Sốt, sợ lạnh kéo dài “hậu Covid-19”

ThS-BS. Kiều Xuân Thy, BS. Phạm Anh Ngân (*)| 13/11/2021 07:00

Theo nghiên cứu của mạng lưới y tế toàn cầu Survivor Corps, triệu chứng sợ lạnh hay cảm giác sốt “hậu Covid-19” được xếp vào nhóm rối loạn chung của cơ thể.

Sốt, sợ lạnh kéo dài “hậu Covid-19”

Khá nhiều người bệnh dù đã có kết quả âm tính sau khi nhiễm SAR-CoV-2 nhưng vẫn còn những triệu chứng khó chịu như cảm giác sốt, sợ lạnh, chóng mặt, mệt mỏi kéo dài, có thể từ 6 tuần đến vài tháng. Trong các triệu chứng nói trên, cảm giác sốt, sợ lạnh thường khiến người bệnh lo lắng, nghi ngờ về nguy cơ tái nhiễm nCoV.

Cảm giác sốt: Đo thân nhiệt vẫn trong giới hạn bình thường (36-37,4OC) nhưng người bệnh vẫn có cảm giác nóng, thường ở vùng ngực, cổ gáy, lòng bàn tay chân.

Sợ lạnh (hay ớn lạnh): Người bệnh cảm giác một bộ phận trên cơ thể (thường là bàn tay, bàn chân) hoặc cả người lạnh, sợ gió, có thể kèm hiện tượng “nổi da gà”, mặc dù nhiệt độ môi trường không hạ thấp hay thay đổi đột ngột. Đôi khi mặc thêm áo ấm cũng không làm giảm cảm giác sợ lạnh.

Trong y học cổ truyền, tùy theo giai đoạn bệnh mà triệu chứng sợ lạnh được xếp theo chứng “ố hàn” - khi tà khí còn chưa được giải hết, hoặc “khí hư, dương hư” - khi chính khí của cơ thể hư suy sau một đợt cảm nhiễm ngoại tà. Cảm giác sốt thường được đánh giá có đi kèm cảm giác sợ lạnh hay không, xếp theo chứng “phát nhiệt”, một trong những cơ chế là do phục tà (tà khí sau giai đoạn cảm nhiễm còn lưu lại trong cơ thể) chưa giải hết, uất bế phần dương khí không cho điều đạt ra bì phu, gây nên cảm giác nóng sốt. Để loại bỏ phục tà, bồi phục chính khí, có thể áp dụng nhiều phương pháp kết hợp trong y học cổ truyền, như sử dụng thuốc thang, cứu ấm, châm, tập dưỡng sinh...

Các vị thuốc Bắc như phòng phong, khương hoạt, thuyền thoái, ngưu bàng tử... có tác dụng tuyên tán ngoại tà, giải cơ thấu biểu, khi kết hợp gia giảm với các vị thuốc giúp nâng chính khí cơ thể như đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật... sẽ giúp thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể.

Đối với triệu chứng ớn lạnh, sợ lạnh, việc sử dụng phương pháp cứu ấm tại các huyệt đại chùy, phong trì, thái uyên, quan nguyên, khí hải, túc tam lý... giúp điều hòa khí trong kinh lạc để cố biểu. Trong điều trị chứng “phát nhiệt”, kết hợp thủ pháp châm tại các huyệt thương dương, hợp cốc, khúc trì, hậu khê, đại chùy... để tả tà khí theo kinh lạc, góp phần mở đường cho chính khí lưu thông. Việc sử dụng phương pháp châm cứu ngoài tác dụng kích thích các huyệt lạc, còn giúp người bệnh thư giãn, cảm giác được chăm sóc.

Bên cạnh dùng thuốc và châm cứu, các bài tập thở theo phương pháp dưỡng sinh sẽ giúp người bệnh giải tỏa căng thẳng, như thở bốn thời, xoa ngũ quan, xoa trung tiêu, chào mặt trời giúp sớm đạt trạng thái cân bằng, cũng như quá trình tiếp nhận thuốc và châm cứu được hiệu quả hơn. 

(* Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sốt, sợ lạnh kéo dài “hậu Covid-19”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO