Cẩn trọng với E102!

NGUYÊN LỮ| 15/07/2011 04:17

E102 - chất phẩm vàng tổng hợp có tên khoa học là Tartrazine bị cấm dùng hoặc hạn chế sử dụng trong chế biến thực phẩm (đặc biệt là mì ăn liền) tại Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU).

Cẩn trọng với E102!

E102 - chất phẩm vàng tổng hợp có tên khoa học là Tartrazine bị cấm dùng hoặc hạn chế sử dụng trong chế biến thực phẩm (đặc biệt là mì ăn liền) tại Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU). Thế nhưng, tại Việt Nam, chất bột này vẫn đang được dùng làm chất tạo màu trong sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm và chưa có một văn bản chính thức nào từ Bộ Y tế về việc cấm sử dụng.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng trước khi ăn các sản phẩm có chứa E 102 - Ảnh: Quý Hoà

Theo tiêu chuẩn về phụ gia thực phẩm Nhật Bản: Tartrazine và các muối nhôm của nó không được phép sử dụng trong một số loại thực phẩm, đồ uống, rượu, nước giải khát, kẹo, mứt, quả khô, thức ăn tráng miệng có sữa hoặc nước rau ép thanh trùng, nước chấm và mì ăn liền... Đặc biệt, màu Tartrazine không có trong danh mục các chất nhuộm màu được sử dụng cho các loại mì đạt tiêu chuẩn JAS Nhật Bản.

Hiệp hội Tiêu chuẩn thực phẩm Anh cũng đã kêu gọi châu Âu loại bỏ 6 màu nhân tạo (trong đó có Tartrazine) được cho là gây ra sự hiếu động thái quá ở trẻ em, đồng thời đề nghị giới chức trách ở Anh khuyến cáo các nhà sản xuất nên tự nguyện loại bỏ 6 màu nhân tạo này và tìm chất phụ gia khác thay thế những màu thực phẩm độc hại.

Cha mẹ được khuyên nếu thấy con cái có những biểu hiện hiếu động thái quá như: hoạt động quá mức, mất tập trung, bốc đồng, thiếu kiềm chế thì không nên cho chúng dùng các loại thực phẩm có chứa màu tổng hợp trong đó có Tartrazine.

Ngay trong danh mục mã phụ gia thực phẩm Hàn Quốc năm 2004 của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, màu vàng Tartrazine cũng được khuyến cáo là không nên sử dụng cho một số mặt hàng thực phẩm, trong đó có mì sợi.

Sở dĩ các tổ chức phụ trách về an toàn thực phẩm của các nước trên ráo riết khuyến cáo không nên sử dụng chất E102 vì nhiều nghiên cứu đã chứng minh E102 ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Đại học Southamton UK trên 153 trẻ em 3 tuổi và 144 trẻ em 8 - 9 tuổi cho thấy, các màu nhân tạo (trong đó có Tartrazine) hoặc chất bảo quản natri benzoat (hoặc cả hai) trong thức ăn sẽ làm tăng sự hiếu động thái quá cùng với các biểu hiện như dễ cáu kỉnh, bồn chồn và bị rối loạn giấc ngủ ở trẻ em thuộc hai lứa tuổi này.

Không chỉ nguy hại đối với trẻ em, chất E102 còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới. Kết quả một nghiên cứu do một nhóm khoa học gia người Mỹ thực hiện trên các chú chuột đực trưởng thành được cho uống nước có chứa Tartrazine trong 13 tuần cho thấy, số lượng tinh trùng giảm và những bất thường về hình thái của tinh trùng tăng lên. Tổn thương đáng kể ở tinh hoàn là sự phá vỡ ống sinh tinh.

Tạp chí Dược và Độc học Hoa Kỳ cũng khẳng định, phẩm màu vàng tổng hợp E102 ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở nam giới: làm giảm lượng tinh trùng và làm tinh trùng bị biến dạng. E102 còn là một trong những chất phụ gia nguy hiểm đối với bệnh nhân hen và những người cơ thể không dung nạp thuốc aspirin.

Điều đáng nói là trong khi các nước đã cảnh báo từ nhiều năm nay thì hiện nay tại Việt Nam, E102 vẫn được sử dụng thoải mái trong nhiều mặt hàng thực phẩm, nhất là mì gói.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm dẫn tư vấn của các chuyên gia về phụ gia thực phẩm tại Đại hội đồng Codex (Thụy Sĩ) cho rằng mức ăn chất E102 hằng ngày chấp nhận được là AD10 - 7,5mg/kg.

Liệu cơ quan quản lý là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế có đảm bảo được tính chính xác, độ tin cậy của việc kiểm định chất lượng để người tiêu dùng tin rằng chất phụ gia E102 sẽ không gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng với hàm lượng cho phép (theo “biện minh” của các nhà sản xuất).

Được biết, mì gói là mặt hàng có tốc độ tiêu thụ nhanh tại Việt Nam, với mức tăng trưởng từ 15 -20%/năm. Dự báo đến năm 2015, mức tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam sẽ lên đến 10 tỷ gói. Song, sử dụng chất E102 với hàm lượng bao nhiêu thì có hại cho sức khỏe đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan quản lý nào của Việt Nam đưa ra thông tin chính xác.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cẩn trọng với E102!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO