Hiện vẫn chưa có ngân hàng thương mại (NHTM) nào có đề án xin vay tái cấp vốn dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn sẵn sàng chi tiền.
Bắt đầu từ tháng 10/2013, cho đến hết tháng 3/2014, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được khoảng 43.000 tỷ đồng nợ xấu của các NHTM bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Theo dự kiến, đến hết năm 2014, cũng bằng TPĐB, VAMC có thể sẽ mua vào khoảng 100.000 tỷ đồng, đến 150.000 tỷ đồng nợ xấu.
Đó là những con số không nhỏ, có nguồn gốc từ vốn tín dụng trong nền kinh tế đã ách lại, mà nguyên nhân bao trùm là do suy thoái của nền kinh tế gây ra. Việc mua nợ xấu bằng TPĐB của VAMC đã và vẫn đang được tiến hành thuận lợi. Chưa thấy có lý do gì khiến lộ trình và tốc độ mua nợ xấu theo "phương thức đặc thù Việt Nam" này sẽ gặp trục trặc về tiến độ cả.
Tuy nhiên, đây đó đã xuất hiện ý kiến về việc các NHTM có TPĐB chưa được vay tái cấp vốn từ NHNN. Rất đáng quan tâm là đa phần các ý kiến đó được phân tích nghiêng về hướng NHNN cần sớm thực hiện việc cho vay tái cấp vốn này.
Tổng hợp tình hình, có thể thấy phần đông các phân tích trên cơ sở pháp lý cho thấy các NHTM có TPĐB của VAMC hoàn toàn được quyền vay tái cấp vốn. Mặt khác, lãi suất tái cấp vốn, theo quy định của Nghị định 53, sẽ được ưu đãi thấp hơn lãi suất tái cấp vốn thông thường. Và ngày 4/12/2013, bằng Quyết định số 2358/QĐ - TTg, Thủ tướng cho phép chủ sở hữu TPĐB này được vay tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay tái cấp vốn thông thường cùng thời điểm là 2%/năm.
Phân tích tiếp tục nêu lợi ích mà nếu vay tái cấp vốn, các NHTM có TPĐB sẽ nhận được. Đó là hiện tại lãi suất vay tái cấp vốn của NHNN là 6,5%/năm. Như vậy, nếu vay tái cấp vốn bằng TPĐB, NHTM sẽ chỉ phải trả lãi suất 4,5%/năm, bằng với mức lãi suất hiện NHNN đang cho vay tái chiết khấu. Và nếu so với trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng là 6%/năm, thì vay tái cấp vốn vẫn lợi hơn 1,5%/năm.
Hơn nữa, vay tái cấp vốn có thể được hưởng kỳ hạn đến 12 tháng, lại còn có thể được gia hạn... Nhìn sang thị trường liên ngân hàng, cũng theo công bố ngày 4/4 của NHNN, thì lãi suất vay thanh khoản kỳ hạn 6 tháng vẫn ở mức 5%/năm, với doanh số cũng đến 100 tỷ đồng. Còn ở kỳ hạn 3 tháng, có lãi suất đến 5%/năm, doanh số lên đến 1.550 tỷ đồng...
Điều này chứng tỏ vay thanh khoản, tuy đã là hoạt động bình thường, nhưng nhu cầu vẫn không phải là thấp. Nhìn theo lộ trình mua nợ xấu của VAMC, kể từ tháng 10/2013, sẽ thấy cho đến nay, sau 6 tháng thực hiện, VAMC đã mua vào trên 40.000 tỷ đồng bằng TPĐB. Vậy có thể thấy đến nay nhiều tỷ đồng TPĐB đã có thể được vay tái cấp vốn. Nhưng...
VAMC vẫn chưa có động thái nào đáng kể để xử lý số nợ đã mua mặc dù đã thực hiện xong khâu phân loại nợ xấu. Theo đó, có 14.000 tỷ đồng được xem xét bán tài sản, 14.700 tỷ đồng được xem xét để cơ cấu nợ và 6.800 tỷ đồng phát mãi tài sản để thu hồi nợ. VAMC sẽ bán nợ thí điểm với 4 loại khách hàng với tổng số nợ trị giá 1.400 tỷ đồng, đồng thời công khai danh mục các khoản nợ và tài sản đảm bảo để chào bán ra thị trường. Khách hàng dự kiến là các tổ chức, nhà đầu tư trong nước vì cơ chế bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có. VAMC đang vướng mắc ở quy định là chỉ được bán những khoản nợ có tài sản trị giá dưới 10 tỷ đồng, nên không thể xử lý những khoản nợ có giá trị lớn hơn. |
Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện vẫn chưa có NHTM nào có đề án xin vay tái cấp vốn được trình báo cả. Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ các NHTM chưa xin vay tái cấp vốn vì mấy lý do sau đây.
Trước hết, ai cũng biết theo lẽ thông thường, với chức năng là "người cho vay cuối cùng", NHNN sẽ cho vay tái cấp vốn đối với những NHTM nào bị thiếu vốn, cụ thể là bị lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản ở mức sắp mất, hoặc sẽ có thể mất khả năng thanh toán.
Nhưng hiện tại, thanh khoản hệ thống đang dồi dào, nếu có NHTM nào đó gặp phải thiếu hụt tạm thời, thì "sướng nhất" là họ "vay qua đêm", trên thị trường tín dụng thanh khoản liên ngân hàng.
Thanh khoản là một vấn đề quan trọng, có quan hệ to lớn đến uy tín thương hiệu, đặc biệt là tín nhiệm quản trị rủi ro của mỗi NHTM cụ thể, nên thanh khoản là cái "không dễ gì có thể để mất được". Vì vậy, rất dễ hiểu là người ta chưa vay tái cấp vốn một khi còn có thể duy trì được thanh khoản. Chẳng ai dại "thưa ông tôi ở bụi này" cả!
Thứ hai, vốn cho vay tái cấp vốn sẽ được NHNN quản lý chặt chẽ. Điều kiện quan trọng nhất là nguồn vốn vay tái cấp vốn này sẽ sử dụng vào việc gì, phải được nêu rõ trong đề án xin vay tái cấp vốn; và sẽ được xem xét để cho vay, cũng như giám sát chặt chẽ quá trình giải ngân và thu nợ.
Không phải là điều kiện được vay tái cấp vốn, mà chính là cơ chế cho vay này đã có thể khiến các NHTM có muốn cũng khó có thể nghĩ đến lợi ích "2%", để cầm bút làm đơn xin vay tái cấp vốn bằng TPĐB của VAMC. Có ai muốn công việc của mình, dù vẫn được minh bạch hóa, nhưng lại phải chịu bị kiểm soát bởi ai đó!
Điểm thứ ba, rút lại là theo luật định, NHNN vẫn phải là người chịu trách nhiệm chính trong chức năng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, chủ động kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã định, tạo tăng trưởng một cách ổn định kinh tế vĩ mô; nên NHNN vẫn phải là người duyệt vay tái cấp vốn.
Trong khi hiện tại các NHTM đang dồi dào thanh khoản, vốn dư được trái phiếu Chính phủ hút vào khá lớn, tín dụng lại đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng, nên khả năng bơm thêm vốn từ nguồn tái cấp vốn TPĐB ra thị trường tín dụng là chưa thể. Vậy thử hỏi, một khi đã biết rõ điều này, dù biết là được lợi, nhưng có NHTM nào có TPĐB đem xin vay tái cấp vốn không? Câu trả lời hiện tại chắc chắn là không!
Tóm lại, như lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM khẳng định, luôn sẵn sàng đề nghị NHNN xem xét đề án xin vay tái cấp vốn bằng TPĐB, do VAMC phát hành, của bất cứ NHTM nào có nhu cầu vay. Không có chuyện NHTM không được vay, hoặc chưa được vay tái cấp vốn từ nguồn vốn bán nợ xấu lấy TPĐB của VAMC như dư luận đã nêu. Vay hay chưa vay là quyền pháp định của các NHTM...