Đừng để cơ thể thừa hoặc thiếu fluor

K.S (theo Womenshealthmag)/DNSGCT| 09/08/2015 03:47

Hiện nay đã có khá nhiều nguồn cung cấp fluor như kem đánh răng, nước súc miệng, gel thơm miệng,... nên chúng ta không cần nhiều fluor trong nước uống như trước để tránh sâu răng nữa.

Đừng để cơ thể thừa hoặc thiếu fluor

Fluor là vi chất dinh dưỡng tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương và có ảnh hưởng đến sự điều hòa chuyển hóa canxi và photpho.

Đọc E-paper

Trong cơ thể, lượng fluor tập trung cao nhất ở xương và răng. Quá trình tích chứa fluor ở răng (đặc biệt ở men răng) xảy ra ngay từ khi người ta còn nhỏ, trong thời kỳ hình thành và phát triển bộ răng. Thiếu fluor sẽ dễ bị sâu răng và loãng xương.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong 70 năm qua, quốc gia này đã áp dụng biện pháp fluor hóa nước sinh hoạt tại các thành phố, cụ thể là thêm vào trong nguồn nước sinh hoạt một lượng fluor nhất định để bổ sung cho lượng fluor tự nhiên có trong nước vốn không đủ hàm lượng để ngăn ngừa sâu răng.

Nhưng gần đây, một cơ quan chuyên về dịch vụ sức khỏe và nhân sinh của nước này là HHS đã đưa ra những khuyến nghị nên hạ thấp lượng fluor trong nước từ 0,7 – 1,2mg/lít xuống còn tối đa 0,7mg/lít.

Lý giải về khuyến nghị đó, người phát ngôn của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) cho biết, hiện nay đã có khá nhiều nguồn cung cấp fluor như kem đánh răng, nước súc miệng, gel thơm miệng, thực phẩm chức năng chứa fluor,... do đó chúng ta không cần nhiều fluor trong nước uống như trước để tránh sâu răng nữa.

>>Vấn đề răng miệng ở giới văn phòng

Dung nạp quá nhiều fluor sẽ có nguy cơ bị bệnh nhiễm độc fluor ở răng. Đây là bệnh thường xảy ra ở trẻ em từ 1 - 4 tuổi được bổ sung quá nhiều fluor, biểu hiện là vết bẩn màu trắng hoặc vàng ở men răng, kích thước vết bẩn to dần và có thể chuyển thành màu nâu. Trên men răng còn xuất hiện các rãnh, bờ bị ăn mòn khiến răng dễ bị vỡ. Bệnh chỉ gây tổn thương cho các răng vĩnh viễn.

Nếu tình trạng thừa fluor kéo dài thì còn có thể gây bệnh nhiễm độc fluor ở xương, khiến xương yếu, dễ bị biến dạng hoặc gãy. Bệnh nhiễm độc fluor ở xương còn gây triệu chứng kích thích ruột và đau nhức khớp, thành thử đã có trường hợp bị chẩn đoán lầm sang bệnh viêm đa khớp dạng thấp.

Tóm lại, cũng như bất cứ chất dinh dưỡng nào, fluor được bổ sung hằng ngày với liều lượng vừa đủ là tốt nhất. Nếu muốn biết mình có dung nạp đủ lượng fluor hay không, bạn nên đến nha sĩ để khám và nhận lời khuyên về cách bổ sung fluor (nếu cần) và vệ sinh răng miệng.

>>Canxi: Bao nhiêu là đủ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng để cơ thể thừa hoặc thiếu fluor
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO