Tai đã qua mà nạn chưa khỏi

HƯƠNG NGHI| 15/01/2010 00:33

Có những tai nạn không gây tử vong, người bệnh có thể đi lại và sinh hoạt bình thường ngay sau đó, nhưng đằng sau những chấn thương tưởng đã qua lại âm ỉ những biến chứng khôn lường cho sức khỏe.

Tai đã qua mà nạn chưa khỏi

Có những tai nạn không gây tử vong, người bệnh có thể đi lại và sinh hoạt bình thường ngay sau đó, nhưng đằng sau những chấn thương tưởng đã qua lại âm ỉ những biến chứng khôn lường cho sức khỏe.

Mười năm trước, N.Q.Tuấn, sinh năm 1979, ngụ ở Bình Định, trong một tai nạn xe, bị té đập ngực vô thành cầu. Sau khi ngất đi khoảng 1 - 2 phút, Tuấn tỉnh dậy và tiếp tục sinh hoạt bình thường mà không hề biết mình đã bị chấn thương vùng ngực. Nhưng từ đó trở đi, thỉnh thoảng cậu lại cảm thấy đau nhói vùng ngực trái. Mỗi khi làm việc quá sức, hoặc bị xúc động mạnh là Tuấn lại cảm thấy rất mệt. Một lần bị mệt nhiều, cậu đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tầm soát.

Kết quả siêu âm cho thấy, khối mõm tim có một lỗ thủng đường kính 17mm thông xung quanh với lượng máu ra vào. Ths. BS Nguyễn Thái An, Khoa Phẫu thuật tim - lồng ngực, cho biết, thuật ngữ chuyên môn gọi đây là giả phình mõm thất bên trái. Lỗ thủng hình thành do tai nạn làm dập cơ tim, nhưng không mạnh đến mức vỡ ra. Vết thủng lâu ngày tích tụ thành ổ phình gây ép tim, nếu bệnh nhân hoạt động quá sức, hoặc xúc động mạnh, ổ phình có thể vỡ ra, gây tử vong tức khắc. Tầm soát và phẫu thuật vá lỗ thủng kịp thời trước khi những khả năng ấy xảy ra đã cứu sống bệnh nhân.

Trường hợp khác, bốn năm trước, Ng.T.Trang, sinh năm 1989, quê Gò Công Tây, Tiền Giang, bị một xe máy đi ngược chiều đâm phải. Cô bị đa chấn thương nặng: dập gan, tràn máu màng phổi, vỡ xương hàm. Sau khi được phẫu thuật và chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Răng Hàm Mặt, cô xuất viện, tiếp tục học tập và đi làm.

Gần đây, cô hay cảm thấy đau nhói nơi ngực. Đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cô được bác sĩ cho biết, tại quai động mạch chủ tim phình lên hai cục tròn như quả chanh. Ths. BS Nguyễn Thái An giải thích: “Y văn gọi đây là bệnh giả phình quai động mạch chủ sau chấn thương. Cái khó của ca này là ổ phình nằm ngay ngã ba có các động mạch đưa máu lên não. Chỉ một sơ suất nhỏ trong phẫu thuật sẽ dẫn đến hậu quả là bệnh nhân có thể bị sống đời sống thực vật”.

PGS. TS. BS Trần Quyết Tiến, Khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Hai trường hợp trên chỉ là điển hình trong rất nhiều trường hợp tương tự. Hầu hết bệnh nhân khi vào bệnh viện đều cho biết: “Vì không thấy biểu hiện gì khác thường ngay sau tai nạn, nên ỷ y không đi khám”. Thực tế, nhiều tai nạn với những vết thương tưởng chừng đơn giản nhưng hậu quả rất khó lường. Chi phí phẫu thuật cho mỗi ca như vậy tối thiểu cũng mất 60 triệu đồng. Vì vậy, khi bị tai nạn, dù không trầm trọng nhưng nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra. Sau 1 - 2 tháng, nếu thấy hiện tượng đau nhói ngực thì phải đi khám ngay.

Một loại tai nạn khác mà các bác sĩ cũng thường khuyến cáo phải để ý, đó là tai nạn trong ăn uống. Bà Nguyễn Thị Út (Q. Bình Thạnh) cứ ho, đau cổ suốt thời gian dài, đến khi cổ sưng to, khạc ra đàm xanh, bà mới đi chụp X quang thì bác sĩ phát hiện trong phế quản có hạt vú sữa. Bà Út cho biết, trước đó gần một năm, khi ăn vú sữa, bà lỡ nuốt cả hạt. Sau khi uống nước, tưởng hạt đã “trôi” xuống dạ dày nên bà không quan tâm.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, sai lầm của nhiều người sau khi bị hóc xương, hóc hạt là tự ý xử lý, hoặc để lâu mới đến bệnh viện, dẫn đến chỗ hóc bị viêm nhiễm. Nhiều trường hợp do cố cào, móc để lấy dị vật ra, khiến nắp thanh thiệt, nắp thanh môn, thanh quản sưng phù, gây bít đường thở, rất nguy hiểm. Việc xử trí sai, hoặc ỷ y “không có vấn đề gì quan trọng” có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Nhiều trường hợp bị hóc không sâu, không nghiêm trọng, nhưng do tự thọc ngón tay vào cào, móc khiến dị vật bị đẩy sâu vào trong hơn, rồi để quá lâu không đi gắp ra, nên chỗ hóc bị nhiễm trùng.

Biến chứng do hóc xương gây nên, nhẹ nhất cũng là viêm mủ trong lòng thực quản, nặng hơn thì áp-xe ở cổ do dị vật đâm xuyên qua thành thực quản gây nên; có những trường hợp dị vật chui hẳn ra ngoài thực quản, đâm vào mạch máu lớn, làm chảy máu, rất dễ dẫn đến tử vong. Cũng có những trường hợp dị vật chui vào lồng ngực gây áp-xe trung thất, áp-xe màng phổi và tỷ lệ tử vong ở những trường hợp này rất cao.

Còn trường hợp dị vật rơi vào đường thở thì có biểu hiện ho sặc sụa, mặt tím tái, khó thở. Những triệu chứng này có thể xảy ra ngắt quãng (do sự di chuyển của dị vật). Có trường hợp do một hạt trái cây lọt vào phổi làm phổi bị áp-xe, gây tắc lưu thông khí hoàn toàn một bên phổi, nên phải cắt bỏ! Còn nếu hạt lọt vào phế quản, ít khó thở hơn, nhưng lại bị ho từng cơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tai đã qua mà nạn chưa khỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO