Môn rowing mang HCVvề cho TTVN - Ảnh: BTC |
Chỉ tiêu giành 3 - 5 HCV đề ra trước khi sang Indonesia dự ASIAD khó thành hiện thực. Đây là điều đáng buồn bởi TTVN cử sang lực lượng hùng hậu với rất nhiều vận động viên (VĐV) ở đẳng cấp hàng đầu châu Á, nhưng vì rất nhiều lý do, họ đều không thể đoạt HCV.
Thua cả... Campuchia
Bảng xếp hạng đến hết ngày 25/8 cho thấy đoàn TTVN chỉ đứng hạng 18. Ở khu vực Đông Nam Á, đoàn xếp sau Indonesia, Thái Lan, Singapore và cả Campuchia. Việc quốc gia láng giềng xếp trên Việt Nam có thể xem là bất ngờ lớn.
Còn nhớ tại SEA Games 2017, các VĐV Việt Nam giành đến 59 HCV, bỏ rất xa đoàn Campuchia (3 HCV). Tuy nhiên, bước ra sân chơi châu lục, việc đầu tư mạnh mẽ vào một số môn của Campuchia đã phát huy hiệu quả rõ rệt. "Trong số 40 môn được tổ chức, chúng tôi tham dự ở 13 môn. Hy vọng đoạt huy chương của Campuchia sẽ đặt vào taekwondo, jet-ski (đua mô tô nước), jiu-jitsu (nhu thuật), bóng mềm. Mục tiêu của chúng tôi là mong muốn nhìn thấy sự cải thiện ở các VĐV", Tổng thư ký Ủy ban Olympic Campuchia Vath Chamreoun cho biết trên Phnom Penh Post hôm 17/8.
Link bài viết
Đúng như dự đoán, Campuchia đã phát huy tốt thế mạnh của mình. Họ đoạt 2 HCV ở môn jet-ski với màn trình diễn xuất sắc của Saly Ou Moeut và môn jiu-jitsu với thành tích ở hạng cân 48kg nữ của Khan Jessa (VĐV có mẹ là người Pháp). Campuchia chỉ cử sang lực lượng khiêm tốn 71 VĐV. Họ xem đây là cuộc sát hạch quan trọng về lực lượng để chuẩn bị cho SEA Games 2023 được tổ chức tại quê nhà.
So với cách đây 4 năm, thể thao Campuchia đã có sự tiến bộ. Tại ASIAD Incheon 2014 (Hàn Quốc), quốc gia này chỉ đoạt duy nhất 1 HCV ở môn taekwondo nhờ võ sĩ Sorn Seawmey. Năm nay, võ sĩ này vẫn có mặt nhưng để thua ở vòng tứ kết.
Vì đâu nên nỗi?
Dự ASIAD lần này TTVN đưa sang lực lượng hùng hậu gồm 352 VĐV, cao hơn hẳn 4 năm trước, tham dự 32/40 môn, đặt mục tiêu giành 3 - 5 HCV. Sở hữu dàn VĐV đẳng cấp, tuy nhiên, các hy vọng vàng của đoàn lần lượt rơi rụng. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) không giành được huy chương nào (kém cả 4 năm trước với 2 tấm HCĐ).
Nội dung 400m cá nhân hỗn hợp vốn là thế mạnh của cô, giờ thành tích lại rất thấp. Trong khi đó Hoàng Xuân Vinh - xạ thủ đoạt 2 huy chương Olympic 2016 (1 HCV và 1 HCB) thua ngay vòng loại nội dung 10m súng ngắn bắn nhanh. Dù có gần 20 năm gắn bó với môn thể thao này nhưng Xuân Vinh đã thất bại trước một xạ thủ chỉ 16 tuổi của Ấn Độ và mới gắn bó với môn bắn súng được... 3 năm nay.
Ở môn cử tạ, Thạch Kim Tuấn tiếp tục ôm hận trước đối thủ Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên). Anh chỉ đạt tổng cử 280kg ở hạng cân 56kg, kém rất xa kỷ lục của bản thân (296kg). Ở môn xe đạp, Nguyễn Thị Thật từng vô địch châu Á đầu năm nay cũng không giành được tấm huy chương nào của Đại hội Thể thao châu Á.
Vẫn biết thành tích trong thể thao có yếu tố may mắn nhưng TTVN không thể cứ mãi trông chờ vận may để có huy chương. Nguyên nhân sự thất bại của Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Kim Tuấn... rõ ràng là từ tâm lý, khâu chuẩn bị, chiến thuật. Bước ra đấu trường thể thao lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Olympic, các VĐV Việt Nam không cho thấy bản lĩnh vững vàng khi bước vào tranh tài.
Link bài viết
Đặc thù của nhiều môn là mất không ít thời gian tập luyện nhưng tranh tài chỉ gói gọn trong vài chục giây, thậm chí vài giây. Điển hình như VĐV Lê Thành Tùng ở môn thể dục dụng cụ, từng đoạt cúp thế giới môn nhảy chống nhưng khi bước vào nội dung sở trường này, Tùng sai đà khi thực hiện động tác, dẫn đến kết quả không ưng ý.
Ở thời điểm quan trọng nhất, những hy vọng vàng của TTVN không có được sự điềm tĩnh cần thiết. Xa hơn, cũng có thể thấy những sai lệch lớn trong công tác dự báo huy chương. Trong bối cảnh đó, vẫn có những điểm sáng đáng khích lệ. Rowing - môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic, xuất sắc đoạt 1 HCV, 1 HCB ở các nội dung của nữ.
Các cô gái vốn tập luyện lặng lẽ, nhưng đã duy trì được phong độ và thành tích rất ổn định suốt thời gian qua. Hay như kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, ở tuổi 18, anh xuất sắc đoạt 1 HCĐ và 1 HCB ngay lần đầu tham dự ASIAD. Đây cũng là những tấm huy chương hiếm hoi của bơi Việt Nam.
Thậm chí ở nội dung 1.500m tự do, Huy Hoàng từng có lúc dẫn trước tượng đài Sun Yang (Trung Quốc). Điểm mạnh của Huy Hoàng là... không biết sợ hãi. Chỉ sau một năm tính từ ngày phá kỷ lục SEA Games ở nội dung bơi tự do 1.500m, Huy Hoàng đã thể hiện bản lĩnh đáng nể ở ngày hội lớn của châu lục. Còn trẻ và có khả năng vươn xa, kình ngư quê Quảng Bình cần được chăm lo hơn nữa trong tương lai.