Polyp mũi: lành tính nhưng nguy hiểm

DƯƠNG QUÁN HẠ (Tổng hợp)| 23/07/2016 06:43

Polyp mũi là một trong những bệnh tai mũi họng hết sức phổ biến. Những biểu hiện của bệnh làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập và làm việc của người bệnh.

Polyp mũi: lành tính nhưng nguy hiểm

Polyp mũi là một trong những bệnh tai mũi họng hết sức phổ biến. Những biểu hiện của bệnh làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập và làm việc của người bệnh.

Đọc E-paper

Polyp mũi là một khối u lành tính thường gặp trong hốc mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang. Polyp mũi gây ra các triệu chứng giống như viêm mũi xoang như: nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục, thay đổi về khứu giác..., có thể gây biến chứng và làm nặng thêm các bệnh viêm mũi, xoang khác.

Đối tượng dễ mắc bệnh Polyp mũi

Trẻ em bị xơ nang phổi và bệnh nhân viêm xoang dị ứng do vi nấm rất dễ bị polyp mũi.

Polyp mũi cũng xảy ra ở người bị hội chứng Churg-Strauss, một bệnh hiếm gặp biểu hiện bằng tình trạng viêm mạch máu (vasculitis).

Người bị bệnh hen suyễn, do bệnh hen gây viêm và tắc nghẽn đường hô hấp trên, khiến polyp mũi hình thành rất dễ dàng.

Mẫn cảm với một số loại thuốc chống viêm, điển hình là aspirin, hoặc các loại thuốc khác như ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve).

Nhiễm nấm, bị dị ứng, viêm xoang, thậm chí là dị ứng với một số loại nấm trong không khí.

Yếu tố khác có thể kể đến là độ tuổi của bệnh nhân, người lớn tuổi có tỷ lệ mắc polyp mũi cao hơn hẳn. Di truyền cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Các triệu chứng nguy hiểm

Thông thường, polyp mũi chỉ có các biểu hiện khá giống với viêm xoang hoặc viêm mũi dị ứng, chẳng hạn như ngạt mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi... Tuy nhiên, nó cũng tồn tại đặc điểm riêng là khiến bệnh nhân khó thở và thay đổi nhanh về khứu giác.

Nếu không có biện pháp kịp thời xử lý, những khối polyp lành tính tưởng chừng như vô hại này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của bệnh nhân. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, polyp mũi xoang quá lớn dẫn đến chẹn đường thở, nhất là vào ban đêm, khiến các bé đa số không thở được, không ngủ được; số ít thì nghẹt thở và có thể nguy hại đến tính mạng.

Phần lớn bệnh nhân bị polyp mũi luôn gắn liền với những bệnh mạn tính ở những mức độ khác nhau: cao huyết áp, tiểu đường, ù tai... Điều này làm tăng thêm những nguy hại của polyp mũi.

Biến chứng nguy hiểm: Tổn thương chức năng nội tạng như tim, phổi, viêm họng, viêm tai giữa, thậm chí có thể phát sinh biến chứng ác tính. Số ít polyp dẫn đến biến chứng xâm nhập, phát triển nhanh, thể tích polyp quá to, nén chặt làm vỡ vách xoang mũi hoặc vách đỉnh khoang mũi; thâm nhập vào các vị trí như hốc mắt, xoang trán, sọ trước, sọ sau...

Phương pháp điều trị

Dùng thuốc

Dạng thuốc được dùng nhiều nhất là dạng xịt. Sau khi soi khám, bác sĩ sẽ linh hoạt chỉ định bệnh nhân dùng thuốc có chứa những thành phần như corticosteriod, flunisolide, triamcinolone, mometasone... Tuy vậy, những thuốc này chỉ giúp xử lý nếu polyp mũi xuất hiện với số lượng ít cũng như kích thước còn nhỏ. Thuốc không làm polyp biến mất hẳn mà chỉ làm chúng teo nhỏ lại, đồng thời làm lành những triệu chứng viêm nhiễm ở mũi, xoang, cải thiện lưu thông mũi tốt hơn. Bệnh nhân khi sử dụng thuốc xịt chữa viêm xoang polyp mũi có thể gặp những vấn đề không mong muốn như bị chứng bệnh đau rát họng, viêm họng, bị chảy máu mũi hay đau đầu sau khi xịt thuốc. Giải quyết được nguyên nhân gây viêm xoang là do polyp, bệnh nhân có thể tập trung vào điều trị viêm xoang triệt để.

Phẫu thuật

Thông thường chỉ cần cắt polyp và chống viêm nhiễm, nhưng nếu bệnh viêm xoang đã hình thành thì quá trình phẫu thuật sẽ phức tạp và có nhiều bước hơn. Bác sĩ gắn camera và sử dụng thiết bị nội soi. Những vết cắt nhỏ sẽ được thực hiện để mở xoang bị viêm và cắt bỏ những u nhú polyp. Nếu thấy niêm mạc xoang bị viêm hay hốc xoang đặc dịch mủ thì cần phải phẫu thuật cả hốc xoang.

Sau khi cắt polyp mũi, bệnh nhân cần phải điều trị bằng thuốc và thực hiện phương pháp phòng tránh tại nhà mới mong xóa bỏ vĩnh viễn polyp mũi.

Ngoài ra, việc phẫu thuật nội soi xoang cũng được sử dụng với mục đích cắt polyp, đồng thời mở rộng xoang mũi nơi polyp hình thành. Nếu xoang nghẹt và viêm, cần mở rộng thêm hốc xoang.

Cách phòng ngừa

Điều trị triệt để, dứt điểm các bệnh về mũi, xoang.

Đeo khẩu trang trong môi trường bụi, nhiễm khuẩn và có nhiều chất kích ứng gây dị ứng, viêm mũi.

Sử dụng nước muối phun hoặc rửa mũi để cải thiện dòng chảy chất nhầy, loại bỏ các chất gây dị ứng và chất kích thích khác.

Khám - điều trị ngay khi bị nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài.

Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng. Đây là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus có thể gây viêm mũi và xoang.

Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu độ ẩm không khí thấp. Điều này có thể giúp cải thiện dòng chảy của chất nhầy từ các xoang và ngăn ngừa tắc nghẽn và viêm.

Bệnh viêm mũi tiền đình

Viêm tiền đình mũi là bệnh có liên quan đến thói quen ngoáy mũi không đúng cách: ngoáy mũi quá mạnh, quá nhiều trong ngày; viêm mũi lan rộng và sự xuất hiện của các dị vật trong khoang mũi gây viêm nhiễm. Ngoài ra, một số người có thói quen nhổ lông mũi và cắt lông mũi quá ngắn, làm vỡ đường ống phòng ngự ở mũi cũng được coi là một yếu tố có thể dẫn đến sự viêm nhiễm, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp gây tổn thương vùng mũi dẫn đến viêm tiền đình mũi. Vệ sinh mũi hằng ngày bằng cách rửa mũi thường xuyên. Xì mũi đúng cách tránh để dịch nhầy mũi đọng lại gây viêm và tắc mũi. Điều trị bệnh kịp thời, sống và làm việc trong môi trường trong lành, thoáng mát, tránh xa bụi, khói thuốc lá...

>Viêm xoang có thể điều trị dứt điểm không?

>Viêm xoang, ít điều nhiều người chưa biết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Polyp mũi: lành tính nhưng nguy hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO