Góc nhìn khác về sự thống trị của Nadal - Federer

THÁI BẢO| 01/07/2018 07:00

Dù ở độ tuổi được xem là xế chiều của một vận động viên thể thao nhưng "tàu tốc hành" Roger Federer và "vua sân đất nện" Rafael Nadal vẫn thống trị làng banh nỉ thế giới. Điều này gây khó chịu đôi chút, nhưng liệu nó có là bi kịch?

Góc nhìn khác về sự thống trị của Nadal - Federer

Nadal (trái) và Federer đã thay nhau giành giải nhất 6 giải đấu lớn liên tiếp gần đây - Ảnh: Eurospor

Mùa hè của thể thao quốc tế năm nay gần như bị World Cup 2018 ở Nga lấn lướt. Nhưng với các cổ động viên quần vợt, giai đoạn từ 2/7 tới 15/7 vẫn còn nhiều điều đáng chờ đợi. Đó là lúc Wimbledon 2018 - một trong bốn giải Grand Slam diễn ra. Câu hỏi của năm nay là liệu Nadal hay Federer sẽ vô địch?

Từ năm 2005 tới nay, câu hỏi ấy đã dần trở thành một phần không thể thiếu của mỗi lần chuẩn bị giải Wimbledon. Cũng đã 10 năm kể từ trận chung kết được mệnh danh hấp dẫn bậc nhất lịch sử Grand Slam giữa Nadal và Federer diễn ra. Điều kỳ diệu là từng ấy năm qua đi nhưng Nadal và Federer vẫn là hai tên tuổi tạo nên sức nóng lẫn sức hút cho các giải quần vợt.

Sự thống trị của hai tay vợt này không còn gì để bàn cãi, cả về tầm vóc lẫn phong độ xuất sắc một cách bất thường của họ trong năm 2018. Nếu Nadal tiếp tục khẳng định vị thế trên sân đất nện bằng danh hiệu Roland Garros (giải quần vợt Pháp Mở rộng) với chiến thắng trước Dominic Thiem, thì Federer cũng đánh bại Milos Raonic tại Stuttgart Mở rộng - một danh hiệu ATP Tour.

Việc "tàu tốc hành" và "vua sân đất nện" cùng tham gia Wimbledon 2018 làm nức lòng người hâm mộ làng banh nỉ cũng như cánh phóng viên thể thao.

Đầu tiên, cảm giác suốt 2 năm gần đây hiện về: Nadal và Federer là những siêu sao, nhưng họ đã quá thực dụng khi giữ chắc các ngôi vị đầu bảng tổng sắp ATP. Nadal đơn giản bỏ các giải ở mặt sân cứng và sân cỏ, tập trung cho sở trường sân đất nện. Federer bỏ các giải sân đất nện, tập trung cho sân cỏ và sân cứng.

Điều này giúp cả hai - đều trên 30 tuổi, có thể tiết kiệm sức lực tối đa và đạt điểm rơi phong độ khi cần "ăn cúp". Nhưng ngược lại, cách hành xử như vậy khiến ban tổ chức các giải đấu trên mất doanh thu (không có một trong hai tay vợt xuất sắc nhất) và giải đấu giảm chất lượng, điều đó có nghĩa bộ đôi này "vô tâm", không có trách nhiệm với thế giới quần vợt!

Nhưng cả Nadal lẫn Federer đều không phạm luật. ATP đã cung cấp quyền miễn trừ cho một số tay vợt cao tuổi với điều kiện đã chơi 600 trận, cống hiến 12 năm cho các giải đấu ATP và đã qua sinh nhật lần thứ 31. Đạt được ba yêu cầu đó như Federer thì không cần phải chơi bất kỳ giải Masters nào nếu không thích.

Trang tennis.com cũng chỉ ra những sai lệch trong cảm nhận của người xem với thực tế diễn ra nơi Nadal và Federer, để thấy rằng việc họ "ngó lơ” một số giải đấu không quá trầm trọng như mọi người nghĩ. Lấy ví dụ trong hơn một năm rưỡi qua, Nadal đã chơi 14 trận sân cứng, 10 trận sân đất nện.

Từ năm 2005, tay vợt người Tây Ban Nha chỉ bỏ Wimbledon hai lần. Federer, tương tự kể từ năm 2015 đã chơi 25/28 trận Masters 1000 và 13/14 trận lớn. Trong tổng số 67 chiến thắng của năm 2017, bao gồm 7 chiến thắng ở Mỹ Mở rộng, đã là giai đoạn Federer thi đấu nhiều nhất từ năm 2013.

Điểm sau cùng, khi Nadal và Federer vẫn thống trị, một số người lo về tương lai của quần vợt. Có vẻ như những năm tháng tới, chẳng một ai vượt qua được cái bóng của lứa thần tượng cũ kỹ, đồng nghĩa quần vợt đang chết dần chết mòn.
Lo lắng ấy không sai, nhưng hơi bi quan.

Năm 2002, chẳng phải khi Pete Sampras giải nghệ, người ta đã lo vì họ chưa thấy Federer, Nadal xuất hiện? Vậy thì chắc gì lúc này Thiem, Alexander Zverev hay Nick Kyrgios đã phát huy hết tiềm lực? Mà nếu Nadal và Federer vẫn thống trị, đó cũng là một cột mốc hữu hình để giới trẻ nhìn vào mà phấn đấu. Điều đó kích thích ý chí của họ, chứ sao phải lo?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Góc nhìn khác về sự thống trị của Nadal - Federer
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO