Người thành phố dễ bị hội chứng mệt mỏi mãn tính

KHÔI MINH/DNSGCT| 08/09/2014 03:19

Hội chứng mệt mỏi mãn tính thường không được chúng ta quan tâm đúng mức vì dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm cúm, nhiễm siêu vi.

Người thành phố dễ bị hội chứng mệt mỏi mãn tính

Hội chứng mệt mỏi mãn tính thường không được chúng ta quan tâm đúng mức vì dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm cúm, nhiễm siêu vi. Đây cũng là bệnh lý gây rất nhiều khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán vì các triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, có thể gặp ở nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về tâm thần và thể chất nếu không được điều trị.

Đọc E-paper

Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, tâm trạng trầm uất kèm theo các triệu chứng: khó thở, kém tập trung, viêm họng, nổi hạch, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, khó ngủ, hay nóng giận vô cớ, thay đổi tính tình, giảm ham muốn tình dục, không thể tìm ra cách thư giãn, nghỉ ngơi… Tình trạng này thường kéo dài nhiều tháng và làm cho người bệnh trông thiếu sức sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công việc và cuộc sống.

Nguyên nhân từ lối sống thành phố

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh cho biết hội chứng suy nhược cơ thể thường xảy ra ở người từ 20 đến 50 tuổi và thường gặp ở nữ giới hơn ở nam giới. Ngày càng nhiều người dân thành phố bị mắc hội chứng này nhưng không nghĩ mình cần được điều trị bệnh.

Chúng ta dường như bị cuốn vào nhịp sống đô thị gấp gáp, làm đảo lộn mọi nhịp sinh học tự nhiên của con người. Hậu quả của nó là sự suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần, khó lòng thoát ra được.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người dân thành phố bị rất nhiều sức ép về tâm sinh lý, trong đó có:

(1) Sức ép về tầm nhìn: Hằng ngày, chúng ta chỉ nhìn thấy những tòa nhà hình khối đơn điệu, nặng nề, những dòng xe ngược xuôi liên tục, đông đúc. Người dân thành phố rất ít có cơ hội được thấy cây cỏ, hoa lá… nên làm cho chúng ta trở nên nóng nảy, mệt mỏi, chán nản hơn.

(2) Sức ép về âm thanh: Chúng ta khó tránh khỏi tình trạng ô nhiễm tiếng ồn khi sống ở các đô thị lớn. Mỗi ngày, chúng ta phải chịu đựng đủ loại âm thanh phát ra từ các công trình, các phương tiện sinh hoạt ôtô, xe máy rồi các phương tiện nghe nhìn, truyền thông và cả những cảnh bạo lực, thậm chí âm nhạc phát ra không đúng lúc hoặc cường độ vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Theo các nhà khoa học, ô nhiễm tiếng ồn làm tăng huyết áp, gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.

(3) Sức ép không gian: Thành phố ngày càng đông đúc, chật hẹp với sự di chuyển ngày càng nhiều của người dân ở các tỉnh vào. Theo thống kê từ Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh, trung bình con người cần khoảng không gian lớn 3-4 lần so với khoảng không gian hiện có trong điều kiện các thành phố lớn. Không gian cá nhân ngày càng bị thu hẹp, lại còn thường xuyên bị quấy rối bởi người xung quanh sẽ khiến chúng ta dễ nổi nóng, hung hăng hoặc thu mình, sợ sệt.

(4) Sức ép về tinh thần: Một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể do stress và căng thẳng kéo dài. Nhiều phụ nữ sau ly hôn hoặc thường xuyên bị áp lực trong công việc, cuộc sống bị hội chứng mệt mỏi mãn tính.

Để khắc phục hội chứng này, các nhà sinh thái học khuyên rằng, chúng ta nên có một thời gian biểu rõ ràng, cố gắng dành thời gian để tiếp xúc với thiên nhiên và không khí trong lành, đừng để bị lôi kéo bởi những sinh hoạt về đêm và những ham muốn ngoài sức mình.

Người dân châu Âu đã phải chịu đựng hội chứng siêu đô thị trong một thời gian dài và hiện đa số họ đã chuyển chỗ ở tới những vùng ngoại ô, còn thành phố chỉ để làm công sở. Các nhà khoa học hy vọng rằng hội chứng này sẽ được con người dần dần thích nghi như một tất yếu của sự phát triển và sau ba, bốn thế hệ nữa, mọi thứ sẽổn.

Mệt mỏi mãn tính do nguyên nhân bệnh lý

Hội chứng mệt mỏi kéo dài có thể do một số nguyên nhân bệnh lý như: bệnh trầm cảm, thiếu máu, rối loạn chức năng trong hệ thống miễn dịch, một quá trình tự miễn dịch gây viêm của một số thần kinh, nhiễm virus, tác dụng phụ của thuốc… hoặc xảy ra sau khi người bệnh trải qua phẫu thuật.

Nếu người bệnh mệt mỏi do các bệnh thực thể thì ưu tiên giải quyết dứt điểm các bệnh lý nói trên. Đối với suy nhược chức năng thì nên chú trọng đến phương pháp bổ sung chất dinh dưỡng và điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên có một phương pháp chung có thể hỗ trợ điều trị tốt cho cả hai nhóm suy nhược cơ thể nêu trên, đó là tập thể dục và điều trị hành vi.

Tập thể dục phải bắt đầu từ những động tác chậm và dễ, dần dần tăng số lượng bài tập với mục đích tăng lực cho các cơ tay chân. Điều trị hành vi giúp tập trung vào các mục tiêu (những gì có thể làm) nhằm giúp tự tin vào năng lực bản thân.

Cả hai việc này giúp giảm thiểu một số triệu chứng của suy nhược cơ thể, như đau đầu, không tập trung, khó ngủ. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê toa điều trị chứng đau đầu, đau cơ hoặc thuốc chống trầm cảm giúp giảm sự mệt mỏi và cải thiện khả năng tiếp thu trong công việc hoặc học tập.

Theo BS Trịnh Tất Thắng, hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể xem là dấu hiệu cho biết sức khỏe của chúng ta ngày càng giảm sút. Vì vậy, ngay từ những tuần đầu tiên có các triệu chứng kể trên, chúng ta nên chú ý đưa ra kế hoạch làm việc theo từng bước để tránh quá gắng sức, dành thời gian nghỉ ngơi và giải trí phù hợp.

Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, những thực phẩm trong chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và tinh thần, quan trọng hơn là cách chọn lựa thực phẩm để giúp bạn luôn có nguồn năng lượng cao, tránh mệt mỏi để có một ngày làm việc hiệu quả. Nước và các thực phẩm giàu sắt, carbohydrate, vitamin C rất cần thiết để tránh mệt mỏi mãn tính.

Hội chứng mệt mỏi tấn công có thể do cơ thể thiếu nước. Nếu thường xuyên thiếu nước có thể gây ra rất nhiều nguy cơ bệnh tật như tim mạch, tiểu đường, béo phì, đau nửa đầu… Không nên lạm dụng nước tăng lực và đồ uống có gas vì nó có thể làm thay đổi lượng đường trong máu ở thời điểm tạm thời hay lâu dài đều ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bổ sung thực phẩm giàu chất sắt là cách tự nhiên đơn giản và hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa hội chứng mệt mỏi mãn tính. Nguồn thực phẩm giúp tăng cường sắt là thịt bò, thịt heo, hải sản, gan, rau xanh, đậu Hà Lan…

Thực phẩm giàu carbohydrate giúp phục hồi sức khỏe, nhất là trái cây tươi, ngũ cốc, khoai tây… Còn thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, giải khát và giảm mệt mỏi nhanh nhất. Đồng thời tăng cường tổng hợp carnitine, một hợp chất đặc biệt giúp cơ thểổn định được nguồn năng lượng trong các hoạt động hằng ngày.

>Hội chứng mệt mỏi mạn tính
>Xua tan cảm giác mệt mỏi
>
Mệt mỏi mạn tính: Căn bệnh giấu mặt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người thành phố dễ bị hội chứng mệt mỏi mãn tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO