Không Michael Phelps, người Mỹ vẫn rất mạnh

PHƯƠNG VY| 06/08/2013 06:51

Michael Phelps vẫn mãi là một huyền thoại của làng bơi lội Mỹ cũng như thế giới. Việc siêu kình ngư này từ giã sự nghiệp sau khi kết thúc Olympic London 2012 đã để lại không ít tiếc nuối. Nhưng người Mỹ không mất nhiều thời gian để buồn vì điều đó, bởi họ đang sở hữu một thế hệ tài năng không kém.

Không Michael Phelps, người Mỹ vẫn rất mạnh

Michael Phelps vẫn mãi là một huyền thoại của làng bơi lội Mỹ cũng như thế giới. Việc siêu kình ngư này từ giã sự nghiệp sau khi kết thúc Olympic London 2012 đã để lại không ít tiếc nuối. Nhưng người Mỹ không mất nhiều thời gian để buồn vì điều đó, bởi họ đang sở hữu một thế hệ tài năng không kém.

Đọc E-paper

Đội nữ bơi lội Mỹ

Sau hai tuần lễ, các vận động viên Mỹ đã mang về 13 tấm huy chương vàng (HCV - trong tổng số 29 huy chương), bỏ xa đoàn xếp kế tiếp là Trung Quốc (5 HCV) để lần thứ 6 liên tiếp giành chức vô địch thế giới toàn đoàn (kể từ năm 2003). Điều đó cho thấy sự thống trị tuyệt đối của đoàn Mỹ trên đường đua xanh, bất chấp việc họ không còn siêu kình ngư Michael Phelps.

Đã đến thời của nữ kình ngư

Trước đây, với cái bóng quá lớn của Michael Phelps cùng với đẳng cấp của Ryan Lochte, các kình ngư nam thường được xem là mỏ huy chương của đoàn thể thao Mỹ tại các giải vô địch thế giới cũng như Thế vận hội.

Nhưng thế thời đã thay đổi, dù Ryan Lochte vẫn thi đấu tương đối xuất sắc, song rõ ràng, khoảng trống mà Phelps để lại là rất lớn. Bằng chứng là các kình ngư nam chỉ mang về 4 trong số 15 HCV của đoàn Mỹ ở giải đấu năm nay. Lochte, như thường lệ, vẫn là cái tên đáng chú ý nhất khi giành HCV ở các nội dung 200m cá nhân hỗn hợp, 200m ếch và 4 x 200m tự do tiếp sức.

Tấm HCV còn lại thuộc về Matt Greaves ở nội dung 100m ếch. Tại cự ly "vàng" của đường đua xanh, 100m tự do, cả Jimmy Feigen lẫn Nathan Adrian đành phải ngậm ngùi thua James Magnusen (Úc), trong khi ở cự ly 200m tự do, Ryan Lochte lại gây thất vọng khi không giành nổi một tấm huy chương đồng.

Trái với màn trình diễn của các đồng nghiệp nam, những cô gái Mỹ đã thi đấu hết sức thành công tại Barcelona và mang về tới 11 tấm HCV. Missy Franklin xứng đáng là người hùng khi đóng góp một nửa thành tích ấy: về nhất ở các nội dung cá nhân 200m tự do, 100m và 200m ếch, cùng 3 tấm HCV đồng đội khác như 4 x 100m tự do, 4 x 100m hỗn hợp và 4 x 200m tự do.

Katie Ledecky cũng là một gương mặt đáng chú ý khác. Cô gái gốc Czech này đã chiến thắng ở các nội dung 400m tự do, 800m tự do, 1.500m tự do và 4 x 200m tự do tiếp sức.

Điều đáng nói là những cô gái này còn rất trẻ. Franklin sinh năm 1995 nhưng đã khoác áo đội tuyển quốc gia từ năm 2010, tham dự 3 giải vô địch thế giới (2011, 2013 - bể dài, 2010 - bể ngắn) và một kỳ Thế vận hội (2012). Ledecky thì sinh năm 1997 nhưng từng khiến thế giới ngỡ ngàng cách đây hơn một năm khi giành HCV 800m tự do tại Olympic London.

Franklin, hình bóng của Michael Phelps

Với thành tích ấy, Franklin có thể sánh ngang với những huyền thoại như: Mark Spitz, Ian Thorpe, Michael Phelps và Kristin Otto, những vận động viên từng giành 6 HCV tại một kỳ giải Vô địch thế giới hoặc Thế vận hội.

Missy Franklin lập kỳ tích với 6 huy chương vàng

Năm 2001, thần đồng Ian Thorpe mang về nửa tá huy chương cho đội tuyển Úc tại giải vô địch thế giới. Đến năm 2004, Michael Phelps giành 6 HCV tại Thế vận hội Athens. Ba năm sau, anh khiến thế giới sửng sốt với 7 HCV tại giải vô địch thế giới.

Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là tại Olympic 2008, khi anh lập kỷ lục giành 8 HCV tại Thế vận hội Bắc Kinh, vượt qua kỷ lục cũ của Mark Spitz tại Thế vận hội Munich 1972.

Kristin Otto là kình ngư nữ duy nhất giành 6 HCV tại một kỳ thế vận hội (Seoul 1988). Tuy nhiên, có rất nhiều nghi ngờ về doping đối với bơi lội Đông Đức ở thời điểm ấy. Kristin không thừa nhận nhưng cũng chẳng bác bỏ.

Nếu chỉ tính trong khuôn khổ giải vô địch thế giới, Franklin đã lập một kỷ lục mới về số HCV một kình ngư nữ giành được, vượt qua thành tích 5 HCV của Tracy Caulkins (1978) và Libby Trickett (2007).

Tại giải lần này, Franklin đã tham dự tới 8 nội dung, và nếu lỡ thì chỉ lỡ HCV ở hai trong số đó. Ở nội dung 50m ếch, cô đã lọt vào tới bán kết, nhưng quyết định rút lui để tập trung cho những nội dung khác quan trọng hơn.

Nên nhớ, nội dung 50m ếch không nằm trong chương trình thi đấu của Thế vận hội, nên thành tích tại giải vô địch thế giới cũng không thể coi như vòng loại cho Olympic. Ở nội dung còn lại, 100m tự do, Franklin suýt chút nữa đã có huy chương (chỉ sau người về thứ ba Kromowidjojo 0,05 giây).

Nhưng dù sao, chừng ấy cũng là thành công ngoài sức tưởng tượng của Franklin, thần tượng mới của người Mỹ trên đường đua xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không Michael Phelps, người Mỹ vẫn rất mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO