Ngày 6/9, phát biểu tại hội nghị “Đầu tư và phát triển ĐBSCL” do Bộ Kế hoạch - đầu tư phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và 13 tỉnh thành ĐBSCL tổ chức ở TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt, trong đó đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và tạo thuận lợi để khu vực ĐBSCL phát triển.
Chế biến cá ba sa xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang - Ảnh: T.T.D. |
Đặc biệt đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025, quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, trong đó xác định nơi đây là trung tâm lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản của cả nước, đồng thời là một trung tâm năng lượng lớn.
Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền các tỉnh tăng cường công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, có những cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để thu hút đầu tư, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội VN, ĐBSCL giàu tiềm năng, nhiều lúa, cá, trái cây, nguồn nhân lực dồi dào, có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, thời gian qua cả vùng còn phát triển chậm, chính quyền các tỉnh hầu như chỉ chú trọng phát triển kinh tế địa phương, chưa quan tâm đến phát triển toàn vùng. Do đó, một trong những giải pháp đột phá sắp tới là đẩy mạnh tính liên kết vùng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng phân tích: các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre cần liên kết thu hút các dự án có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại vì vùng này gần TP.HCM, có điều kiện tiếp cận thị trường trong nước.
Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp có vùng nguyên liệu lúa, cá dồi dào, có cảng sông, đường hàng không, cửa khẩu biên giới nên ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến. Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có bờ biển dài nên liên kết với Phú Quốc phát triển công nghệ đóng tàu, chế biến thủy sản, công nghiệp khí điện đạm...
Và bài toán “bắt đầu từ đâu” cũng được nhiều đại biểu đưa ra bàn thảo. Theo ông Huỳnh Ngọc Quí - phó tổng giám đốc Công ty liên doanh khu du lịch La Veranda tại Phú Quốc, nên bắt đầu từ cơ sở hạ tầng.
Kinh nghiệm ở Phú Quốc nhiều năm trước cho thấy do thiếu tàu ra đảo, đường đi chưa thông, điện yếu, nước thiếu, Internet chưa nối mạng đã làm không ít khách phải hoãn chuyến, một số nhà đầu tư lớn còn chờ đợi, chưa vội đầu tư. Mãi đến khi có tàu cao tốc, đường sá nâng cấp, sân bay mở rộng, nhà đầu tư bắt đầu tìm đến. Tiếp đến là phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.
Kinh nghiệm cho thấy khi tuyển dụng, nhà đầu tư phải mở các khóa đào tạo kỹ năng chuyên môn và cả ngoại ngữ, mất nhiều công sức và thời gian. Điều đó làm họ “ngán”. Nếu ta có sẵn đội ngũ lao động lành nghề, biết ngoại ngữ thì sẽ đỡ hơn nhiều.
Ông Ashok Sud, phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu (EuroCham), cũng đồng tình với việc cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho nhà đầu tư. Muốn vậy, các tỉnh cần có những trung tâm đào tạo và cơ sở giáo dục thích hợp để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp.
Về chính sách phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức cho biết tới năm 2012 nâng cấp sân bay Cần Thơ, Phú Quốc “lên” quốc tế. Giai đoạn 2011-2015 xây dựng cầu Cổ Chiên, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ. Đường hàng hải sẽ nạo vét luồng Định An cho tàu lớn 10.000 tấn vào sông Hậu...
Trung tướng Lưu Phước Lượng, phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư vào ĐBSCL là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đang được Bộ Kế hoạch - đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 9-2010.
Khi đó giải pháp cụ thể sẽ được giao các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện cùng các tỉnh có thế mạnh.
Với chức năng của mình, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ tập trung hỗ trợ các tỉnh trong việc điều phối, liên kết đầu tư vùng nhằm thúc đẩy ĐBSCL phát triển nhanh thời gian tới.