Cùng với nợ công tăng, mất cân đối ngân sách là yếu tố gây khó khăn cho nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam mới vừa vượt ra khỏi thu nhập thấp, gia nhập nhóm nền kinh tế thu nhập trung bình thấp với GDP khoảng 2.200 USD/người năm 2016, nhưng mức thu ngân sách đã quá cao và trở thành nước thu ngân sách cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Đọc E-paper
Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, tổng thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là 417.618 tỷ đồng, tương đương 70% tổng thu ngân sách trung ương được hưởng theo phân cấp, còn thu bổ sung từ ngân sách trung ương là 211.221 tỷ đồng, trong đó 60,5% là bổ sung cân đối, còn lại bổ sung có mục tiêu.
Năm 2016 vẫn chỉ có 13/63 tỉnh - thành không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.
Trong tổng số thu dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 hơn 1 triệu tỷ đồng, 14 tỉnh miền núi phía Bắc chỉ đóng góp khoảng 3,6% và 13 tỉnh - thành Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đóng góp được trên 4,5%, 14 tỉnh - thành Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đóng góp gần 11%. Riêng 5 tỉnh Tây Nguyên có tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách nhà nước thấp nhất, chỉ chưa đầy 1,4%.
Gánh nặng thu ngân sách nhà nước dồn lên vai 6 tỉnh thành Đông Nam bộ do phải đảm đương tới trên 42% tổng thu ngân sách nhà nước (11 tỉnh - thành Đồng bằng sông Hồng gánh tỷ lệ hơn 30%). Hiện số thu ngân sách nhà nước của TP.HCM cao hơn nhiều so với số tổng thu của 46 tỉnh - thành nằm ngoài vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Chênh lệch giữa TP.HCM (nơi có số thu cao nhất) với Bắc Cạn (nơi có số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thấp nhất, chỉ 501 tỷ đồng) đã chênh lệch gần 600 lần.
Sự mất cân đối thể thiện rõ qua tỷ lệ điều tiết ngân sách. Việc điều tiết quá mức từ các tỉnh - thành có nguồn thu lớn đã gây ra những bất hợp lý. Các tỉnh - thành này không đủ nguồn vốn cần thiết để xây dựng hạ tầng, có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách. Mức độ điều tiết hợp lý cần được hình thành trên cơ sở thảo luận dân chủ, cầu thị giữa các bên liên quan.
>>2 mặt của đồng tiền ngân sách
TP.HCM có tỷ lệ điều tiết cao nhất, chỉ 23% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được giữ lại cho địa phương, tức gần 70 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, TP.HCM chiếm gần 27% tổng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2016. Năng lực cạnh tranh quốc tế của TP.HCM sẽ không thể bền vững nếu không được đầu tư, bảo đảm kết cầu hạ tầng tiên tiến.
Hà Nội đứng trong nhóm có tỷ lệ điều tiết cao thứ 2, cùng với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, với tỷ lệ giữ lại ngân sách địa phương từ 40 - 44% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của Hà Nội dù đứng thứ 2 cả nước song chỉ chiếm hơn 15% tổng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2016.
Quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 bằng khoảng 2 lần giai đoạn 2006 - 2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001 - 2005. Cơ cấu thu nội địa tăng từ mức 58,9% giai đoạn 2006 - 2010 lên 68% giai đoạn 2011 - 2015, năm 2015 chiếm khoảng 74% tổng thu ngân sách nhà nước, cao hơn kế hoạch đề ra 70%. |
Mặc dù cả 5 thành phố thuộc trung ương đều nằm trong nhóm tự cân đối ngân sách nên không phải nhận bổ sung từ ngân sách trung ương song tỷ lệ thu ngân sách trên địa bàn được giữ lại là rất khác nhau, chẳng hạn Hà Nội được giữ lại 42%, TP.HCM 23%, Hải Phòng 88%, Đà Nẵng 85% và Cần Thơ lên tới 91%.
Cùng với đó, chi thường xuyên quá lớn, bất lợi cho tăng trưởng trung, dài hạn. Từ năm 2006 đến nay, bội chi ngân sách của Việt Nam tăng nhanh cả về số lượng tuyệt đối lẫn tỷ lệ của GDP. Tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2015 lên tới 6,11% GDP và năm 2016 khoảng 5% GDP, mỗi ngày bội chi trên 520 tỷ đồng. Bội chi ngân sách cả năm 2016 khoảng 200.000 tỷ đồng, chi trả nợ khoảng 150.000 tỷ, chiếm 13%, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ 190.000 tỷ đồng, chiếm 16,7%, tổng chi của ngân sách.
Cải cách hệ thống ngân sách nhà nước tới đây, theo Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 trong việc điều tiết ngân sách trung ương cho địa phương, cần bảo đảm nguyên tắc các khoản điều tiết đó chủ yếu để duy trì các khoản chi về y tế, giáo dục, bổ sung đầu tư về kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở mức hợp lý. Việc chi nuôi bộ máy, nguồn thu của địa phương phải tự cân đối.
Về lâu dài phải chuyển sang chế độ tự chủ ngân sách, cho phép địa phương được tự chủ nhiều hơn về thu và chi ngân sách. Trên nguyên tắc đó, các địa phương phải phát huy nhiều sáng kiến, năng động và tự chủ hơn, ít ỷ lại và trông chờ vào điều tiết ngân sách của trung ương. Các địa phương sẽ cạnh tranh với nhau về hiệu quả thu chi ngân sách, chế độ phúc lợi, người dân sẽ quyết định đóng thuế ở nơi thu thuế thấp hơn nhưng dịch vụ công cao hơn. Chế độ này đã được thực hiện rất có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới.