Quần vợt: Nghịch lý cống hiến và duy trì

VY NGUYỄN| 05/04/2017 09:05

Không phải là môn thể thao đối kháng trực tiếp, nhưng các chấn thương trong quần vợt lại rất thường xảy ra, và cũng thường... rất nặng.

Quần vợt: Nghịch lý cống hiến và duy trì

Không phải là môn thể thao đối kháng trực tiếp, nhưng các chấn thương trong quần vợt lại rất thường xảy ra, và cũng thường... rất nặng.

Đọc E-paper

Tấm áp phích quảng cáo của Miami Open năm nay điền tên một loại ngôi sao làng quần vợt như Federer, Serena, Nadal, Venus Williams, Novak Djokovic, Andy Murray, Juan Martin del Potro. Nhưng khi vào giải, Serena Williams, Djokovic và Murray gặp chấn thương, còn Venus Williams vốn đã gặp vấn đề ở đùi trái và khuỷu tay phải từ trước. Nhìn chung, dàn "sao" của Miami Open năm nay khốn khổ với vấn đề thể lực, khiến chất lượng chung ít nhiều bị ảnh hưởng.

Quá tải

Không có quá nhiều trường hợp chấn thương nặng tới mức phải rút khỏi giải năm nay, nhưng hàng loạt ngôi sao đều thuộc dạng không sẵn sàng về thể trạng để thi đấu ở cấp độ cao nhất.

Federer đã vắng bóng gần hết mùa giải năm ngoái vì đau đầu gối, còn del Potro vẫn đang dần hồi phục sau hàng loạt cuộc phẫu thuật cổ tay. Rafael Nadal, như đã biết, là "bệnh nhân" thường trực suốt 8 năm qua.

Chấn thương trong môn quần vợt khá phổ biến. Nhưng đặc biệt, vấn đề này rất hay bắt gặp ở những tay vợt hàng đầu thế giới. Ví dụ Simona Halep, Garbine Muguruza và Madison Keys ở giải nữ đã phải chiến đấu với chấn thương trong cả năm trước, trong khi tất cả các tay vợt nam trong top 10 đều ít nhất một lần rút tên hoặc nghỉ giữa chừng tại các giải đấu trong 12 tháng qua, The Telegraph thống kê.

Tại sao lại có tình trạng này? Theo lý giải của bác sĩ phẫu thuật Richard Berger (người Mỹ), lịch trình thi đấu quá dày chính là lý do khiến các tay vợt càng có thứ hạng cao càng gặp áp lực. "Có quá nhiều sự kiện quần vợt diễn ra, và cả WTA (nữ) lẫn ATP (nam) đều rất ít quãng nghỉ. Không đủ thời gian phục hồi do tần suất và cường độ của các trận, và trong hầu hết các giải ngoài Grand Slam thì thậm chí còn không có một ngày nghỉ ngơi", ông nói.

Andy Murray đã có trận đấu thứ 87 của mình trong mùa thi đấu 2016, và nghỉ ngơi vào ngày 20/11. Tuy vậy ngay sau đó, tay vợt người Anh lại cầm vợt tiếp vào ngày 30/12, tức không đầy 6 tuần để nghỉ ngơi. Hiện tại Murray đang bị chấn thương khuỷu tay, kèm theo bệnh cúm và nguyên nhân được cho là từ việc cơ thể bị quá tải. Ông Berger cho rằng chỉ có "siêu nhân" mới giữ nổi sức khỏe với lịch trình như vậy.

>>Roger Federer: Vẫn chưa toan về già

Lựa chọn khó khăn

Trong một tour của các giải Masters và Grand Slam, những tay vợt thứ hạng cao hầu như chỉ có một quãng nghỉ ngắn cuối năm trước lúc lại lao vào luyện tập chuẩn bị cho Australia Open (Úc Mở rộng), giải Grand Slam đầu tiên trong mùa kế tiếp. Trong thời gian nghỉ này, các tay vợt có sự luyện tập - nghỉ ngơi hợp lý, chuẩn bị kỹ càng nhất sẽ hạn chế tối đa chấn thương, nếu không muốn nói kết quả luyện tập ấy mang tính quyết định cho mùa sau.

"Vấn đề là việc vắt kiệt sức trong mùa luyện tập lại được tiếp nối bằng lịch luyện tập tiếp cho những điều kiện khắc nghiệt tại Australia Open. Sự gia tăng đột ngột về khối lượng công việc này sẽ khiến họ đứng trước nguy cơ chấn thương. Các yếu tố khác thuộc về tiền sử chấn thương, sự mệt mỏi tích lũy, cường độ công việc, sự liên kết không tốt giữa người chơi và huấn luyện viên cũng như đội ngũ y tế... Việc chơi trên các mặt sân khác nhau trong cả năm cũng là một vấn đề”, The Telegraph dẫn lời Michael Davison - Tổng giám đốc Isokinetic, một công ty về y tế và phục hồi chức năng thể thao.

Việc không có sự chuẩn bị thích hợp trong quãng nghỉ của các mùa giải khiến các tay vợt đặc biệt dễ dính chấn thương nhất ở giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 3. Andy Murray từ lúc bước sang trang mới của sự nghiệp đã hầu như làm việc không ngưng nghỉ và vô tình trở thành nạn nhân của các đợt tập quá nặng cuối năm. Ngược lại, Novak Djokovic được cho là người biết cách tận hưởng "kỳ nghỉ đông" để giải tỏa những mệt mỏi tích lũy trong cả năm.

Việc bỏ lỡ nhiều sự kiện quan trọng một cách hợp lý lại là con tính lâu dài cho sự nghiệp của các ngôi sao, mà Federer hay chị em nhà Williams là những minh chứng rõ nhất.

Để giải quyết những chấn thương không thể tránh khỏi như trên, việc giảm lịch thi đấu có vẻ là lựa chọn dễ hiểu nhất. ATP đã cố ý giảm số lượng sự kiện mỗi năm cũng như thực hiện điều chỉnh trên hệ thống Masters. Nhưng sẽ khó đòi hỏi quần vợt phải ít trận hơn trong bối cảnh hiện tại, do đó nhìn chung, các giải pháp vẫn rất mơ hồ và buộc các ngôi sao quần vợt phải tự biết cách điều chỉnh. Tiến bộ của y học thể thao thậm chí cũng không thể bắt kịp tần suất hoạt động hiện nay, ông Berger nói.

>>Tennis: Môn thể thao cần dinh dưỡng hợp lý

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quần vợt: Nghịch lý cống hiến và duy trì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO