Tìm dưới gót hồng

Ý LỮ| 19/10/2009 06:39

Chân được xem như trái tim thứ hai, nên foot massage (xoa bóp, day ấn huyệt chân) là một trong những liệu pháp mang lại hiệu quả cao trong việc phục hồi sức khỏe.

Tìm dưới gót hồng

Chân được xem như trái tim thứ hai, nên foot massage (xoa bóp, day ấn huyệt chân) là một trong những liệu pháp mang lại hiệu quả cao trong việc phục hồi sức khỏe. Nhưng phải biết massage đúng cách mới đạt kết quả như mong muốn.

Theo y học cổ truyền, massage chân giúp khí huyết lưu thông, kích thích các huyệt phản xạ ở bàn chân hoạt động tốt hơn, xoa dịu sự căng thẳng thần kinh, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, ngủ yên; ngăn chặn các bệnh có khả năng phát sinh, tăng cường sức đề kháng, giữ được sự cân bằng cho các cơ bắp; có tác dụng làm giảm đau ở một số bệnh như đau nhức đầu gối, phong tê thấp chân, đau các cơ bắp, đau đầu, đau lưng, nhức mỏi các khớp xương. Đặc biệt, xoa bóp, day ấn huyệt dưới lòng bàn chân còn tác động đến các bộ phận trong cơ thể, giúp phục hồi sức khỏe rất nhanh. Đối với người lớn tuổi, massage chân giúp giảm tối đa sự nhức mỏi, ngăn ngừa và chữa trị các bệnh chóng mặt, tê chân, thấp khớp.

Theo tư vấn của một trung tâm massage chân, do đa số các huyệt vị của cơ thể đều tập trung ở bàn chân, nên khi massage, những nút cơ học dưới lòng bàn chân sẽ kích thích các huyệt phản xạ ở khu vực này hoạt động tốt hơn, làm giảm mệt mỏi, duy trì sinh lực, cân bằng hóc-môn, tăng miễn dịch và các chức năng sinh lý. Xét về mặt y học, đôi chân còn được gọi là trái tim thứ hai của cơ thể, là nơi chứa khoảng 60 vùng kích ứng và 7.000 huyệt đạo. Do đó, có thể cải thiện các phần cơ thể yếu và ngăn ngừa bệnh tật bằng cách kích thích những vùng kích ứng và các huyệt đạo này, nhờ thế tác động đến nhịp vận hành của cơ thể, thúc đẩy vòng tuần hoàn máu.

Thông thường, những rắc rối về lưu thông máu là nguyên nhân chính gây ra nhiều căn bệnh mãn tính hoặc bệnh nơi người trưởng thành. Vấn đề này được các lương y giải thích: Chân ở xa tim nhất, nhưng lại có những đặc tính liên quan đến sự không hài hòa của cơ thể, bao gồm cả vòng tuần hoàn máu. Sau khi máu truyền xuống chân, lực của tim không đủ sức đưa máu theo các mạch máu quay trở lại tim, vì thế, các chất thải tích tụ lại trong máu, gây tắc mạch máu, hoặc tăng thêm gánh nặng cho tim. Massage chân sẽ giúp thải các chất độc ra ngoài, vì vậy sẽ giảm nguy cơ tắc mạch máu và giúp tim khỏe hơn. Ngoài ra, khi các cơ quan hoặc các mô trong cơ thể hoạt động không hài hòa, thường biểu hiện dưới dạng mụn nhọt, khô da, da chai sần, massage chân sẽ giúp bình thường hóa các mô chức năng không tốt, giữ được sự cân bằng để bảo vệ sức khỏe. Nếu có điều kiện nên massage chân một hoặc hai lần/tuần, uống nhiều nước ấm trong khi massage, không nên massage khi mới ăn no.

Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng, để massage chân mang lại hiệu quả tối đa thì tùy theo cơ thể bị tổn thương chỗ nào, nên tập trung vào huyệt đạo ở chỗ đó mới có công dụng. Việc massage “chung chung” toàn bộ bàn chân chỉ có tác dụng “chung chung”, giúp thư giãn, giảm mệt mỏi tạm thời, chưa kể nếu massage, day huyệt không đúng còn gây tổn thương và có một số tác dụng phụ. Ông Trần Văn Tư, giám đốc cơ sở massage chân Hoàng Gia, cũng cho biết: “Các huyệt trên bàn chân thường nằm gần nhau và rất nhỏ, do đó nhân viên massage phải là người có kinh nghiệm thì mới bấm huyệt chính xác. Nếu bấm lệch sẽ không có tác dụng gì, và với phụ nữ có thai thì rất nguy hiểm”.

Hiện nay, có một số người massage chân bằng máy, nhưng cũng không an toàn. Bác sĩ Lê Hùng, Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, nếu massage chân bằng máy quá nhiều có thể gây ra các rối loạn trong cơ thể như chứng mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, người sử dụng máy massage chân nên thận trọng, chỉ dùng máy mỗi ngày một lần, mỗi lần 15 - 20 phút. Những người bị bệnh tiểu đường, viêm tĩnh mạch, người có bàn chân phù nề, viêm nhiễm, lở loét không được dùng máy massage chân vì sẽ làm các chứng bệnh này trầm trọng hơn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm dưới gót hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO