Tết và chuyện sếp phòng tôi

Phạm Văn Ba| 21/01/2023 03:00

Sếp phòng tôi - một người mới ngoài 40, bị nhân viên gán cho đủ thứ "khó": khó tính, khó ưa, khó chiều, y như sếp tự nhận.

Tết và chuyện sếp phòng tôi

Anh em nhân viên trong phòng chúng tôi chỉ mong sếp đi công tác liên tục, sếp đi gặp đối tác liên miên để không bị vặn vẹo đủ thứ. Hình như hàng tá câu hỏi tại sao và vì sao luôn thường trực trong đầu của sếp, tưởng như chỉ cần nhìn thấy một ai là câu hỏi sẽ bật ra một cách rất tự nhiên. Nào là tại sao đi làm muộn, tại sao quên báo cáo, vì sao bỏ lọt thông tin nhân vật... Vì thế, hôm nào nghe thư ký sếp báo sếp đã đi công tác là hôm đó không khí công ty rất vui và thoải mái.

Sếp khó tính là vậy nhưng thề, anh em trong phòng lại không thể ghét nổi sếp. Bởi sếp chỉ khó trong vấn đề liên quan đến công việc, còn ngoài ra thì sếp cực tình cảm và tâm lý. Những ngày bình thường trong năm, sếp có tâm lý đến mấy thì cũng chỉ là chuyện bình thường như "cân đường lon sữa" để xoa dịu những khi sếp nổi hứng "khó ưa", nhưng tháng giáp Tết, đặc biệt là những ngày cận Tết thì sếp luôn được anh em "ưu ái" nhắc tên. 

Do đặc thù công việc liên quan đến kỹ thuật của phòng tôi nên dù thứ bảy, Chủ nhật hay lễ, Tết thì vẫn phải cắt cử người lên công ty trực. Mà việc trực thì chỉ có nhân viên đảm nhận, sếp không cần phải làm phần việc này. Tuy nhiên, nếu lịch trực mấy ngày Tết rơi vào người nào có quê ở xa, gia đình không sống ở Sài Gòn mà năm đó đã có kế hoạch về quê ăn Tết thì sếp đều "ép" nhân viên đó để sếp trực dùm.

Sếp bảo nhà sếp ở Sài Gòn, việc trực chỉ là ngồi chơi xơi nước, phát sinh lỗi thì sửa nên sếp dễ dàng chạy qua chạy lại giữa nhà với công ty. Anh em cả năm được nghỉ xả hơi mấy ngày để về quê mà lại bắt ở lại trực thì tội, Tết hết mê. Thế nên nếu ai nhà xa mà nỡ bị phân lịch trực vào đúng Tết thì đều thở phào hí hửng.

Ngoài chuyện trực Tết thì chuyện thưởng Tết ở công ty, sếp cũng rất được lòng mọi người.

Nhớ năm đầu tiên tôi vào làm ở công ty, thời điểm đó đúng dịp cận Tết, deadline ngập đầu mà sếp thì cứ "su-pơ-soi" liên tục, tôi phát ngán, tính nghỉ ngang mấy lần. Nhưng sau đó, anh em động viên theo kiểu úp mở "đường dài mới biết ngựa hay, đừng nản sớm" thì tôi lại tặc lưỡi ở lại. Và chẳng cần đợi lâu, tôi đã được mục sở thị cái gọi là "ngựa hay" ngay trong buổi chiều 23 tháng chạp - ngày mà anh em trong công ty đều hớn hở vui mừng vì nhận được tiền thưởng Tết. 

Năm ấy, tôi là lính mới, vào làm còn chưa hết thử việc nên tôi không hề nghĩ đến chuyện được thưởng Tết. Nhưng sếp lại cho gọi tôi vào phòng, tôi còn hoang mang chưa biết có chuyện gì thì sếp đã hỏi như thể đã biết tôi cả chục năm: "Năm ngoái chú không về quê ăn Tết nhỉ?". Tôi chưa kịp trả lời thì sếp đã đẩy cái phong bì về phía tôi rồi bảo: "Đây là tiền thưởng Tết của chú. Vé máy bay mua bây giờ thì mắc lắm, để anh giới thiệu cho chú cái xe đò chạy tuyến Bắc - Nam của bạn anh, chú tính ngày về rồi đặt vé đi. Về mà ăn Tết với gia đình, hai năm không về, mọi người trông dữ lắm đó”.  Tôi thoáng bất ngờ, tính nói cảm ơn thì sếp đã phẩy tay bảo tôi không cần nói gì. 

Lúc đó tôi cứ đinh ninh công ty có chế độ thưởng riêng cho những "lính mới" như tôi. Nhưng sau này tìm hiểu tôi mới biết, sếp đã trích nguyên phần lương tháng 13 và tiền thưởng Tết của mình, tùy theo thực tế từng năm mà chia thành từng phần đều nhau rồi gửi tặng riêng cho chị lao công, chú bảo vệ và những nhân viên mới vào làm chưa đủ điều kiện để nhận lương thưởng. Chị lao công bảo, bốn năm chị làm ở đây là cả bốn năm chị đều nhận được phần quà ấy từ sếp. Món quà ấy giúp chị có thêm chi phí để cùng chồng về miền Trung đón Tết với hai đứa con nhỏ. Còn chú bảo vệ thì có thêm chút tiền để mua thuốc cho vợ uống dự phòng mấy ngày Tết, ba đứa cháu ngoại côi cút có tấm áo mới chưng diện với bạn bè.

Tôi tò mò hỏi sếp năm nào cũng mang hết lương thưởng ra chia như vậy mà vợ sếp không giận hay trách sếp lo chuyện bao đồng thiên hạ sao, sếp cười rồi nói tỉnh queo: "Bả còn khuyến khích anh làm thế thì trách gì. Tiền nhiều thì ai không ham nhưng san sẻ mỗi người chút ít thì Tết mới vui chớ". 

Chính tinh thần san sẻ này của sếp đã khơi nguồn cảm hứng cho phong trào "ai cũng có Tết" ở các phòng ban của công ty. Tết năm nay, dù sếp đã lên tổng ngồi thì phong trào này vẫn được duy trì và mở rộng, khiến cho ai nấy đều phấn khởi, không cảm thấy "sợ" mỗi khi nghe ai nói hai chữ "Tết về” nữa.

Với anh em trong phòng kỹ thuật chúng tôi, lẽ ra sẽ phải "vui như Tết" khi không còn bị sếp "su-pờ-soi" hằng ngày thì lại thấy buồn vô đối. 

Bữa trước, anh em trong phòng đồng loạt gửi tin nhắn vào group chát cho sếp: "Tết này buồn quá sếp ơi!". Ngay lập tức dòng tin nhắn của sếp nhảy trên màn hình: "Buồn vì phải trực Tết hả? Mấy đứa góp tiền, trả công trực cho anh đi". 

Mọi người thả icon khóc lóc còn sếp đáp lại là cái icon ngoác miệng cười. Tôi đang tính nhắn dòng tin: "Sếp vô tình" thì thấy sếp gửi loạt tin sang: "Giỡn chơi mấy đứa thôi. Tết cứ yên tâm nghỉ ngơi đi, hệ thống giờ chạy ổn định, ít lỗi nghiêm trọng nên anh đã đề xuất bỏ việc trực Tết cho phòng kỹ thuật. Có gì thì ra Tết xử lý. Bất quá thì anh lên xử lý rồi trừ lại lương của mấy đứa, chuyển sang cho anh thôi. Ha ha!".

Đọc đến đây thì anh em trong phòng hò reo vui sướng. Đúng là muốn ghét sếp cũng không thể ghét được, dù đã yên vị ghế tổng... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết và chuyện sếp phòng tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO