Sẽ xảy ra cuộc chiến giành giật vaccine cúm A H1N1?

17/07/2009 09:45

Các chuyên gia y tế cảnh báo, rất có khả năng bùng nổ một cuộc giành giật vaccine cúm A H1N1.

Sẽ xảy ra cuộc chiến giành giật vaccine cúm A H1N1?

Các chuyên gia y tế cảnh báo, rất có khả năng bùng nổ một cuộc giành giật vaccine cúm A H1N1. Và khi vaccine xuất xưởng, Anh, Mỹ cùng nhiều nước khác có thể thấy rằng, những hợp đồng họ từng ký với nhiều hãng dược phẩm sẽ dễ dàng bị phá vỡ.

Vẫn còn nhiều câu hỏi về thời điểm xuất xưởng loại vaccine cúm A H1N1 (Ảnh AFP)

Theo chuyên gia y tế, trong một đại dịch toàn cầu, nhiều chính phủ sẽ chịu áp lực to lớn để bảo vệ người dân trước khi cho phép các công ty đưa vaccine ra khỏi đất nước.

Đó không phải là lời cảnh báo hay ho gì với nhiều nước, trong đó có Mỹ - chỉ sản xuất khoảng 20% vaccine cúm cho nhu cầu sử dụng, hay Anh – nơi mà toàn bộ vaccine chống cúm đều sản xuất ở bên ngoài.

Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota nói: "Nếu có những dịch bệnh trầm trọng, các nước sẽ muốn giữ lại vaccine cho chính công dân của họ".

Theo những chuyên gia thì, giới chính khách sẽ không trụ nổi áp lực đó. “Hậu quả của việc đưa vaccine sang nước khác khi người dân của bạn không có sẽ là vô cùng tàn khốc”, David Fedson, từng là người điều hành trong ngành công nghiệp vaccine cho biết.

Khoảng 70% vaccine cúm trên thế giới sản xuất ở châu Âu, và chỉ có số ít quốc gia tự lo đủ vaccine. Mỹ có các cơ sở vaccine cúm với số lượng hạn chế và vì các nhà máy không thể xây dựng ngay trong một đêm, nên không thể nhanh chóng gia tăng lượng vaccine cung cấp.

Tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới thông báo gần 95.000 trường hợp nhiễm cúm A H1N1 bao gồm 429 người tử vong trên phạm vi toàn cầu. Nếu dịch cúm này trở nên trầm trọng hơn trong mùa đông – mùa cúm tại bán cầu nam, cuộc chiến giành vaccine không phải là khó hình dung.

"Vaccine đại dịch sẽ đắt đỏ và khan hiếm như dầu hay lương thực trong một nạn đói", David Fidler, giáo sư luật tại Đại học Indiana - người làm cố vấn cho WHO, đánh giá.

Anh tuyên bố sẽ bắt đầu tiêm chủng cho người dân trong tháng 8. Italy khẳng định việc này sẽ diễn ra vào cuối năm, và rất nhiều nước khác đưa ra chiến lược tương tự.

Nhưng kế hoạch tiêm chủng quy mô lớn ấy có thể đi chệch hướng bởi các vấn đề phát sinh khi sản xuất vaccine, và việc các nước từ chối vận chuyển vaccine ra bên ngoài.

Người phụ nữ Thái mang mặt nạ phòng cúm trong lúc cầu khấn tại một ngôi đền ở Bangkok (Ảnh AFP)

Nhiều chuyên gia cho rằng, cúm A H1N1 có độ nguy hiểm như cúm mùa thông thường, và nhu cầu vaccine phòng bệnh sẽ không quá cao. Tuy vậy, cúm mùa thông thường cũng đã cướp đi sinh mạng của 500.000 con người mỗi năm.

Nhìn lại những đại dịch trong quá khứ, vaccine chưa bao giờ được xuất khẩu trước khi một quốc gia sản xuất nó có đủ lượng cung cấp cho dân cư của họ.

Tuy nhiên, khác với hai đại dịch năm 1957 và 1968, rất nhiều nước thời gian này đã giành các hợp đồng với hãng dược phẩm để đảm bảo quyền tiếp cận đầu tiên với vaccine. Song, trong tình trạng khẩn cấp, các hợp đồng kiểu này cuối cùng có thể vô tác dụng.

Những nước có các nhà máy sản xuất vaccine cúm có thể quyết định phong toả toàn bộ lượng vaccine và cấm hãng xuất khẩu, theo đó đã phá vỡ hợp đồng giữa các hãng dược và những quốc gia đặt hàng được cung cấp.

Theo Fidler, các hợp đồng tư nhân không bị trói buộc bởi luật pháp quốc tế giữa hai quốc gia.

Hầu hết các hợp đồng cung cấp vaccine đều có điều khoản cho phép phá vỡ thoả thuận trong tình huống đặc biệt, ví dụ như xảy ra tình trạng y tế khẩn cấp. Điều này khiến những nước đặt hàng vừa có thể không có vaccine, vừa không trông mong gì vào sự giải quyết của pháp luật.

"Không có quy định trong luật pháp quốc tế giúp bạn giải quyết vấn đề này, nó chỉ là một cơn ác mộng chính trị xảy ra giữa một cơn ác mộng bệnh dịch”, Fidler nhấn mạnh.

Anh đã đặt hàng 60 triệu liều vaccine đủ để cung cấp cho toàn bộ cư dân. Nhưng hợp đồng cung cấp hàng thuộc về GlaxoSmithKline PLC và Baxter International Inc., các hãng có nhà máy sản xuất ở Đức, Áo và Cộng hoà Czech. Cả cơ quan y tế Anh và hãng sản xuất vaccine đều không bình luận về kế hoạch phân phối.

Osterholm cho hay, 80% nguồn cung vaccine đại dịch của Mỹ sẽ đến từ nước ngoài, và ông rất lo lắng khi nào nguồn vaccine có thể tới nơi nhận. "Thật dễ dàng để xuất khẩu vaccine nếu dịch bệnh tương đối ôn hoà, nhưng nếu nó trở nên trầm trọng, nhiều nước không thể sẵn sàng đưa vaccine ra khỏi biên giới”, ông nói.

Đến nay, cúm A H1N1 vẫn là dịch bệnh với triệu chứng ôn hoà, và thậm chí người mắc bệnh không cần điều trị y tế để hồi phục. Nhưng các chuyên gia quan ngại rằng, virus sẽ biến đổi sang các dạng nguy hiểm hơn. Và trong mùa cúm thông thường, khi virus lây lan dễ dàng hơn, nhiều người có thể dễ bị ốm hay tử vong.

Quan chức y tế cộng đồng không phải không biết về cái gọi là “chiến tranh vaccine” có thể bùng nổ nếu cúm A H1N1 trở nên tồi tệ hơn, nhưng họ không muốn đề cập tới chủ đề này.

Uỷ ban Ngăn chặn và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu tuyên bố không khuyến nghị các nước làm vậy trong tình huống trên. WHO thì khẳng định không có nước nào dự định chặn nguồn vận chuyển vaccine.

Và, nhiều câu hỏi vẫn đặt ra về thời gian xuất xưởng loại vaccine chống cúm A H1N1. Tuần này, WHO thông báo, một loại vaccine phòng bệnh cúm mới được cấp phép đầy đủ sẽ chưa sẵn sàng cho tới cuối năm nay khi họ có quá ít thậm chí là không có dữ liệu an toàn về vaccine cúm A H1N1.

Trung Quốc công bố cách điều trị mới cúm A/H1N1

Cơ quan y tế nước này lần đầu tiên coi những bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nhưng không có biểu hiện bệnh, là nguồn lây nhiễm quan trọng.

Trung Quốc đã nới lỏng quy định xuất viện đối với bệnh nhân cúm A/H1N1. Theo đó, chỉ cần bệnh nhân có thân nhiệt bình thường trong 3 ngày liên tục, cơ bản hết các triệu chứng cúm, tình trạng lâm sàng ổn định, phản ứng âm tính với virus cúm A/H1N1 là có thể xuất viện. Ngoài ra, bệnh nhân cúm A/H1N1 nhẹ không cần phải sử dụng thuốc tamiflu.

Kết quả theo dõi đối với gần 300 bệnh nhân cúm A/H1N1 tại Trung Quốc đại lục cho thấy, có đến 10% bệnh nhân cúm A/H1N1 không có biểu hiện sốt. Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, phương án điều trị mới đối với bệnh cúm A/H1N1 được xây dựng trên kinh nghiệm điều trị mới nhất tại Trung Quốc và các nước trên thế giới.

Tính đến 6 giờ chiều 15/7 (giờ Bắc Kinh), Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 1.444 ca nhiễm cúm A/H1N1, tăng 90 ca so với thời điểm một ngày trước đó. Đây là ngày Trung Quốc đại lục có số ca nhiễm mới tăng nhiều nhất kể từ khi bùng phát dịch cúm A/H1N1 đến nay, song chưa có bệnh nhân nào tử vong vì cúm A/H1N1.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sẽ xảy ra cuộc chiến giành giật vaccine cúm A H1N1?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO