Trái bóng dân tộc

PHƯƠNG VY| 28/05/2010 09:39

Lệu trái bóng tròn có giúp được hai miền xích lại gần nhau hơn, khi lần đầu tiên trong lịch sử, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng tham dự một kỳ World Cup?

Trái bóng dân tộc

Tình hình bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày sau những thông tin cáo buộc ngư lôi miền Bắc bắn chìm tàu chiến của miền Nam. Thế nên, liệu trái bóng tròn có giúp được hai miền xích lại gần nhau hơn, khi lần đầu tiên trong lịch sử, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng tham dự một kỳ World Cup?

Ngư lôi ngán đường

Tháng trước, một số nghị sĩ của Hàn Quốc đã đề xuất kế hoạch cử một số lượng lớn cổ động viên nước này sang Nam Phi để ủng hộ đội nhà cũng như tuyển Triều Tiên.

Các cầu thủ CHDCND Triều Tiên luôn mang theo hình ảnh lãnh tụ Kim Jong Il mỗi khi ra nước ngoài thi đấu

Còn nhớ, tại Thế vận hội Sydney 2000, hai đoàn Hàn Quốc và Triều Tiên đã cùng tiến vào sân vận động Úc dưới "lá cờ thống nhất", một hình ảnh đẹp cho thấy sức mạnh gắn kết của thể thao.

Rồi hồi năm 2009, lá cờ thống nhất màu trắng xanh lại được kéo cao trên sân vận động World Cup ở thủ đô Seoul khi tuyển Triều Tiên chạm trán chủ nhà Hàn Quốc trong trận đấu thuộc vòng bảng World Cup 2010 khu vực châu Á. Khi đó, các cổ động viên Hàn Quốc đã cổ vũ hết mình cho cả hai đội.

Tuy nhiên, vụ đắm tàu Choenan hồi tháng Ba có thể khiến những nỗ lực gắn kết tuyển Hàn Quốc và Triều Tiên ở World Cup 2010 sắp tới tan vỡ. Tuần trước, Hàn Quốc đã công bố kết quả điều tra về những gì đã xảy ra với tàu Choenan, với bằng chứng cho thấy ngư lôi Triều Tiên chính là nguyên nhân khiến con tàu bị đắm. Thế nên, cơ hội để hai nước cùng bước chung dưới lá cờ "thống nhất" ở lễ khai mạc World Cup 2010 không còn nhiều.

Trong khi đó, đài SBS, cơ quan có bản quyền phát sóng các trận đấu của World Cup 2010, thông báo có thể sẽ không phát miễn phí các trận đấu ở Nam Phi cho người dân Triều Tiên vì những căng thẳng giữa hai miền trong thời gian qua. Đài SBS hồi năm ngoái đã bắt đầu đàm phán với Chính phủ CHDCND Triều Tiên về đề nghị phát trực tiếp các trận đấu của World Cup và đổi lại là cơ hội được tiếp cận các tuyển thủ Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Yang Cheol-hoon, người đứng đầu bộ phận hợp tác liên Triều của đài SBS, thừa nhận, vụ chìm tàu Choenan đã ảnh hưởng mạnh tới quá trình đàm phán và nhiều khả năng người dân Triều Tiên sẽ chỉ được xem lại các trận đấu được lựa chọn.

Xóa bỏ định kiến

Qua lăng kính điện ảnh

Đạo diễn Kye Yoon-shik đã khẳng định, hai đội tuyển cần phải biết trân trọng cơ hội được tham dự chung một kỳ World Cup. Được biết, bộ phim "Giấc mơ trở thành hiện thực" của ông, kể về thành tích dự trận bán kết của tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002, sẽ bắt đầu được công chiếu vào tuần tới.

Điểm nhấn của bộ phim không phải là những hình ảnh về phút giây ăn mừng chiến thắng của các cổ động viên Hàn Quốc, mà là hình ảnh các binh sĩ Triều Tiên đã đặt những thiết bị thu sóng truyền hình ở khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền để chứng kiến các trận đấu của "đội tuyển anh em".

Phát biểu trong cuộc họp báo ra mắt bộ phim, đạo diễn Yoon-shik nhấn mạnh, không phải kỳ World Cup nào cũng có sự tham dự của đội tuyển hai miền. Do vậy, ông cũng sẽ cố vũ hết mình cho cả hai.

Đã hơn bốn thập niên trôi qua kể từ lần dự World Cup 1966 ở đất Anh của CHDCND Triều Tiên. Dạo ấy, đội bóng tới từ châu Á được coi là hiện tượng của giải đấu khi đã vượt qua nhiều đội bóng được đánh giá cao hơn, đặc biệt là vượt qua cả tuyển Ý.

Các cổ động viên Anh cũng như cổ động viên nhiều nơi trên thế giới bắt đầu chuyển sang cổ vũ Triều Tiên trong trận đấu với Bồ Đào Nha. Thế nhưng, sự tỏa sáng của huyền thoại Eusebio đã giúp đội bóng của châu Âu lội ngược dòng ngoạn mục. Dù bị loại nhưng Triều Tiên đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả hâm mộ.

Những thay đổi về mặt kinh tế cũng như chính trị trong những năm qua đã ảnh hưởng không ít tới sức mạnh của bóng đá Triều Tiên. So với bóng đá Hàn Quốc ngày nay, Triều Tiên không còn giữ được vị thế "đàn anh" như trước nữa. Không những thế, Hàn Quốc là đội bóng duy nhất của châu Á từng giành quyền vào chơi trận bán kết của World Cup.

Ngoài ra, đất nước này hiện đang đóng góp không ít cầu thủ cho các đội bóng ở châu Âu. Trong khi đó, các cầu thủ hiện nay của Triều Tiên, trừ tiền đạo Jong Tea Se và hai cầu thủ khác đang thi đấu ở Nhật Bản, vẫn còn khá xa lạ với giới hâm mộ bóng đá quốc tế.

Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Han Sung-joo cho rằng, bên cạnh yếu tố con người, bóng đá là cách duy nhất để giới thiệu Triều Tiên với bạn bè thế giới cũng như xô đổ những rào cản quan niệm đã lỗi thời. Và mùa hè này ở Nam Phi chính là cơ hội có một không hai để họ thực hiện ước vọng ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái bóng dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO