Tôi đã may mắn được “quay về bên trong” khi ở độ tuổi đôi mươi và cảm nhận được cuộc đời tôi đã thay đổi sâu sắc đến như thế nào khi chuyển hóa được nội tâm của mình. Tuy nhiên, trên hành trình chuyển hóa này, tôi vẫn thường loay hoay không biết mình đang đứng ở đâu, đã được cái gì và bước tiếp theo cần đạt là gì, rồi giậm chân tại chỗ trong một khoảng thời gian. Rồi khi đưa chương trình huấn luyện tinh thần vào công ty, tôi cũng vấp phải vấn đề “đo được mới quản trị được”. Tôi tìm kiếm một thước đo không chỉ phản ánh được mức độ phát triển nội tâm mang tính riêng tư của mỗi người mà còn dự báo được năng lực làm việc của một nhân sự.
May mắn thay, tôi đã tìm thấy câu trả lời của mình trong cuốn 21 kỹ năng trí thông minh nội tâm của Cindy Wigglesworth. Trong một rừng sách về nội tâm với nhiều câu từ mơ hồ, bí ẩn và dễ gây hiểu nhầm, bà đã đưa ra một định nghĩa rất cụ thể: “Thông minh nội tâm là khả năng cư xử với trí tuệ và lòng trắc ẩn, trong khi vẫn duy trì được sự bình an bên trong lẫn bên ngoài, bất kể hoàn cảnh nào”. Bà đã cụ thể hóa cái gọi là “tình yêu thương”, đích đến của khai mở nội tâm, đưa trí tuệ và lòng trắc ẩn trở thành hai trụ cột của phát triển nội tâm.
Hơn thế nữa, trên góc nhìn trí thông minh nội tâm là bước tiếp theo vượt trội của trí thông minh cảm xúc, bà đã dựa trên mô hình EQ của Daniel Goleman và Richard Boyatzis để phân tách thông minh nội tâm ra 4 khu vực, bao gồm 21 kỹ năng với các mức thang đo rõ ràng. Bộ kỹ năng SQ của bà vừa thể hiện được trình độ nội tâm bên trong như ý thức về thế giới quan, tiếng nói bên trong, hay thang giá trị... vừa phản ánh được các yếu tố cấu thành một năng lực vô cùng quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào. Đó là năng lực lãnh đạo với nhóm kỹ năng về cố vấn tinh thần, lãnh đạo thay đổi hay khả năng đưa ra quyết định có tính trí tuệ và trắc ẩn.
Có hai khái niệm tôi cho là khá then chốt trong phát triển nội tâm được bà phân tích rất duyên dáng là “cái tôi phàm phu” và “cái tôi thanh lương”. Bà nhân hóa hai cái tôi này với những câu thoại khiến tôi cảm thấy dễ chịu và nhìn nhận cái tôi của mình theo một cách mới mẻ và bao dung hơn. Thỉnh thoảng, tôi cười mỉm theo câu chuyện của bà, tôi cảm thấy những “cái đáng ghét” bên trong mình sao trở nên đáng yêu chi lạ.
Một điều tôi rất thích nữa trong cách tư duy của bà là bà chỉ đưa ra định nghĩa và thang đo chứ không khẳng định người đọc nên chọn theo con đường nào để phát triển. Bà gợi mở mọi người nên lắng nghe bản thân và lựa chọn con đường phù hợp cho riêng mình. Điều này khá là khác so với những cuốn sách về lĩnh vực nội tâm, tâm linh khác, thường khuyên người đọc nên làm cái này, nên làm cái kia. Bản thân tôi đánh giá các gợi ý thực hành của bà là một lựa chọn phù hợp cho những người bước đầu dấn thân vào hành trình chuyển hóa sâu sắc bản thân.
Tôi cảm nhận được xuyên suốt cuốn sách là một sự tâm tình, chia sẻ những trải nghiệm rất thật được lồng ghép khéo léo với những mô tả rất chân phương của một người làm khoa học thực tiễn. Tôi khâm phục và biết ơn nỗ lực không ngừng nghỉ của bà để đo lường cái được cho là không thể đo lường một cách chuyên nghiệp và đầy trách nhiệm. Lần đầu đọc sách, tôi cũng đã thử “đo” mức độ thông minh nội tâm của mình theo một số chỉ dẫn cơ bản trong sách và bắt đầu hình dung mình đang ở đâu và cần hướng đến điều gì tiếp theo. Sau đó, tôi điều chỉnh chương trình huấn luyện thông minh nội tâm của công ty theo thang đo của bà và sự kết nối giữa sức khỏe tinh thần và năng lực nhân sự trở nên rõ ràng hơn trước rất nhiều.
Đến bây giờ, 21 kỹ năng trí thông minh nội tâm vẫn là cuốn sách gối đầu giường của tôi. Thỉnh thoảng lật ngẫu nhiên một trang sách và “đo” xem mình đang như thế nào rồi. Mỗi lần như vậy, tôi thấy mọi thứ trở nên rõ ràng hơn và tôi đã được truyền cảm hứng rất nhiều cho hành trình tiếp theo của mình.
(*) Đồng sáng lập và CEO Học viện Self Hiil