Viêm xoang: Phòng và chữa

TS-BS. HOÀNG LƯƠNG (Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn)| 13/07/2013 01:38

Viêm xoang là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 2-5% dân số. Viêm xoang gây khó chịu cho người bệnh và làm giảm chất lượng cuộc sống. Hiểu được cơ chế gây bệnh viêm xoang sẽ có biện pháp phòng ngừa, chữa trị đúng.

Viêm xoang: Phòng và chữa

Viêm xoang là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 2-5% dân số. Viêm xoang gây khó chịu cho người bệnh và làm giảm chất lượng cuộc sống. Hiểu được cơ chế gây bệnh viêm xoang sẽ có biện pháp phòng ngừa, chữa trị đúng.

Đọc E-paper

Xoang mặt

Xoang là những hốc xương nằm hai bên hốc mũi. Mũi có hai lỗ, là đường dẫn khí từ môi trường đi vào phổi. Trong mũi có các cuốn mũi. Cuốn mũi có các tế bào tiết nhầy có lông, có nhiệm vụ làm ẩm và ấm không khí trước khi vào phổi, đồng thời chất nhờn sẽ giữ lại bụi không cho bay vào phổi.

Cấu trúc của các xoang rất phức tạp. Mỗi bên mặt có khoảng 20 xoang, hai bên có khoảng 40 xoang. Khi bị viêm tất cả các xoang thì những xoang lớn như xoang hàm, xoang trán, xoang bướm sau khi điều trị thường khỏi; xoang sàng thường là các xoang dễ bị hư nhất.

Mỗi xoang có một ống thông ra hốc mũi, bình thường ống thông này trao đổi không khí với môi trường, khi bị tắc sẽ gây ra viêm xoang.

Nguyên nhân

- Do nhiễm khuẩn: Sau cảm cúm, viêm amidan, viêm VA.

- Do dị ứng: Do cơ địa dị ứng, do tiếp xúc với phấn hoa, bụi nhà, lông thú, mạt, nấm mốc.

- Do nấm: Do hít phải bào tử nấm trong không khí, khi vào xoang, gặp điều kiện thuận lợi phát triển thành viêm xoang do nấm.

- Do tiếp xúc với ổ viêm: Sâu răng hàm, viêm hốc mắt.

- Do chấn thương gây lệch hình hốc mũi, gây tắc các lỗ thông xoang.

- Khi tiếp xúc thường xuyên với hóa chất cũng có thể gây viêm mũi xoang.

Biểu hiện của bệnh

- Nghẹt mũi: Nghẹt mũi có thể lúc đầu một bên sau đó nghẹt hai bên. Lúc đầu nghẹt mũi khi ngủ trong phòng máy lạnh hay dưới quạt, nhưng sau nghẹt suốt ngày, bất kể ở đâu.

- Chảy mũi: Mới đầu chảy mũi trong, sau đó chảy mũi vàng, đặc.

- Ngửi mùi kém: Do cuốn mũi phù nề, do dịch che kín các rễ thần kinh khứu giác.

- Đàm chảy xuống họng, luôn phải khịt mũi hay khạc nhổ.

- Đau vùng má, hốc mắt, trán: Có thể đau từ đỉnh đầu lan xuống gáy, xuống hai vai.

- Ho khan, ngứa cổ gây ho, ho nhiều về đêm, đau rát cổ.

- Có thể có cảm giác chòng chành như đứng trên xuồng.

Làm thế nào để biết?

- Dựa vào các triệu chứng: Nghẹt mũi, chảy dịch, ho, nhức đầu...

- Nội soi hốc mũi: Nội soi là một phương tiện chẩn đoán chính xác. Nội soi có thể thấy niêm mạc mũi phù nề, chảy dịch, có thể thấy Polype còn nhỏ nằm trong khe mũi.

- Chụp CT Scanner: Cùng với nội soi, CT Scanner cho thấy hình ảnh các xoang bị mờ do ứ dịch hay niêm mạc thoái hóa polype, hay nấm trong xoang.

Các yếu tố làm bệnhnặng hơn

- Quá phát cuốn mũi giữa hay cuốn mũi dưới gây nghẹt mũi nhiều hơn.

- Vẹo vách ngăn gây hẹp khe mũi.

- Suy giảm miễn dịch do tiểu đường hay AIDS.

- Viêm mũi dị ứng làm cho niêm mạc mũi luôn trong tình trạng phù nề, tiết dịch.

Khám nội soi mũi xoang tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn

Cách điều trị

Tùy theo mức độ viêm xoang, bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị phù hợp. Cần nhớ rằng, viêm xoang là tình trạng tắc lỗ thông xoang, như vậy điều trị sao cho các xoang được thông thoáng với môi trường thì sẽ khỏi.

- Điều trị nội khoa sẽ hiệu quả với trường hợp viêm xoang nhẹ, ít nghẹt mũi. Kháng sinh, kháng viêm và kháng Histamine, uống từ một đến hai tuần, bệnh sẽ khỏi. Tốt nhất nên kết hợp với rửa mũi xoang bằng phương pháp Proetz.

- Phẫu thuật: Nếu bệnh hay tái phát, CT Scanner cho thấy hình ảnh mờ các xoang. Nghẹ mũi thường xuyên, phẫu thuật nội soi mũi xoang được đề nghị.

Nhẹ được phẫu thuật mở khe giữa. Nặng hơn cần phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng. Nặng hơn do thoái hóa polype cần được phẫu thuật nội soi mũi xoang triệt căn.

Những yếu tố ảnh hưởng làm viêm xoang nặng hơn như vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi giữa, phì đại cuốn mũi dưới, polype hốc mũi... cũng cần được xem xét phẫu thuật.

- Chăm sóc sau mổ: Chăm sóc bệnh nhân sau mổ xoang đóng vai trò rất quan trọng. Loại bỏ dịch viêm, máu bầm giúp cho các xoang mau lành, giảm nghẹt mũi, người bệnh bớt nhức đầu. Khi chăm sóc, bác sĩ sẽ lấy bỏ mày, niêm mạc viêm còn sót lại.

- Chế độ ăn uống tốt giúp người bệnh mau hồi phục. Việc tái khám sau mổ xoang là cần thiết. Tùy theo bệnh , bác sĩ sẽ tái khám và chăm sóc trong thời gian khoảng hai tháng hố mổ xoang sẽ tốt.

Nhiều trường hợp mổ xoang tốt nhưng không được chăm sóc sẽ làm bệnh tái phát, nhất là viêm xoang polype mũi, viêm mũi xoang dị ứng và viêm xoang do nấm.

Phần lớn người viêm xoang có kèm theo bệnh viêm mũi dị ứng, do vậy định kỳ mỗi hai hay ba tuần nên rửa một lần nhằm làm sạch hốc mũi sẽ giảm tình trạng dị ứng.

Phương pháp phòng bệnh

Môi trường sống trong sạch, phòng ngủ sạch sẽ, tránh bụi, nấm mốc.

Thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Nên rửa mũi xoang định kỳ nhằm làm sạch bụi bám vào niêm mạc mũi.

Khi điều trị cần uống đủ liều thuốc.

Việc tái khám sau mổ xoang là cần thiết. Tùy theo bệnh tích, bác sĩ sẽ tái khám và chăm sóc trong thời gian khoảng hai tháng hố mổ xoang sẽ tốt. Nhiều trường hợp mổ xoang tốt nhưng không được chăm sóc sẽ làm bệnh tái phát, nhất là viêm xoang polype mũi, viêm mũi xoang dị ứng và viêm xoang do nấm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Viêm xoang: Phòng và chữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO