Tết, dân ít đi du lịch lại là cơ hội cho người kinh doanh thực phẩm

Minh Hào| 14/12/2020 06:37

Dù lo lắng về dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp ngành thực phẩm tin rằng sức mua sẽ tăng cao trong mùa Tết này vì khi người tiêu dùng không đi du lịch sẽ ở nhà… ăn Tết.

Tết, dân ít đi du lịch lại là cơ hội cho người kinh doanh thực phẩm

Gia tăng sản lượng

Thực phẩm là lĩnh được kỳ vọng tăng trưởng nhiều nhất trong mùa kinh doanh Tết đặc biệt của năm nay. Ông Bùi Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An cho biết, năm nay dự kiến công ty đưa ra thị trường hơn 100.000 tấn dầu ăn. Chuẩn bị cho lượng hàng lớn này, ngay từ tháng 10/2020, công ty đẩy mạnh sản xuất cho kịp thời gian đưa hàng ra các kênh phân phối truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...

Bắt đầu từ tháng 12/2020, hàng hoá Tết của Tường An có mặt ở các kênh phân phối. Cùng với các sản phẩm thông thường, Tường An tập trung vào phân khúc trung và cao cấp với sản lượng tăng 25% so với Tết năm 2020. 

Ở nhóm sản phẩm chế biến tiện lợi, Công ty Sài gòn Food chuẩn bị sẵn hơn 2.700 tấn thành phẩm, tăng hơn 30% với với các tháng bình thường và tăng 25% so với cùng kỳ Tết Canh Tý. Hiện tại, hơn một nửa số lượng hàng dự kiến đã được sản xuất và nằm trong kho của công ty chuẩn bị cho nhu cầu tăng mạnh trong thời gian tới. 

Cũng trong nhóm hàng thực phẩm, đến thời điểm hiện tại, Công ty Vissan chuẩn bị lượng hàng tăng 5% so với Tết năm ngoái, tương đương với 7.500 tấn thực phẩm tươi sống và chế biến. Ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, hàng chuẩn bị sẵn và bắt đầu đưa đến các điểm kinh doanh. Năm nay, bên cạnh kênh truyền thống, Vissan đẩy mạnh kênh online. 

Năm 2020 là năm khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp và doanh nghiệp thực phẩm cũng không ngoại lệ. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho biết, doanh thu công ty năm nay tăng 10% nhưng lợi nhuận giảm đến 50%. 

Tuong-An-1-9306-1607896860.jpg

100.000 tấn dầu Tường An đang được đưa ra thị trường cho mùa Tết này

“Đó là do nguồn nguyên liệu bị gián đoạn và tăng giá, đơn hàng tăng giảm thất thường, cơ cấu sản phẩm thay đổi, hàng giá trị gia tăng gỉảm… trong khi Sài Gòn Food vẫn cam kết không tăng giá bán, đồng hành cùng cả nước vượt qua khó khăn”, bà Thanh Lâm cho biết.

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, dịch bệnh khiến xu hướng tiêu dùng thay đổi. Kể từ tháng 5/2020 đến nay, người dùng thắt chặt chi tiêu, chỉ sử dụng những sản phẩm thiết yếu và tiết kiệm. Vì thế, những sản phẩm có giá trị gia tăng đều giảm lượng tiêu thụ. Đây là điều khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên, trong mùa Tết này, các doanh  nghiệp tin những sản phẩm thiết yếu sẽ tăng trưởng bất chấp Covid-19.

Làm mới sản phẩm cũ

Tết năm nay, cũng vì nhận thấy khó khăn, các doanh nghiệp ngành thực phẩm hầu như không ra sản phẩm mới mà chủ yếu “làm mới sản phẩm cũ” cho phù hợp với tình hình thị trường. Đơn cử, Công ty Sài Gòn Food không tung sản phẩm mới mà chỉ duy trì 2 dòng sản phẩm Tết truyền thống là lẩu Tết, bánh chưng. 

“Lần đầu tiên kể từ khi thành lập đến nay, công ty không phát triển dòng sản phẩm mới nào mà chỉ tăng vị mới trên các dòng sản phẩm chủ lực sẵn có, nhằm phục vụ nhu cầu mới trong điều kiện bình thường mới. Đó là chăm sóc sức khoẻ và tiết kiệm chi phí”, bà Thanh Lâm chia sẻ.

Cũng như thế, Tết này Công ty Vissan chỉ “làm mới lại các sản phẩm” Tết của năm trước như thịt heo tẩm ướp với 10 hương vị mới. Đặc biệt, các sản phẩm thịt tẩm ướp phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng khắp ba miền. “Với những sản phẩm trên, trong những ngày bận rộn mùa cuối năm, người tiêu dùng có thể chế biến mà không phải mất công sơ chế. Chỉ trong vòng khoảng 15 phút sẽ có ngay bữa tiệc nướng quây quần cùng gia đình”, ông Phan Văn Dũng nói. 

vissan-8688-1607896860.jpg

Năm nay lượng thực phẩm chuẩn bị Tết của Vissan là 7.500 tấn, tăng 5% so với Tết trước

Dù không đưa ra sản phẩm mới nhưng bà Thanh Lâm tin rằng, trong mùa Tết này, những sản phẩm thiết yếu sẽ tăng trưởng tốt. Bởi, “những thứ khác có thể giảm nhưng thực phẩm thì không. Thậm chí, nếu dịch có xảy ra thì nhu cầu hàng thực phẩm lại càng tăng. Vì khi người tiêu dùng ở nhà, không đi du lịch thì phải ăn. Cho nên, dù có dịch hay không thì sản phẩm của công ty cũng sẽ tiêu thụ tốt trong mùa Tết này, cũng như thế, ngành thực phẩm sẽ tăng trưởng”, bà Lâm tin tưởng.

Cũng tin vào sức mua sẽ tăng trưởng trong mùa Tết tới, ông Bùi Thanh Tùng cho rằng, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân nhưng Tết cổ truyền là biểu tượng của mùa đoàn viên, gia đình sum họp. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ và dành tặng những món quà Tết cho bạn bè, người thân. Và đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng từ khối doanh nghiệp, cơ quan để chuẩn bị kế hoạch biếu tặng nhân viên, đối tác dịp Tết Nguyên đán.

Tết Tân Sửu 2021, Công ty Sài Gòn Food dành đến 48 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động. Cụ thể, người lao động được thưởng 2 tháng lương, mức thưởng bình quân 17 triệu đồng/người. Công nhânsản xuất có tay nghề cao, đạt các danh hiệu thi đua được thưởng gần 3 tháng lương, tương đương trên 30 triệu đồng. Cùng với mức thưởng tốt, công ty cũng tổ chức đưa đón người lao động về quê ăn Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết, dân ít đi du lịch lại là cơ hội cho người kinh doanh thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO