Tập đoàn TTC và TTC Sugar đã cho gần 13.000 hộ nông dân trồng mía tại các tỉnh thành có nhà máy của TTC vay với tổng dư nợ lên đến 1.000 tỷ đồng. Sau hợp tác giữa OCB và TTC Sugar được ký kết, OCB sẽ thay TTC cho các hộ nông dân này vay vốn. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay trung dài hạn và được OCB cố định trong suốt thời gian cho vay, là mức lãi suất thấp trên thị trường.
Đối tượng vay sẽ là người từ 18 - 70 tuổi, có nhu cầu vay vốn để trồng, chăm sóc mía và có ký hợp đồng cam kết bán mía cho TTC. Số tiền vay tối đa lên đến 3 tỷ đồng, thời gian 36 tháng. OCB còn cung cấp cho nông dân các giải pháp tài chính như tài khoản thanh toán, tiết kiệm, sản phẩm vay tiêu dùng tín chấp.
Cùng sự kiện, hợp đồng tài trợ vốn giữa OCB và TTC Energy cũng đã được ký kết. Theo đó, OCB sẽ thu xếp tài trợ bổ sung vốn lưu động cho TTC Energy và tài trợ đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho thuê. Tài sản bảo đảm là hệ thống năng lượng mặt trời hình thành từ vốn vay, tỷ lệ tài trợ 70% tổng giá trị đầu tư của dự án.
Hiện, TTC có 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất lên đến 84,1MW đang vận hành và sắp đưa vào vận hành 2 nhà máy tổng 50MW. Hai nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam của Tập đoàn đã đi vào vận hành trong năm 2018 với tổng công suất khoảng 120MWp. Đồng thời, TTC cũng chuẩn bị đóng điện 4 nhà máy điện mặt trời trong tháng 4/2019 với công suất 220MWp; gấp rút triển khai 4 nhà máy khác khoảng 160MWp.
Bên cạnh đó, TTC sẽ thực hiện một số dự án trong những năm tới như Cụm dự án điện mặt trời Tây Ninh (công suất 124 MW), Cụm dự án Điện mặt trời Bình Thuận (công suất 300 MW)... Đối với điện gió, TTC hướng tới công suất tối đa 310 - 500MW trong giai đoạn 2020 - 2025. Ngoài ra, tập đoàn đang chuẩn bị nguồn lực cho dạng năng lượng khác như khí hóa lỏng và rác trong năm 2019.