Tính đến ngày 31/12/2022, TP.HCM có tổng cộng 19.059 cán bộ, công chức làm việc ở khắp các cơ quan các cấp. Trong đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong các cơ quan nhà nước chiếm tỷ lệ khá thấp với chỉ 11,49%.
Đội ngũ công chức tại thành phố đang gánh vác công việc khá vất vả so với các địa phương khác do số lượng dân cư và doanh nghiệp (theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, tính đến hết năm 2022, TP.HCM có 268.465 doanh nghiệp, chiếm 31,3% số lượng doanh nghiệp cả nước) tại thành phố đang cao nhất cả nước. Trong bối cảnh còn tồn tại những văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, để công chức tự tin giải quyết nhanh chóng những thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân tại TP.HCM cần hội tụ điều kiện cần và đủ.
Trong số mới phát hành vào ngày 25/6/2023, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn dành trọn chuyên đề cổ vũ tinh thần công chức thành phố với chủ đề Công chức làm những điều luật pháp cho phép, sẽ không đủ? Chuyên đề bao gồm các bài viết, phỏng vấn công chức, chuyên gia, doanh nhân, lãnh đạo các hội doanh nghiệp, phản ánh những áp lực từ phía công chức và ghi nhận những đóng góp của công chức, đồng thời đề xuất các giải pháp để khuyến khích công chức cống hiến.
Trong đó, bài viết “Nhọc nhằn” công chức thành phố, tác giả Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - chủ một doanh nghiệp, người thường xuyên di chuyển giữa nhiều địa phương đã phân tích và chỉ ra những gánh nặng công việc của công chức thành phố so với các địa phương khác.
Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân và Cục trưởng Cục Hải Quan TP.HCM cũng chỉ ra những áp lực với công chức thành phố.
Trân trọng những đóng góp của đội ngũ công chức thành phố, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho rằng chính những khoảng hở về chính sách đã dẫn đến áp lực sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Bà cũng đề xuất giải quyết tận gốc vấn đề để việc ban hành chính sách chặt chẽ, công chức sẽ mạnh dạn áp dụng và giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, người dân mà không sợ sai.
Dưới góc nhìn của một người đang làm việc tại một cơ quan nhà nước, từng theo học tại Mỹ, thông qua bài viết Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Chung tay vì sự nghiệp phát triển đất nước, ThS. Nguyễn Tuấn Anh đã phân tích và chỉ ra rằng ngoài nhiệt huyết, trách nhiệm, còn là niềm tin. Cán bộ đứng trước cám dỗ về vật chất, khi đầy đủ niềm tin với Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thì dám nghĩ, dám làm vì nước, vì dân.
Trong khi đó, TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho rằng, thời gian qua TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích đội ngũ công chức dám nghĩ, dám làm, đã có tác động tích cực nhưng như vậy vẫn chưa đủ… Theo TS. Võ Trí Thành, TP.HCM cần phải đặt ra vấn đề là làm sao tạo được hệ thống động lực cho cán bộ, công chức làm việc hiệu quả. Khi hệ thống động lực đủ tốt, cán bộ, công chức sẽ cống hiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trong bộ mới ra mắt, chuyên mục Trò chuyện với Doanh Nhân Sài Gòn đã được tăng trang từ 2-4 với thiết kế ấn tượng về cả nội dung và trình bày.
Chia sẻ với nhà báo Ngọc Lý, TS. Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí khẳng định, trách nhiệm của doanh nhân là hiểu và tuân thủ pháp luật. Từ một người gần như tay trắng, không người đỡ đầu, hướng dẫn, tự mày mò, rồi trải qua bao thăng trầm TS.Nguyễn Vinh Huy đã xây dựng được Hệ thống Luật Thịnh Trí với đa dạng các lĩnh vực từ luật sư, công chứng, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, quản tài viên, đấu giá, định giá và các lĩnh vực khác liên quan tới bổ trợ tư pháp.
Hệ thống Luật Thịnh Trí hiện trải rộng trên nhiều tỉnh thành, như TP.HCM, Bình Phước, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu. TS. Nguyễn Vinh Huy cũng cho biết, trong quá trình công tác trong ngành với hơn 20 năm, ông nhận thấy, có doanh nghiệp tập trung vào việc kinh doanh, vô tình lại làm sai quy định của pháp luật, dẫn đến hậu quả không lường trước được. Do đó, ông hy vọng các chủ doanh nghiệp có thể nhìn lại và ghi nhận vai trò của việc hỗ trợ pháp lý trong quá trình đi đến phát triển bền vững. Đó cũng là lý do, trong suốt thời gian qua, TS.Nguyễn Vinh Huy không chỉ cùng với các tác giả xuất bản sách để phổ biến pháp luật, đồng thời tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật cho những cộng đồng dân cư tại vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, trong số mới 653 còn nhiều bài viết hấp dẫn khác tại các chuyên mục: Góc nhìn thời sự, Gặp gỡ, Tài chính, Văn hóa doanh nghiệp, Doanh nhân và sách… như:
- Doanh nghiệp và hệ sinh thái số (TS. Đoàn Duy Khương)
- Đảm bảo đủ điện, chấm dứt cắt điện luôn phiên (Ngọc Quỳnh)
- Startup rơi rụng (Mỹ Huyền)
- Doanh nghiệp mong nhiều hơn giảm lãi suất (Anh Khoa)
- AI: Cuộc chiến” tranh giành ưu thế công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc (Bảo Quân)
- Nghịch lý bỏ và giữ người lao động của doanh nghiệp (Hồng Nga)
- “Chất vàng” của văn hóa doanh nghiệp (Dương Tống - CEO HomeNext Academy)
- Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp theo cách đặc biệt (Lan Ngọc)
- Tổ chức câu lạc bộ đọc sách trong doanh nghiệp: Nên hay không nên? (Nguyễn Châu Linh - CEO Công ty CP Tập đoàn Hành trình Kim cương)
- Du lịch Sài Gòn có gì mới? (Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt)
- Gia đình: Hiểu để yêu thương (Lê Thị Thanh Lâm - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM)
Trong bộ thiết kế mới lần này, chắc chắn vẫn còn đâu đó những điểm chưa hoàn hảo, nhưng Doanh Nhân Sài Gòn hy vọng quý bạn đọc sẽ hân hoan đón nhận và tiếp tục đóng góp cho tạp chí ngày càng hoàn thiện.
Thông tin thêm vui lòng liên hệ tòa soạn Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn
Địa chỉ: 12 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38201563 - 38201564
Hotline: 0915232024. Fax: (028) 38201565
Email: toasoan@doanhnhansaigon.vn.