Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành hữu quan kiện toàn bộ máy để sớm đi vào hoạt động.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, chủ trương này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, cũng như quản lý nhân sự hiện nay.
Theo đề án, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước. Bà Đỗ Thị Thúy Lan, Trưởng phòng Lý lịch tư pháp và chứng thực - Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp), cho rằng do nhiều yếu tố lịch sử nên các thông tin về lý lịch tư pháp hiện đang lưu trữ phân tán tại nhiều cơ quan, tổ chức. Do đó, việc xây dựng một trung tâm quốc gia sẽ tốn nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn.
Mặt khác, lý lịch tư pháp là vấn đề hệ trọng không chỉ phục vụ cho các hoạt động tố tụng và quản lý của các cơ quan nhà nước mà còn liên quan đến các quyền con người. Điều này đòi hỏi việc cập nhật, xử lý, cung cấp thông tin phải bảo đảm chính xác về nội dung thông tin, đặc biệt là các thông tin về nhân thân của đương sự.
Để giải quyết được những vấn đề này, Bộ Tư pháp đã và đang xây dựng cơ chế phối hợp với các ngành hữu quan. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa dữ liệu, nhằm thuận lợi cho việc điều phối giữa trung tâm và các địa phương cũng như việc lưu trữ và tra cứu.
Cùng với việc thành lập Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (có hiệu lực từ 1.7.2010), người dân sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích. Trong đó, việc thu về một đầu mối quản lý thông tin sẽ giúp cho người dân đỡ phải mất công sức đi lại như trước đây. Các thủ tục cũng được rút gọn một nửa so với trước. “Đối với các trường hợp được xóa án tích, công dân phải đến tòa để được cấp giấy chứng nhận, nhưng việc ra đời Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ giúp xác nhận việc này và họ không phải đến tòa”, bà Lan nói.