Tết này cấm quà biếu

HÀ CÚC| 31/12/2009 08:24

Lãnh đạo Hà Nội mới đây đã ra lệnh cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, công quỹ, thưởng, biếu, tặng các tổ chức hoặc cá nhân; không dùng rượu ngoại tiếp khách trong dịp Tết.

Tết này cấm quà biếu

Lãnh đạo Hà Nội mới đây đã ra lệnh cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, công quỹ, thưởng, biếu, tặng các tổ chức hoặc cá nhân; không dùng rượu ngoại tiếp khách trong dịp Tết.

Bắt đầu từ Tết này, lãnh đạo Hà Nội cũng cấm sử dụng xe công phục vụ hoạt động cá nhân. Lệnh này được ban ra sau khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại cuộc họp giao ban quận - huyện: “Cơ chế có những sơ hở khiến nhiều người giàu bất thường, rồi người có quyền lực nên người khác cứ đưa hối lộ cho dù họ không đòi". Ông Nghị cho rằng, một nguyên nhân nữa là do cơ chế chính sách tạo đặc quyền cho một số ngành như thuế, cấp phép xây dựng, giáo dục, y tế. Theo đó, tham nhũng có tính dây chuyền, như giáo viên nhận hối lộ khi “chạy trường” thì lại phải "chạy bác sĩ” khi vào bệnh viện...

Quà biếu Tết sẽ là kẽ hở cho nạn biếu xén biến tướng thành hối lộ và đưa đẩy nhiều quan chức thành quan tham. Dư luận vẫn chưa quên vụ án Lã Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Hội chợ và Triển lãm Nông nghiệp ở Hà Nội. Để được duyệt những khoản vay cho các dự án, bà Oanh đã chi quà cáp hàng chục tỷ đồng. Kết quả là sau 5 năm làm giám đốc, doanh nghiệp này đã “thất thoát” hơn 150 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, ranh giới giữa “quà” và “hối lộ” mong manh như sợi tóc. Rất khó để xác định liệu quà biếu có phải là hối lộ hay không, bởi thông thường những kẻ biếu quà không đặt mục tiêu “thu hồi vốn” ngay mà coi đó là khoản "đầu tư dài hạn". Vì vậy, việc thu thập chứng cứ hối lộ cũng trở nên vô cùng mong manh. Không khí lễ Tết tạo nên lá chắn vô hình trong tâm thức các quan tham, họ không cần phải tìm lý do chính đáng để từ chối những khoản hối lộ được che đậy bằng “quà biếu tình cảm”.

Cũng như Hà Nội, nhiều địa phương từ lâu đã có chỉ thị về quà Tết đối với công chức, nhưng chưa có một chế tài nào xử lý việc vi phạm chỉ thị này. Chưa có trường hợp nào biếu xén, quà cáp “trên mức tình cảm” bị truy tố. Suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đi cùng với cơ chế nhiều sơ hở, lỏng lẻo làm cho nhiều người giàu lên một cách bất thường, thậm chí nhiều người cứ ngồi vào vị trí đó là có người khác đưa tiền đến hối lộ.

Bàn về cơ chế lỏng lẻo, mặc dù Dự Luật Chống tham nhũng đã được Quốc hội bàn cách đây 9 năm và việc lễ Tết đã được nhắc đến cách đây hơn chục năm, nhưng phải đến năm 2009 mới có báo cáo về trường hợp 211 cán bộ, công chức nộp lại quà cho cơ quan, tổ chức với tổng giá trị 66,5 triệu đồng. Con số này chỉ mang tính chất tượng trưng và tự nguyện nhiều hơn là định lượng giám sát một cách chính xác. Chính lãnh đạo TP. Hà Nội cũng thừa nhận thực trạng: Các vụ tham nhũng bị lộ diện hầu hết đều do người dân và báo chí phản ánh, tố cáo; gần như không có việc tự phát hiện của các cấp ủy Đảng và cơ quan.

Sự giám sát của dư luận xã hội, của các cơ quan truyền thông, sự chuyển biến về ý thức, sự cải thiện chế độ thu nhập cho công chức là rất cần thiết, nhưng đi cùng với nó là những chế tài nghiêm khắc. Nếu không động từ “cấm” chỉ là để trang trí cho một khẩu hiệu nhàm tai nào đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết này cấm quà biếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO