Ở tuổi 40 nhưng ông Nguyễn Hoàng Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung (gọi tắt là Nam Miền Trung) đã có ngót nghét 20 năm gắn bó với nghề phát triển con tôm giống tại thị trường Việt Nam.
Đọc E-paper
Trải qua những thăng trầm, từ lúc bắt đầu tập tành kinh doanh con tôm giống đến khi định hình quy mô doanh nghiệp với số vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, nhà điều hành Nam Miền Trung vẫn kiên định một mục tiêu "muốn thế giới biết được Việt Nam hiện nay đã phát triển được con tôm giống chất lượng tốt".
Nếu chỉ nhìn vào quy mô và bề thế của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung ngày hôm nay, thì sẽ rất khó để hình dung được những khó khăn, vất vả của nhà điều hành Nguyễn Hoàng Anh từ những ngày đầu lập nghiệp, người được xem là có công lớn trong việc gầy dựng doanh nghiệp tôm giống thuộc top 3 doanh nghiệp phát triển tôm giống lớn nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Hai mươi năm gắn bó với nghề, quả thực ông đã trải qua không ít thăng trầm, khốn khó. Thế nhưng, khi được hỏi tại sao ông lại chọn ngành tôm giống để định vị cho đến ngày hôm nay, ông chỉ trả lời ngắn gọn: chắc tại chữ duyên.
Nói là nói vậy, nhưng thật ra người dân vùng quê Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) ai mà không biết những nhọc nhằn, cũng như những đóng góp của ông đối với vùng đất đầy nắng - gió ở Bình Thuận này. Bởi lẻ, nếu ngày trước ông không nặng gánh gia đình, chắc ngày nay đã không có tên Nguyễn Hoàng Anh trong danh sách doanh nhân thành đạt của ngành tôm giống Việt Nam.
* Được biết, trước khi đến với nghề nuôi tôm giống ông đã từng được cử đi học sĩ quan, tại sao ông không tiếp tục ở trong quân đội?
- Quê tôi xưa chỉ có nghề làm nông và đi biển. Khí hậu khắc nghiệt nên chuyện "miếng cơm manh áo" rất vất vả. Vì thế, từ khi học cấp ba, tôi đã giấu gia đình viết đơn đăng ký nhập ngũ, với suy nghĩ tìm đường lập nghiệp. Thời gian đầu trong quân ngũ tôi được cử đi học sĩ quan, những tưởng tương lai sẽ rẽ sang hướng khác thì đột nhiên ba tôi bệnh nặng. Là con trai một trong gia đình, nên tôi phải trở về quê gánh vác kinh tế cho cả nhà.
* Vì sao ông lại chọn nghề phát triển con tôm giống mà không phải là một ngành nghề khác?
- Đến với con tôm cũng là duyên, nhưng thực sự là nhờ con tôm mà ở góc độ cá nhân, tôi đã có được những thành công cơ bản cho đến ngày hôm nay. Trên thực tế, từ những ngày còn ở trong quân ngũ, tôi đã tìm hiểu và biết được vùng biển Bình Thuận (Việt Nam) đã được xếp vào top 18 vùng biển trên thế giới, khi nước lên sẽ dâng cao trước tiên, khi nước rút, sẽ rút sau cùng. Điều này vô tình đã tạo cho vùng biển Bình Thuận rất nhiều điều kiện thuận lợi về những dưỡng chất để phát triển con tôm giống.
Thế nên, sau khi trở về quê, tôi bắt tay vào phát triển lợi thế đó của vùng biển quê nhà với việc tập tành kinh doanh con tôm giống. Bước đầu không có vốn, tôi kinh doanh bằng uy tín. Ngư dân cũng thương mà bán chịu tôm bố mẹ cho tôi. Lấy nguồn tôm này tôi bán lại cho các cơ sở nuôi tôm giống kiếm chênh lệch, cuối ngày thanh toán lại cho bà con ngư dân và không quên kèm theo vài bao gạo để cảm ơn.
Có ngày số tiền nợ lên đến 50 triệu đồng, năm 1997, đây là số tiền khá lớn, vậy mà bà con ngư dân cũng đồng lòng cho tôi thiếu. Cái nghĩa cái tình không biết kể sao cho hết. Sau 8 tháng đi buôn tôm bố mẹ, tôi đã xoay xở và vay mượn thêm để ra đời cơ sở đầu tiên ươm nuôi tôm giống của riêng mình.
* Nghe có vẽ ông khá "mát tay" với việc kinh doanh?
- Thuyền lớn thì sóng lớn, ban đầu thuận lợi như vậy, nhưng đến khi có cơ sở làm tôm giống rồi thì lại không có đầu ra. Tôi phải lặn lội hết các tỉnh miền tây Nam bộ để tìm đầu ra cho con giống. May thay trời còn thương, cứ mỗi giai đoạn phát triển, tôi cố gắng tìm hiểu, tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới, không sa đà vào những công thức đã lạc hậu. Do đó, việc kinh doanh ngày một phát triển hơn.
Trải qua những vất vả thì bà con nông dân cũng đón nhận con tôm giống do cơ sở Hoàng Anh làm ra ngày một nhiều hơn. Để mở rộng kinh doanh, năm 1998 tôi tập hợp vốn liếng của nhiều anh em trong họ hàng thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Anh, nhưng đến năm 2002, chúng tôi tách ra làm riêng. Tôi cũng chính thức chuyển đổi mô hình doanh nghiệp tư nhân lên quy mô công ty, hoạt động bài bản hơn, trong đó nguồn vốn do tôi chủ động.
* Với 20 năm hoạt động trong ngành phát triển tôm giống, ông đánh giá ngành tôm giống tại Việt Nam hiện nay ra sao?
- Thực tế, nghề tôm ở nước ta đang ngày càng phát triển, quy mô thả nuôi, sản lượng đều gia tăng theo mỗi năm. Do đó, nhu cầu tôm giống cũng gia tăng. Hiện nay, Việt Nam đang cần khoảng hơn 100 tỷ con tôm giống/năm. Nam Miền Trung dù nằm trong top 3 doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn của cả nước nhưng cũng chỉ cung ứng cho thị trường cả nước khoảng từ 6 - 7 tỷ con tôm giống/năm.
Nhu cầu lớn, nên thị trường tôm giống đã xảy ra hiện tượng "tranh mua", vô tình tạo điều kiện cho người làm ăn thiếu chân chính, trà trộn bán tôm giống kém chất lượng, hậu quả người nuôi chịu thiệt thòi nhất. Điều này đã làm tôi trăn trở về một thị trường tôm giống lành mạnh, tạo độ tin cậy cho hộ nuôi an tâm.
* Có phải vì thực trạng này mà ông muốn đầu tư phát triển trại tôm giống 100ha tại Bình Thuận?
- Trước thực trạng tôm giống "vàng thau" lẫn lộn, không dễ nhìn thấy ranh giới giữa tôm giống chất lượng cao và tôm giống kém chất lượng, định hướng của chúng tôi là mở rộng quy mô trại ươm nuôi tôm giống để góp phần giải quyết phần nào vấn đề bất cập này. Xuất phát từ định hướng đó, Nam Miền Trung đang xúc tiến xây dựng một dự án kiểu mẫu theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó thể hiện đầy đủ tất cả công nghệ, các giai đoạn làm nên con tôm giống, với chất lượng tốt.
Từ đó, người nuôi tôm có thể an tâm về chất lượng con giống, không phải lo lắng về dịch bệnh, giá thành... Thông qua dự án này, chúng tôi muốn các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam biết được rằng Việt Nam đã làm ra con tôm giống tốt, tôm thương phẩm của Việt Nam rất có giá trị khi xuất khẩu ra thế giới.
* Ông vừa nói đến dự án kiểu mẫu theo tiêu chuẩn quốc tế. Vậy "tiêu chuẩn quốc tế” đã được chứng nhận chưa?
- Nam Miền Trung hiện là một trong những doanh nghiệp tôm giống hàng đầu Việt Nam, cung cấp tôm giống cho cả nước. Việc phát triển con tôm giống là tâm huyết của tôi, chính vì vậy tôi ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất, quản lý để tạo ra con giống chất lượng tốt nhất phục vụ người nuôi tôm thương phẩm. Công nghệ này sẽ tạo ra con tôm giống hoàn toàn khỏe mạnh, hạn chế tối đa dịch bệnh.
Công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài, do vậy chúng tôi phải tuân theo quy trình nghiệm ngặt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến kiểm tra đã xác nhận Nam Miền Trung là đơn vị sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao. Vì thế chúng tôi đề xuất được mở rộng diện tích vùng phát triển tôm giống. Dự án hiện nay dự kiến khoảng 600 tỷ đồng.
