Thấy gì từ những đại hội cổ đông bất thường?

NGỌC THỦY| 30/10/2014 09:30

Dù là thời điểm gần cuối năm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tiến hành đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường. Điều này cho thấy sẽ có những đổi thay mạnh mẽ diễn ra trong thời gian tới.

Thấy gì từ những đại hội cổ đông bất thường?

Dù là thời điểm gần cuối năm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tiến hành đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường. Điều này cho thấy sẽ có những đổi thay mạnh mẽ diễn ra trong thời gian tới.

Lý do quan trọng

Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, có ít nhất 40 công ty đã, đang và sẽ triển khai ĐHCĐ bất thường trong ba tháng còn lại của năm 2014. Việc doanh nghiệp triệu tập cổ đông về dự ĐHCĐ bất thường đều có những lý do quan trọng.

Trong đó, hỏi ý kiến cổ đông cho vấn đề phát hành cổ phiếu, trái phiếu chiếm tỷ lệ lớn trong các nội dung nghị trình. Cụ thể, Thủy sản Bạc Liêu (BLF) dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi để tái cơ cấu nợ. Được biết, hiện tại BLF gặp áp lực tài chính rất lớn.

Các ngân hàng đã cắt hạn mức tín dụng nên Công ty rơi vào tình cảnh khó khăn về nguồn vốn lưu động. Trong khi đó, Công ty lại đang có kế hoạch đầu tư cho xưởng sản xuất tôm tại Khu công nghiệp Suối Dầu, Nha Trang gồm 3 băng chuyền IQF (20 tỷ đồng), nhà máy nước đá cây (trên 3,5 tỷ đồng) và thành lập xưởng cơ khí chế tạo máy móc phục vụ cho nhà máy sản xuất tôm đông lạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, để có thể đầu tư các dự án này, BLF cần vốn. BLF đang cân nhắc đến việc phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 30 tỷ đồng cho các dự án trên. Đây có thể sẽ là nội dung chính được bàn đến tại ĐHCĐ bất thường ở BLF.

Các đơn vị khác như DLG, Gang thép Thái Nguyên (TIS), HVG, TSC, KSA... cũng đều muốn hỏi ý kiến cổ đông cho các kế hoạch huy động vốn. Trong đó, phương án được tính đến nhiều nhất là sẽ phát hành cổ phiếu/trái phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng như cán bộ - công nhân viên.

Việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng được đề cập nhưng chỉ tập trung ở một số công ty có khả năng thu hút vốn tốt. Thực tế, khi doanh nghiệp lên kế hoạch gọi vốn riêng lẻ, các đơn vị này ít nhiều tự tin vì có trong tay các kế hoạch chiến lược mới, liên quan đến triển vọng kinh doanh để hút nhà đầu tư.

Chẳng hạn, trong kỳ ĐHCĐ bất thường sắp tới, lãnh đạo DLG dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch mở rộng sản xuất và bổ sung thêm ngành nghề hoạt động. Nhóm nghề mới mà DLG hướng tới là sản xuất linh kiện điện tử, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử viễn thông.

Hay trong buổi họp ĐHCĐ bất thường ngày 22/10 tới, Công ty Cemistone Việt Nam (CMI) dự kiến sẽ trình đại hội việc chuyển phương án huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi sang phát hành cổ phiếu riêng lẻ bằng mệnh giá.

Theo kế hoạch, 100 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành này để đầu tư dứt điểm 2 nhà máy bột đá siêu mịn và nhà máy đá ốp lát nhân tạo tại khu công nghiệp Nam Cấm, Nghệ An.

CMI sẽ hoàn thành các hạng mục của hai nhà máy này vào cuối 2015 và bắt đầu đi vào hoạt động từ 2016. Ở giai đoạn lấp đầy công suất, dự án có thể đóng góp 500 tỷ đồng doanh thu và 73,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mỗi năm cho CMI.

Cơ hội và thách thức

CMI là doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản hoạt động tương đối ổn định và chỉ số tài chính tốt. Các dự án hiện tại của CMI còn hạn khai thác khá dài và một loạt dự án khác chuẩn bị đi vào hoạt động từ cuối 2014.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, CMI hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ vào dự án bột đá và đá ốp lát nhân tạo. Tuy nhiên, việc phát hành riêng lẻ thêm 10 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá, vượt hơn số lượng cổ phiếu đang lưu hành của CMI sẽ gây áp lực pha loãng lên cổ phiếu.

Với APS, lãnh đạo Công ty thừa nhận, thời gian đầu sáp nhập, chi phí quản lý và nhân sự chắc chắn sẽ tăng và cổ phiếu của APS trên sàn chứng khoán sẽ bị pha loãng.

Nhưng xét về dài hạn, khi GLS sáp nhập vào APS, ngoài vốn chủ sở hữu, tổng tài sản tăng, Công ty còn tận dụng được hơn 10.000 khách hàng sẵn có để gia tăng thị phần giao dịch trong thời gian tới cũng như tận dụng được lợi thế hạ tầng công nghệ, phần mềm của GLS.

Một lợi ích nữa là APS sẽ gia tăng hệ số an toàn tài chính để đáp ứng yêu cầu sắp tới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngoài ra, sau khi sáp nhập thì APS sẽ có cơ hội phát triển thị phần tại thị trường miền Nam - nơi APS muốn mở rộng và cũng là nơi tập trung hơn 90% khách hàng của GLS (chiếm hơn 90%).

APS sẽ có thêm các cổ đông lớn có tiềm lực tài chính đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản vốn có quan hệ hợp tác sâu rộng với các tổ chức trong và ngoài nước như Công ty CP Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình (HBC), Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH)...

Theo lời lãnh đạo APS, khi GLS sáp nhập vào APS rõ ràng các cổ đông chung là Asean Small Cap và Lucerne Enterprise sẽ được tối đa hóa lợi nhuận. Riêng APS sẽ có cơ hội hơn khi được hỗ trợ về quản trị, tư vấn đầu tư và những kinh nghiệm quý báu về thị trường tài chính từ hai tổ chức lớn này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, mức độ suôn sẻ ở kỳ ĐHCĐ bất thường sẽ còn tùy thuộc rất nhiều về tính khả thi của phương án, dự cảm rủi ro và khả năng thuyết phục từ lãnh đạo Công ty. Đây cũng sẽ là tín hiệu để giới phân tích dự báo phần nào triển vọng tương lai ở doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thấy gì từ những đại hội cổ đông bất thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO