Vụ bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng Libor đang trở thành một trong những scandal ầm ĩ trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới.
Libor, lãi suất liên ngân hàng London, là chỉ số lãi suất chính và quan trọng nhất của thế giới, có thể chi phối hàng loạt tiền tệ phổ biến nhất như Bảng Anh, USD, Euro.
Vào mỗi buổi sáng, trước 11h theo giờ London, các chuyên gia định giá từ mỗi ngân hàng toàn cầu sẽ gửi một mức lãi suất cho vay theo họ là hợp lý đến Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA). Tại đây, lãi suất Libor sẽ được tính toán theo công thức tính trung bình. Và vào lúc 11h15, lãi suất Libor chính thức sẽ được gửi trả lại các ngân hàng...
Mức lãi suất chuẩn này được sử dụng rộng rãi như một mức lãi suất cơ bản bởi các tập đoàn tài chính trên toàn thế giới. Vì vậy, lãi suất Libor tác động tới hầu hết những người tham gia trong thế giới tài chính, từ sinh viên đi vay, người cho vay, chủ doanh nghiệp nhỏ cho đến những công ty và những ngân hàng lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên mới đây, hãng tin BBC đã công khai trong chương trình truyền hình của mình đoạn băng ghi âm một cuộc điện thoại diễn ra nhiều năm trước giữa 2 nhân viên Ngân hàng Barclays.
Thông tin mấu chốt trong đó là những gì họ nói với nhau lại vô tình khẳng định một điều mà từ trước đến nay người ta vẫn bán tín bán nghi vai trò của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) ở đâu trong thời điểm từ 2005 đến 2009, giai đoạn các ngân hàng bắt tay nhau thao túng lãi suất Libor, làm tổn thất hàng nghìn tỷ USD trên thị trường phái sinh và thị trường tín dụng thế giới.
Từ trước đến nay và kể cả sau thông tin trên, BOE vẫn luôn khẳng định không có chuyện lãi suất Libor được áp dụng tại Anh vào thời điểm đó, tức là nếu có chuyện các ngân hàng áp dụng Libor, lách luật và nằm ngoài phạm vi kiểm soát của ngân hàng trung ương. Nhưng theo những nội dung qua điện thoại giữa 2 nhân viên Barclays, không phải Ngân hàng Trung ương Anh không biết, mà thậm chí còn chỉ đạo Barclays phải áp lãi suất Libor của mình ở mức nào.
Trước thông tin trên, Ngân hàng Trung ương Anh chỉ bình luận là những tài liệu cần thiết đã được chuyển sang cho Cơ quan điều tra chống gian lận của Anh từ năm 2012. Trong khi đó, Barclays lại từ chối đưa bình luận của mình.
Vụ bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng Libor là một trong những scandal ầm ĩ trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới. Điều tra được mở ra từ năm 2012, liên quan đến gần 20 định chế tài chính lớn nhất trải dài từ Mỹ, sang Anh, Thuỵ Sĩ, Đức… Thậm chí đến giờ vẫn còn một số ngân hàng Mỹ ở vào diện bị điều tra.
Tại Anh, vụ việc đã lắng xuống sau khi Barclays và một số ngân hàng khác thừa nhận có tham gia thao túng lãi suất. Nhưng Cơ quan điều tra chống gian lận Anh vẫn để mở hồ sơ vụ bê bối nghiêm trọng này.
Với những gì mới rò rỉ, rất nhiều chính trị gia đang yêu cầu mở lại một cuộc điều tra toàn diện để xác định vai trò giám sát của Ngân hàng Trung ương Anh trong giai đoạn đó.
Thực tế, năm 2012, Phó Thống đốc BOE lúc đó là ông Paul Tucker cũng từng phải trả lời điều trần về việc này. Ông Tucker khi đó phủ nhận việc tạo áp lực cho ngân hàng trong quy định lãi suất Libor. Vụ việc đã dần khép lại, ngân hàng bị xử phạt và vai trò của Ngân hàng Trung ương không được nhắc đến. Thông tin rò rỉ lần này có thể làm vụ bê bối thao túng lãi suất nóng trở lại.