Sửa đổi Luật Điện ảnh: Băn khoăn tỷ lệ phim nội, phim ngoại

Phương Trang - Minh Nguyễn| 05/09/2019 06:55

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam và phía Bắc được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 19 và 23/8/2019, nhiều ý kiến về quy định tỷ lệ phim Việt tại rạp, quản lý phim phát hành trên Internet, phân loại phim theo độ tuổi... được bàn thảo sôi nổi nhất.

Sửa đổi Luật Điện ảnh: Băn khoăn tỷ lệ phim nội, phim ngoại

Thất thế trên sân nhà

Theo quy định của Luật Điện ảnh (ra đời năm 2006; sửa đổi, bổ sung năm 2009), doanh nghiệp (DN) phải có rạp chiếu mới được nhập phim. Điều này dẫn đến tình trạng DN trong nước bị DN nước ngoài chèn ép ngay trên sân nhà. Tính đến tháng 7/2019, 64% tổng số cụm rạp và 65,2% số phòng chiếu trên tổng số cụm rạp và phòng chiếu tại Việt Nam thuộc về hai công ty TNHH là CJ CGV và Lotte Cinema của Hàn Quốc. Nhà sản xuất phim Việt Nam muốn vào hệ thống rạp chiếu có độ phủ rộng này, bắt buộc phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia thấp hơn từ phía nhà phát hành.

Sau khi xây dựng rạp, nhà đầu tư toàn quyền nhập phim ngoại về chiếu, nên 75% phim chiếu rạp hiện nay là phim nhập khẩu. Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 25% số phim, tuy nhiên số phim thu lời và hòa vốn chỉ chiếm 1/3. Trong khi đó, doanh thu từ rạp chiếu không ngừng tăng. Nếu như năm 2000, phòng vé chỉ thu được khoảng 64 tỷ đồng thì năm 2015 là trên 2.300 tỷ đồng, năm 2018 đạt 3.450 tỷ đồng, và sẽ tiếp tục tăng, bởi thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Với tỷ lệ phim Việt như hiện tại thì tiền lãi hiển nhiên rơi vào túi các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng giám đốc Công ty TNHH BHD, cần đảm bảo một thị trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài cũng như có cơ chế đối xử bình đẳng giữa phim điện ảnh trong nước và nước ngoài. Chính vì vậy, Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cần bổ sung các quy định cụ thể về tỷ lệ phân chia doanh thu bán vé bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài, giữa phim Việt và phim ngoại.

Kinh doanh điện ảnh không đơn thuần là kinh doanh một món hàng, một phương tiện giải trí, bởi điện ảnh còn là văn hóa. Do đó, nếu bỏ mặc kinh tế thị trường điều chỉnh như hiện tại thì đơn vị nào có tiền sẽ điều khiển công nghiệp điện ảnh.

Tỷ lệ nào là phù hợp?

Theo đề xuất, Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ quy định số buổi chiếu phim Việt ở mỗi phòng chiếu và tỷ lệ chiếu phim Việt ở rạp hằng tháng, hằng quý, hằng năm (chưa nêu con số cụ thể). Đề xuất này nhằm gia tăng thời gian chiếu phim nội trong rạp, hỗ trợ điện ảnh Việt phát triển khi việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã vô tình đẩy phim Việt Nam vào “thế bí”, để ngăn chặn tình trạng nhập siêu phim ngoại như nhiều quốc gia đã làm được.

Luật Điện ảnh hiện hành quy định phim Việt chiếm 20% tổng số buổi chiếu ở rạp. Mức này hiện được DN đảm bảo nhưng các buổi chiếu chưa rải đều trong năm mà chỉ tập trung vào các dịp lễ, Tết, thời gian chiếu có khi vào các khung giờ bất lợi. Đại diện Cục Điện ảnh cho rằng, quy định mới trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ khiến DN phải cân đối tỷ lệ chiếu phim Việt và nhập khẩu, số buổi chiếu phim nội rải đều trong năm, qua đó phát triển ngành điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - đại diện Công ty Thiên Ngân (hệ thống Galaxy Cinema), đề xuất này chưa phù hợp. Việc chọn ngày phát hành phim phụ thuộc vào nhà sản xuất. Số lượng phim Việt hiện tại cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu rải đều trong năm. Chất lượng phim Việt chênh lệch, có phim “thắng lớn” nhưng có phim phải hủy suất chiếu do không có khán giả.

Ông Lưu Trọng Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định, đây là giải pháp tốt nhưng chỉ nên áp mức chiếu phim Việt theo quý chứ không đến mức từng tháng. Trong khi đó, ý kiến của bà Ngô Phương Lan là chính sách ưu đãi nên tập trung vào những phim Việt có giá trị nội dung và nghệ thuật, có ý nghĩa giáo dục, được dán nhãn P (phù hợp mọi đối tượng khán giả).

Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang trong giai đoạn lấy ý kiến, hy vọng sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2021. 

Bao giờ Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh đi vào hoạt động?

Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh (Quỹ) đã được đề xuất thành lập từ năm 2007. Đề án xây dựng Quỹ cũng đã được trình Chính phủ hai lần (năm 2010 và 2012) và dự thảo lần ba đã hoàn thành và đang chuẩn bị xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Liên quan đến Quỹ, hiện tồn tại hai vấn đề: số tiền duy trì quỹ và việc quản lý, chi tiêu sẽ được thực hiện như thế nào.

Theo ông Đỗ Duy Anh - nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, đề án nguồn thu của Quỹ đến từ ngân sách Nhà nước, từ phát hành những phim đặt hàng sản xuất có sử dụng ngân sách Nhà nước sau khi đã trừ chi phí phát hành và các chi phí khác, các khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ và trích tỷ lệ phần trăm từ doanh thu chiếu phim tại rạp. Tuy nhiên, ông Duy Anh nhấn mạnh: “Ở nước ta, Luật Điện ảnh (năm 2009) không quy định việc trích tỷ lệ phần trăm doanh thu chiếu phim vào nguồn thu của quỹ điện ảnh. Do đó, nguồn thu này chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện và khi chưa có nguồn thu ổn định, việc thành lập Quỹ đương nhiên không thể thực hiện”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sửa đổi Luật Điện ảnh: Băn khoăn tỷ lệ phim nội, phim ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO