Những bệnh cơ xương khớp thường gặp

TS-BS PHẠM CHÍ LĂNG - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quốc tế City| 02/04/2016 03:54

Nhân viên làm việc ở khối văn phòng, nên sau một thời gian có thể bị những bệnh về cơ xương khớp vùng cổ, khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay, vùng thắt lưng, bàn chân.

Những bệnh cơ xương khớp thường gặp

Nhân viên làm việc ở khối văn phòng, do đặc thù của công việc, nên sau một thời gian có thể bị những bệnh về cơ xương khớp vùng cổ, khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay, vùng thắt lưng, bàn chân. Những bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nặng hơn thì ảnh hưởng đến công việc hằng ngày.

Đọc E-paper

Đau cơ cổ thần kinh. Nguyên nhân do tính chất công việc đòi hỏi ngồi liên tục và kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Sau một thời gian sẽ bắt đầu có cảm giác đau mỏi ở một hay hai bên cổ.

Đau có thể lan xuống vai, cánh tay, đôi khi gây nhức đầu. Trong một số trường hợp nặng có thể kèm theo co cứng cơ cổ, làm cổ như bị cứng lại, mỗi khi xoay hay nghiêng thì đau khiến không dám cử động cổ.

Khi đến bệnh viện, bác sĩ thường cho chụp X quang cột sống cổ. Kết quả thường là không phát hiện tổn thương xương khớp mà có hình ảnh cột sống cổ thẳng đơ do cơ cổ co rút.

Bác sĩ sẽ cho uống thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ. Bệnh sẽ khỏi sau vài ngày điều trị.

Tuy nhiên để phòng ngừa bệnh tái phát, cần thay đổi cách làm việc: không ngồi trong nhiều giờ liên tiếp mà nên nghỉ giải lao sau mỗi giờ, mỗi lần nghỉ nên vận động cổ nhẹ nhàng trong vài phút bằng các động tác theo thứ tự cúi, ngửa, nghiêng sang trái, nghiêng sang phải, xoay sang bên trái, xoay sang bên phải, đồng thời đi bộ vài vòng quanh phòng cho thư giãn.

Viêm gân cơ chóp xoay.

Khi ngồi làm việc, hai cánh tay luôn phải dang ra trước, các cơ vùng vai, nhất là cơ chóp xoay như gân cơ trên vai phải gồng liên tục, bị quá tải, dẫn đến mỏi vai. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra mỗi ngày sẽ gây ra bệnh viêm gân cơ chóp xoay.

Lúc đầu chỉ cảm thấy đau mỏi ở vai vào cuối mỗi ngày làm việc, dần dần thấy đau vai thường xuyên hơn. Trong trường hợp nặng, đau cả về đêm, gây mất ngủ, đồng thời cử động khớp vai bị hạn chế và khó khăn do đau.

Chẩn đoán bệnh viêm gân cơ chóp xoay bằng lâm sàng, nghĩa là qua khám bệnh. Chụp X quang khớp vai thường không phát hiện gì lạ. Để phòng ngừa, cần thay đổi cách làm việc: cứ sau mỗi giờ nghỉ ngơi vài phút để thư giãn các cơ vùng vai.

Viêm mỏm trên lồi cầu. Nguyên nhân cũng tương tự như những bệnh trên. Việc sử dụng con chuột máy vi tính quá nhiều và thường xuyên khiến cho nhóm cơ trên lồi cầu bị căng thường xuyên, lâu ngày nơi bám của nhóm cơ này vào mỏm trên lồi cầu sẽ bị viêm.

Triệu chứng ban đầu là đau vùng mặt ngoài của khớp khuỷu. Đau tăng lên khi làm một số việc đơn giản như quét nhà, vắt khăn, vặn vít, nhấc một vật nào đó. Chụp X quang khớp khuỷu thường không phát hiện gì lạ. Để phòng ngừa, xen kẽ giữa làm việc và nghỉ ngắn.

Viêm gân dạng ngón cái. Nguyên nhân là do sử dụng ngón tay cái quá nhiều để rê chuột, cắt may... Triệu chứng đau xuất hiện ở vùng mỏm trâm quay, mặt ngoài cổ tay. Đây là nơi có gân ngón cái đi qua, nên cảm thấy đau mỗi khi làm việc gì phải sử dụng ngón cái. Đau ngày càng nhiều, đến mức không làm việc cũng thấy đau.

Để phòng ngừa, tuân thủ cách làm việc vừa làm vừa nghỉ như ở phần trên.

Đau lưng.

Do tính chất công việc phải ngồi lâu và thường xuyên lại ít vận động, sau một thời gian làm việc, có thể bị đau lưng.

Khởi đầu chỉ đau lưng vào cuối ngày làm việc, sau đau thường xuyên hơn, rồi thì đau cả ngày. Chụp X quang cột sống thường không phát hiện gì.

Trong chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, người ta gọi bệnh này là đau lưng cơ năng. Để phòng ngừa, cần mỗi ngày ít nhất một giờ đồng hồ để chơi một môn thể thao nào đó, như đi bộ, chạy bộ, bơi lội..., đồng thời trong công việc hằng ngày, cứ mỗi giờ nên đi lại vài phút để vận động.

Viêm cân gan chân.

Đó là bệnh gây đau ở lòng bàn chân, một chân hay cả hai.

Thường sau khi ngủ hoặc sau khi ngồi một lúc lâu, đứng dậy thì cảm thấy đau ở lòng bàn chân hay gót chân. Nếu bước đi, triệu chứng đau sẽ giảm dần rồi hết đau.

Trong một số trường hợp nặng, đau sẽ thường xuyên và không hết. Để điều trị, cần kết hợp ba phương pháp: tập một số động tác của bàn chân, cần mang dép mềm và uống thuốc kháng viêm giảm đau. Để hiểu rõ hơn về cách điều trị, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.

Nếu làm việc văn phòng lại ít vận động, có thể mắc một hay vài bệnh trong những bệnh kể trên. Cách phòng ngừa tốt nhất là thư giãn vài phút sau mỗi giờ làm việc và chọn một môn thể thao thích hợp để chơi.

>Bí quyết ngăn ngừa và tránh bệnh đau lưng

>Đau lưng: Bệnh không tuổi

>Điều trị đau cổ tay và khớp ngón tay

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những bệnh cơ xương khớp thường gặp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO