Bí thư Thành ủy TP.HCM tham quan gian hàng triển lãm tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018. Ảnh: Hoàng Chương |
Thành phố có rất nhiều tài sản hỗ trợ cho phát triển đô thị sáng tạo, nhưng quan trọng nhất là hệ thống viện trường và đội ngũ nghiên cứu. Phải làm thế nào để nâng cao khả năng nghiên cứu và vận dụng nguồn lực này cho phát triển kinh tế sáng tạo. Đó là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018 sáng 23/11, trong phiên tọa đàm với các chuyên gia kinh tế quốc tế.
Theo ông Nhân, tiềm năng về giáo dục, khoa học công nghệ của khu Đông thành phố là rất lớn, với 16 trường đại học và hơn 500.000 sinh viên - là hạt nhân quan trọng để thành phố xây dựng đô thị sáng tạo. “Chúng ta có rất nhiều tài sản, nhưng điều quan trọng là làm sao nâng cao khả năng nghiên cứu của giới khoa học ở các viện trường, phải kích thích được khu vực này phát triển tích cực để ứng dụng tối ưu cho đô thị sáng tạo” - Bí thư Nhân đặt vấn đề.
Ông Nhân nhìn nhận, các khu công nghệ cao đã hoạt động 15 năm qua, nhưng các hoạt động còn riêng rẽ, chưa đủ sự tương tác. Để phát huy hiệu quả nguồn lực, cần phải tận dụng năng lực của các viện trường nghiên cứu và lấy doanh nghiệp làm động lực. Chính quyền phải tạo ra cơ sở hạ tầng. Chính sách phải tạo cơ chế khuyến khích hợp tác với nhau.
Bí thư Thành ủy phân tích: Nếu đầu tư để doanh nghiệp phát triển công nghệ mới sẽ tốn nhiều chi phí và thời gian hơn, nhưng áp dụng thành quả của công nghệ thông tin, truyền thông, khoa học sẵn có để đầu tư thì chi phí sẽ thấp hơn, thời gian sẽ nhanh hơn. Điều quan trọng là các viện trường và doanh nghiệp phải bắt tay nhau.
Theo TS. Emmanuel A.San Andres - Chuyên gia hỗ trợ chính sách của APEC, việc thiết lập một mối quan hệ đối tác giữa nhà làm chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng để đảm bảo nền tảng cho các bên sáng tạo là rất quan trọng. “Thành phố cần thiết lập một cơ chế có nền tảng minh bạch để các bên cùng làm việc với nhau, còn môi trường khác nhau thì mô hình sẽ khác nhau, nhưng cho dù mô hình nào thì chất xúc tác quan trọng nhất vẫn là kết nối hiệu quả”, ông Andres chia sẻ.
Với cách tiếp cận của cơ quan tài chính đặt trong ngữ cảnh cụ thể của TP.HCM, ông Ousmane Dione - Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho rằng, phải tận dụng các công nghệ đột phá với sự bổ sung của ngành công nghiệp phụ trợ có hiệu quả cao. Để thành công thì chính sách phải cho phép đổi mới sáng tạo cả về cơ sở hạ tầng cứng và mềm, TP.HCM cần xem đâu là trụ cột, ví dụ công nghệ thông tin và kỹ năng con người là hạ tầng mềm – đòi hỏi các cư dân trong khu đô thị phải kết nối và sáng tạo để tạo ra năng suất cao đủ sức cạnh tranh.
Phiên tọa đàm giữa Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và các chuyên gia quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018. Ảnh: Hoàng Chương |
Theo ông Ousmane, để phát triển vốn con người cần chú trọng 4 yếu tố: 1. Tạo điều kiện cho các phòng thí nghiệm, nơi nghiên cứu cho các viện trường, thu hút, giữ chân và phát triển nhân tài; 2. Phát triển kỹ năng kỹ thuật, tạo ra môi trường phát triển nhân tài mới; 3. Mạng lưới quan hệ phải được thiết lập về chính sách lẫn mạng lưới cộng đồng chia sẻ ý tưởng.
“Vốn con người phải được nghĩ tới ngay khi hình thành ý tưởng đô thị sáng tạo, xem xét nguồn vốn này phát triển thế nào trong môi trường kinh doanh và nguồn lực phân bổ được hiệu quả”, người đứng đầu WB tại Việt Nam nhận định.
Trả lời câu hỏi về việc doanh nghiệp tham gia như thế nào, vào khâu nào hiệu quả nhất, TS. Ahmad Magard - Tổng thư ký Liên đoàn sản xuất Singapore, cho rằng đầu tiên phải cho phép các trường đại học chủ động hơn trong triển khai các chương trình phù hợp liên quan đến đổi mới kinh tế. Viện trường hợp tác chặt chẽ với các khối doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp đa quốc gia hay doanh nghiệp nhỏ, để nuôi dưỡng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. “Điều này thúc đẩy Nhà nước có cơ chế khuyến khích sự hợp tác, khuyến khích đầu tư cho con người cũng như khuyến khích hợp tác với viện trường” – ông nói.
Đến từ Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Hàn Quốc, Giáo sư Cha Sang-Kyun - Viện trưởng, cũng khuyến cáo rằng chỉ có đào tạo mới giúp phá vỡ các rào cản đã trở thành quán tính của giai đoạn công nghiệp 2.0, đặc biệt tình trạng chung hiện nay là các ngành công nghiệp đã thay đổi rất nhanh nhưng giáo dục không thay đổi kịp.
“Từ nhà nghiên cứu cho đến lao động bình dân, đặc biệt người trẻ phải được học tập liên tục để tiếp cận sự thay đổi. Cơ chế chính sách hiện nay cũng hạn chế mà khuyết điểm lớn nhất là sự riêng rẽ giữa các bộ ngành và cơ quan chính phủ. Chính sách chưa đủ mạnh để phá vỡ các biên giới đó, để họ làm việc chặt chẽ và hợp tác hơn”, ông Cha chia sẻ.