Bê bối chấn thương ở Wimbledon

NGUYỄN VY| 12/07/2017 03:14

Ngay cả Grand Slam cũng không phải hoàn toàn là những trận đấu đỉnh cao của quần vợt. Đơn giản vì có nhiều tay vợt bỗng dưng không muốn đánh.

Bê bối chấn thương ở Wimbledon

Ngay cả Grand Slam cũng không phải hoàn toàn là những trận đấu đỉnh cao của quần vợt. Đơn giản vì có nhiều tay vợt bỗng dưng không muốn đánh. 

Đọc E-paper

Khi Roger Federer và Novak Djokovic có màn ra mắt Wimbledon 2017 tuần trước, khán giả dĩ nhiên đặt rất nhiều kỳ vọng. Thế nhưng họ không thể chứng kiến cặp đôi này thể hiện hết mình.

Từ hai trận thắng dễ

Rốt cục, cả Federer lẫn Djokovic đều tỏ ra bất ngờ khi mọi thứ diễn ra quá dễ dàng với họ. Các đối thủ của hai tay vợt này đều bỏ cuộc giữa chừng.

Federer khởi đầu trận đấu vòng một gặp Alexandr Dolgopolov. Séc đầu tiên diễn ra nhanh chóng nhưng có tính cạnh tranh rất cao. Dolgopolov không phải đối thủ của Federer, nhưng chí ít tay vợt người Ukraine này cũng thể hiện tốt và gây khó cho nhà vô địch của 7 giải Wimbledon. Thế nhưng rất bất ngờ, tại một giải đấu tennis danh giá nhất thế giới, trước ống kính truyền hình của hàng triệu khán giả toàn cầu, Dolgopolov... nghỉ ngang.

Dolgopolov được cho là bị chấn thương chân. Bản thân anh này cũng giải thích với đối thủ Federer rằng mình cảm thấy di chuyển rất khó khăn và không thể tiếp tục trận đấu. Chiến thắng thứ 85 của Federer vì thế được chốt lại bằng tỷ số 3-0 do ban tổ chức định đoạt.

Tương tự, nhà vô địch của ba giải Wimbledon Djokovic cũng vượt qua vòng một không tốn nhiều sức. Đối thủ Martin Klizan của Djokovic cũng đã ra trận với chiếc chân trái băng bó và chỉ sau 11 game giao bóng, Klizan đã xin ngừng cuộc chơi.

>>Quần vợt khốn đốn vì dàn xếp tỷ số

Phá giải, lừa khán giả?

Federer và Djokovic không phải những người hiếm hoi thắng mà không cần đánh tại giải Wimbledon năm nay. Chỉ trong ngày 4/7, việc bỏ ngang các trận đấu có vẻ đã biến thành một trào lưu.

Sau hai trận đấu trên, đến lượt Janko Tipsarevic rút khỏi trận đấu của mình, khiến vòng một của giải năm nay chứng kiến đến 7 trận đấu của nội dung đơn nam không thể kết thúc trọn vẹn. Đây là con số tương đương với "kỷ lục" cũ của năm 2008, theo ESPN.

Vấn đề đặt ra là ai chịu thiệt? Có lẽ là khán giả và nhà tài trợ, những người đã dành sự quan tâm và tiền bạc để kỳ vọng vào những màn đọ sức đỉnh cao ở Wimbledon. Và lỗi lầm của điều này, thật tiếc, cũng chưa biết nên đổ cho ai.

Với hàng loạt trận đấu bị kết thúc giữa chừng, đã lập tức xuất hiện những hoài nghi về việc các tay vợt lừa dối khán giả để kiếm tiền. Ngay sau trận thắng Dolgopolov, Federer đã nói như sau: "Lời giải thích anh ấy dành cho tôi là anh ấy cảm thấy quá đau đớn trên sân, có lẽ nằm ở những bước nhảy. Đó là những gì anh ta nói".

Federer không thực sự tin rằng Dolgopolov đau đến mức phải bỏ ngang trận đấu. Tay vợt được phong hàng "huyền thoại sống" của tennis đơn giản có đôi chút bị xúc phạm khi đối thủ thừa hiểu không thể thắng anh, nên đã cố ý bỏ ngang và lãnh tiền.

Tại Wimbledon, bất kỳ tay vợt nào đã giành suất tham gia một trận đấu đều được thưởng 35.000 bảng Anh (45.000 USD). Việc tưởng thưởng cho các tay vợt dù họ thắng hay thua đã dẫn tới tâm lý tiêu cực do không đánh cũng có tiền. Riêng Dolgpolov, người xếp hạng thứ 84 trên bảng tổng sắp ATP cũng gom được tới 533.000 USD trong năm 2016.

Số tiền ấy dĩ nhiên không thấm vào đâu so với những tay vợt đỉnh cao như Federer, người đã bày tỏ sự nuối tiếc cho những khán giả muốn xem anh đánh thêm. "Khi tôi ra khỏi sân, tôi cảm thấy như mình đã khiến đám đông thất vọng", anh nói.

Tay vợt người Thụy Sĩ tuần trước cũng đã kêu gọi ban tổ chức Grand Slam nên sao chép cách làm của các giải khác thuộc hệ thống ATP. Luật mới của ATP năm nay siết chặt tình trạng các tay vợt bỏ giải bằng cách kêu gọi những người có chấn thương nhường suất đánh tại các giải cho một tay vợt khác mà họ cảm thấy đủ khả năng vượt qua vòng một. Trong khi đó cho đến nay, Grand Slam vẫn thực hiện một số điều chỉnh, ví dụ như vẫn trao số tiền "ra mắt" cho các tay vợt thua trận hoặc rút khỏi giải, và sẽ tăng tiền lên cho người đến sau.

Đến lúc này, cái khó nhất vẫn là phân biệt thật - giả. Một tay vợt vẫn có quyền xin rút khỏi giải nếu anh ta quả thực không thể tiếp tục. Nhưng đó là chuyện dĩ nhiên chỉ... anh ta mới biết.

Federer nói thêm: "Câu hỏi luôn đặt ra là: Liệu họ (những người bị thương) có nên bắt đầu trận đấu hay không? Chỉ người ấy mới có thể trả lời câu hỏi này. Bạn nên hy vọng họ sẽ từ bỏ suất đánh của mình cho người khác nếu thể lực không cho phép họ làm thế”.

>>Tennis:Thành bại nhờ huyền thoại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bê bối chấn thương ở Wimbledon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO