Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp 2005, sáng 28/5, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ, cho rằng đây là giải pháp kịp thời, cần thiết để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ, sáng 28/5 |
Điều 170 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 1/7/2006 phải đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan; việc đăng ký lại được thực hiện trong thời hạn 5 năm, tức là đến 1/7/2011.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 12/2012, chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp FDI hoàn thành đăng ký lại theo quy định này (trong tổng số 6.000 doanh nghiệp thuộc diện phải đăng ký lại).
Riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng 800 doanh nghiệp chưa đăng ký lại; trong đó có 27 doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ 634,4 triệu USD hết thời hạn hoạt động từ năm 2012 và đang đề nghị được đăng ký lại để tiếp tục hoạt động.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI không thực hiện được thủ tục đăng ký lại đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi kết thúc thời hạn hoạt động ghi tại Giấy phép đầu tư vì không thể thực hiện thủ tục đăng ký lại. Điều này đồng nghĩa với việc một nguồn vốn lớn sẽ rút khỏi Việt Nam, hàng vạn lao động có nguy cơ mất việc, làm phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp...
Đại biểu Nguyễn Minh Quang (đoàn Hà Nội) cho rằng đây là điều bất hợp lý trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, trong khi đó Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Việc sửa đổi Điều 170 là cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI và tăng hiệu quả thu hút đầu tư.
Vẫn còn băn khoăn
Theo đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội), việc sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có vốn FDI là cần thiết, tuy nhiên, cần coi đây là một dịp rà soát để loại những doanh nghiệp yếu kém và cần có quy định cụ thể để chỉ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm đầy đủ trách nhiệm với Việt Nam như không trốn thuế, đảm bảo tốt công tác môi trường.
Trong khi đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đề nghị cần phải có những giải pháp kiểm soát hiệu quả để các quy định mới của Luật sau khi sửa đổi sẽ không bị lợi dụng.
"Liệu những doanh nghiệp sắp hết hạn đăng ký kinh doanh có phải tất cả đều hoạt động hiệu quả không? Liệu những doanh nghiệp ấy có ảnh hưởng đến môi trường, quy hoạch nghề, quy hoạch đất đai… không? Phải tiến hành rà soát lại một cách đồng bộ. Nếu hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường hay không còn phù hợp với quy hoạch nữa, thì có thể cho chấm dứt hoạt động”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu ý kiến.
Đại biểu này cũng đề xuất phải có quy định để tránh việc doanh nghiệp mới vào đầu tư, vẫn đang được ưu đãi, nay đăng ký lại và được ưu đãi thêm một lần nữa; quy định để kiểm soát việc những doanh nghiệp vi phạm pháp luật (môi trường, chuyển giá…) lợi dụng để tiếp tục hoạt động khi đã hết hạn đăng ký.
Đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa) đặt vấn đề về khả năng dự báo tình hình của cơ quan soạn thảo luật, các cơ quan thẩm tra và của bản thân đại biểu Quốc hội cũng cần phải được nâng cao hơn nữa. Bởi đây là quy định quá “cứng” trong khi chính Luật Doanh nghiệp 2005 lại có nhiều điểm “mềm” để thu hút đầu tư.
Cùng hướng tiếp cận này, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị khi xây dựng luật, cần có những quy định mở để không phải liên tục sửa chỉ một nội dung rất nhỏ trong Luật sau một thời gian ngắn áp dụng.