* Dự án trên đã được xúc tiến đến đâu rồi, thưa ông?
- Hiện dự án đang trong quá trình thiết lập. Nam Miền Trung đã sẵn sàng mọi công cụ để làm chủ được con tôm đảm bảo chất lượng. Chúng tôi đã có đội tàu đi lấy nước cách bờ biển khoảng 10 hải lý để nguồn nước ươm nuôi tôm giống tự nhiên nhất, không cần dùng hóa chất để xử lý.
Đây là cách làm khác với việc ươm nuôi tôm giống với nguồn nước gần bờ, bởi nguồn nước này cần phải được xử lý. Hiện nay chúng tôi đã có vùng nuôi tôm 30ha ở Bình Thuận và 10ha ở một số nơi khác. Thế nên, nếu vùng nuôi được mở rộng 100ha, nguồn tôm giống sẽ cung ứng đầy đủ cho không ít hộ nuôi và đại lý phân phối.
* Ngành xuất khẩu tôm chưa tăng trưởng đúng tiềm năng. Sản phẩm xuất khẩu còn bị trả về. Ông nghĩ gì về tình trạng này?
- Thực tế, thị trường thế giới đang rất cần những sản phẩm đạt chất lượng tốt, nhưng chúng ta không đáp ứng được, điều này có nhiều lý do. Cái khó ở đây không phải sản lượng mà là chất lượng, điều này phụ thuộc vào đạo đức của từng doanh nghiệp. Con tôm giống chất lượng cao và sản phẩm tôm chất lượng là hai vấn đề khác nhau.
Thời gian qua, nhiều lô hàng tôm xuất khẩu bị trả về do vướng dư lượng thuốc kháng sinh, tạp chất. Hiện nay người dân Việt Nam cũng đang rất lo lắng bữa ăn của mình có phải là thực phẩm sạch hay không, trong khi có nhiều vấn đề trong việc kiểm soát chất lượng cũng như đạo đức của các nhà sản xuất...
Đó là chuyện tôi rất bức xúc. Vì vậy tôi mới tham gia Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam để có điều kiện bày tỏ quan điểm về thực phẩm sạch, quan điểm và cách làm nông nghiệp sạch. Để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, doanh nghiệp phải liên kết chia sẻ thông tin, chia sẻ những cái làm được và chưa được, nguyên nhân vì sao để tìm cách giải quyết.
* Như ông đã nói, đã có tình trạng dịch vụ cung cấp tôm giống không tốt – vàng thau lẫn lộn, dẫn đến việc nuôi tôm không hiệu quả. Có nhận định cho rằng "một nền kinh tế bất ổn khi nền kinh tế đó không có sự cân đối giữa sản xuất và dịch vụ”. Ông nghĩ gì về nhận định này?
- Nhận định ấy còn có nghĩa không có sự cân đối giữa sản xuất và dịch vụ thì nền kinh tế phát triển không bền vững. Điều này đúng, vì đây là điều cơ bản. Chính vì vậy, chúng tôi đã đầu tư để cung cấp con giống chất lượng tốt. Với nguồn tôm đầu vào tốt, người nuôi tôm sẽ không phải quá lo ngại ở đầu ra, bởi lẻ tôm là sản phẩm có thị trường (cả trong và ngoài nước) và đang đem về cho nền nông nghiệp giá trị gia tăng rất cao.
* Phong trào khởi nghiệp đang diễn ra khá sôi động. Từ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, ông có lời khuyên nào với các bạn trẻ?
- Phong trào khởi nghiệp đang diễn ra khá sôi nổi nhưng cá nhân tôi lại thấy lo, bởi lẽ chúng ta cứ hô hào khởi nghiệp, trong khi niềm tin để khởi nghiệp lại không nhiều. Quan trọng nữa là nền tảng để khởi nghiệp còn rất hạn chế. Để kinh doanh thành công, đầu tiên các bạn trẻ cần phải có khát vọng, phải có mục tiêu. Muốn phát triển một nghề nào đó, các bạn phải có nền tảng nhất định về kiến thức, sự chịu thương chịu khó. Như vậy các bạn trẻ mới dễ dàng nhận biết được mình cần làm gì để đạt mục tiêu.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!
>>TGĐ Dale Carnegie Việt Nam: Người tử tế là biết nghĩ cho người và cho mình