích vì sao đã qua 20 năm phát triển nhưng số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng dân số của Việt Nam, là mức khá thấp so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu, các nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ.

Cũng do những hạn chế trong trong việc tiếp cận chuẩn mực của thị trường quốc tế, đặc biệt là việc công bố thông tin về doanh nghiệp cũng như các thông tin chính sách, các quy định pháp luật không chỉ trong lĩnh vực chứng khoán, mà còn cả các lĩnh vực khác có liên quan nên thị trường chứng khoán Việt Nam còn thiếu vắng nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng còn hạn chế.

Với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất của một nền kinh tế mới nổi có quy mô trăm triệu dân, tầm nhìn đưa TP.HCM trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á, trong đó trọng tâm là trở thành trung tâm tài chính là hoàn toàn có thể thành hiện thực. Để mục tiêu đó gần hơn, cần phát triển đồng bộ các loại thị trường, cùng với đó là sự ủng hộ mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân và các cấp chính quyền. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Tiến dần đến chuẩn mực quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO