Arsènal: Giã từ Wenger để "lột xác" lần nữa?

THÁI BẢO| 15/03/2017 09:45

Đã 21 năm cho một Arsenal từ tầm thường trở nên phi thường. Quy luật sinh - trụ - dị - diệt liệu có phải là điều những người phương Tây cần xem xét đối với mối lương duyên giữa HLV Wenger và câu lạc bộ này?

Arsènal: Giã từ Wenger để

Đã 21 năm cho một Arsenal từ tầm thường trở nên phi thường. Quy luật sinh - trụ - dị - diệt liệu có phải là điều những người phương Tây cần xem xét đối với mối lương duyên giữa HLV Wenger và câu lạc bộ này?

Đọc E-paper

Trong thế giới bóng đá hiện đại, Arsene Wenger chiếm một vị trí vô cùng đặc biệt. Ông không hẳn là người giỏi nhất trên ghế huấn luyện, thậm chí còn kém cỏi nếu xét thực tế rằng chiến lược gia người Pháp này mất hơn 20 năm vẫn chưa thể giành được một chiếc cúp tầm châu lục như UEFA Champions League - danh hiệu mà cả Roberto Di Matteo, một HLV bị lãng quên của Chelsea, cũng đã có.

Claudio Ranieri đã bị Leicester City sa thải không thương tiếc chưa đầy một năm sau khi giúp đội bóng này tạo nên lịch sử vô địch Giải Ngoại hạng Anh (Premier League). Carlo Ancelotti ngậm ngùi rời Real Madrid dù đã đưa đội bóng Tây Ban Nha hoàn tất trọn bộ 10 danh hiệu Champions League. Không có chỗ cho sự thất bại, nhưng vẫn có chỗ cho Wenger ở Arsenal. Nói như Jose Mourinho của Manchester United thì ông chẳng hiểu nổi tại sao một câu lạc bộ suốt 10 năm trời không đoạt danh hiệu lớn như Arsenal lại vẫn để ông Wenger ngồi đó.

Đối với Wenger, chẳng có logic nào thuộc về thành tích trên sân đấu có thể áp dụng để nói về ông cả. Đơn giản vì như đã nói, ở Arsenal ông là một người vô cùng đặc biệt.

Chữ "Arsènal" là cách Alex Fynn và Kevin Whitcher - hai tác giả của cuốn "Arsènal: Cuộc lột xác ngoạn mục của một siêu cường bóng đá đương đại", đã dùng để chỉ ra mối lương duyên giữa ông thầy người Pháp và câu lạc bộ thành London, bằng cách chơi chữ "Arsène Wenger" và Arsenal. Họ như sinh ra để thuộc về nhau vậy, ngay từ cái tên.

Những cổ động viên yêu mến ông Wenger vẫn giữ khẩu hiệu "In Arsene, We trust" (Ở Arsene, Chúng tôi tin). Nhưng các luồng ý kiến muốn ông Wenger ra đi đã xuất hiện từ nhiều năm nay.

Con sóng giận dữ dồn nén từ 13 năm không danh hiệu đã lên đến đỉnh điểm ở trận Arsenal thua Bayern Munich 1-5 trên sân nhà giữa tuần trước. Tỷ số chung cuộc 2-10 sau hai lượt trận chưa từng xảy ra với Arsenal. Nên khi điều ấy là sự thật, niềm tin vào ông Wenger vốn bị thử thách, trở nên sa sút nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Ngay trước trận gặp Bayern, đã có 200 cổ động viên "biểu tình" đòi sa thải ông trước sân Emirates.

>>Arsene Wenger: Nho gia hay doanh gia?

Trong cuộc họp báo ngày 9/3, HLV 67 tuổi đã thừa nhận rằng, ý kiến của cổ động viên sẽ ảnh hưởng tới quyết định đi hay ở của ông vào cuối mùa, dù "đó không phải nhân tố quan trọng nhất". Ông vẫn muốn ở lại. Trong một đoạn phỏng vấn trước khi Arsenal thua Liverpool tại Premier League, ông thừa nhận mình là người có chứng "masochism", từ dùng để chỉ cảm giác rất sung sướng trong nỗi đau.

"Tôi không biết, thật khó để đánh giá. Tôi đã làm việc chăm chỉ trong 20 năm nay để khiến các cổ động viên hạnh phúc, và khi bạn thua trận, tôi hiểu họ không hạnh phúc", ENSP dẫn lời ông Wenger trong một cuộc họp báo 6 ngày sau, thời điểm họ thua Bayern và bị loại khỏi Champions League.

Đó có lẽ cũng là câu nói phản ánh thực tế tại Arsenal lúc này, một thực tế đau buồn rằng: ông Wenger nên ra đi.

Lỗi lớn nhất của ông cũng chính là công lao lớn nhất, khi ông đưa Arsenal lên đỉnh cao với đội hình năm 2004. Họ thống trị Giải Ngoại hạng, không thua bất kỳ trận nào trong suốt mùa giải. Họ tiếp tục tiến lên ở Champions League nhưng gục ngã ở trận chung kết năm 2006.

Năm 2006 đánh dấu cột mốc Arsenal chia tay gần hết các trụ cột thế hệ cũ như Patrick Vieira (2005), Robert Pires, Dennis Bergkamp, Sol Campbell hay Ashley Cole. Trong khi đó, Thierry Henry bắt đầu đạt tới hạn của khát khao cống hiến cho đội.

Cặp tác giả Alex Fynn và Kevin Whitcher đã mô tả sự thần kỳ của Wenger ở chỗ, ông đã cưỡi lên ngọn sóng khủng hoảng của thời kỳ chuyển giao từ 2006 đến 2013 một cách ngoạn mục. Arsenal khi ấy nợ tiền xây sân Emirates và tồn tại với một lượng tiền mặt rất thấp, nhưng Wenger đã thể hiện tài thao lược và đầu óc tính toán siêu phàm.

Song, dấu chấm hết có lẽ nên đặt ra từ cách đây 2 năm. Arsenal không còn nợ và bắt đầu chi đậm, hoặc ít nhất ông Wenger cũng phải buông xuôi với thời cuộc. Sự nổi lên của những đội bóng được ông chủ nước ngoài rót tiền không tiếc tay như Man City, Chelsea, thậm chí là Liverpool và Manchester United, khiến Wenger phải thay đổi nhận định "không cầu thủ nào đáng giá quá 15 triệu bảng" của mình.

Dấu chấm hết đặt ở chỗ, Arsenal đã chấp nhận phá kỷ lục mua Mesut Ozil với giá 42,5 triệu bảng, và khoảng 35 triệu bảng cho Alexis Sanchez. Cùng với đó, mức lương kịch trần 100.000 bảng/tuần phải có sự thay đổi. Và ông Wenger đã thua trong canh bạc này.

Công lao của Arsene Wenger là điều không thể phủ nhận. Nhưng lúc này, Arsenal cần một làn gió mới. Những Dennis Bergkamp và Thierry Henry đều đang được xem là ứng viên thay thế người thầy cũ. Họ cũng hiểu Arsenal, cũng thấm nhuần cách chơi mà ông Wenger gầy dựng. Hơn hết, họ cũng yêu Arsenal và được cổ động viên yêu mến y như ông vậy...

>>Premier League 2016: GS. Wenger giấu một bất ngờ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Arsènal: Giã từ Wenger để "lột xác" lần nữa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO