Tám Sài Gòn 77: Chất lượng nông dân

TÁM SÀI GÒN| 23/12/2012 07:00

Anh bảo: “Bưởi này chỉ nông dân mới ăn được thôi. Chất lượng nông dân mà!”.

Tám Sài Gòn 77: Chất lượng nông dân

Cuối tuần rảnh rang, theo đề nghị của bà xã, Tám Sài Gòn lấy xe chở “nội tướng” đi thăm một người bạn thuở thiếu thời của bả. Lâu ngày mới đến với nhau, cũng nên có cái gì đó “lót tay” tỏ lòng thương mến, Tám tui tấp vào chợ nhỏ ven đường cho bà xã kiếm chút trái cây.

Theo thói quen của người nội trợ, bà xã lựa một trái bưởi rồi không cần ngước nhìn, buông một câu hỏi người bán hàng “Bưởi này ăn ngon không?”. Hỏi lấy lệ thôi, vì ai chẳng biết có người bán nào lại không khen hàng của mình, nên cũng không có ý chờ lời giải đáp. Nhưng nghe câu trả lời của người bán hàng, bà xã bất chợt ngước lên, Tám Sài Gòn đứng bên cũng bị bất ngờ, ngó nhìn đôi mắt bình thản của người đàn ông trông ra dáng… nông dân. Anh bảo: “Bưởi này chỉ nông dân mới ăn được thôi. Chất lượng nông dân mà!”.

Ngẫm ra, cái triết lý “quái lạ” mới thật trí tuệ mà có lý đến lạ.

Thành thị là nơi đưa ra nhiều tiêu chí định giá sản phẩm nhất. Khi đã gắn tem mác, đã kiểm định, có nghĩa là vật phẩm đã được gắn bùa hộ mệnh. Bản thân từng người cũng tự định giá đẳng cấp cho mình. Nếu anh là đẳng cấp VIP, đương nhiên anh phải sống chung với VIP. Nếu anh là bình dân, anh phải sống chung với “hợp túi tiền và năng động”. Đặc biệt, còn một thứ “cổ tích” trong kinh tế thị trường là hàng VIP đại hạ giá xuống bình dân để tạo ra đẳng cấp ở mọi cấp độ.

Ở mọi cấp độ, người ta đều tìm cách trở nên đẳng cấp bằng những con đường khác nhau. Nhưng rồi, bản thân mỗi người chợt nhận ra sự hỗn loạn, tự thụt lùi của rất nhiều thứ. Trong món ăn sang trọng của nhà hàng bỗng nảy nòi ra những câu hỏi về tính an toàn vệ sinh thực phẩm. Con cái đến trường chuyên lớp chọn nhưng vẫn chưa yên tâm, phải “lót dạ” bằng dăm bảy buổi học thêm mỗi tuần…

Đằng sau mỗi thứ gọi là chất lượng ấy còn chồng chất nhiều câu hỏi mà chẳng biết chất vấn ai, như lời một phụ huynh từng nói: “Con gà ôi tôi bắt đền siêu thị, cái xe trục trặc tôi bắt đền đại lý, nhưng con tôi dốt thì biết bắt đền ai. Thôi cứ học thêm cho chắc”.

Trong cái sự cạnh tranh đẳng cấp, chất lượng như nấm mọc sau mưa ấy, “chất lượng nông dân” như lời người bán bưởi kia mới thật đáng quý. Quả bưởi, hay củ khoai, hạt lúa đang tự định giá mình bằng sự chân thật và thành thực. Chỉ tiếc là cái thành thực ấy bị thất thế bởi phép màu ảo hóa của thị trường. Người nông dân mới chính là người đánh giá xác đáng nhất về chất lượng sản phẩm của mình, bằng những tiêu chí thật sự đời thường, chứ không từ một chiêu thức đòn bẩy nào hết. Đó là chất lượng của lương tâm và sự vô tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tám Sài Gòn 77: Chất lượng nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO