Bệnh nội tiết do thiếu vi chất dinh dưỡng

YÊN LÂM PHÚC| 19/12/2011 09:51

Trong cơ thể, hệ nội tiết là cơ quan có nhiệm vụ tiết ra chất cho một cơ quan khác dùng, chất đó gọi là hormone. Cơ thể bị thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng có thể gây ra một số bệnh ở hệ nội tiết. Nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý của hệ nội tiết cũng khá phức tạp nên cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân đều không thể lơ là.

Bệnh nội tiết do thiếu vi chất dinh dưỡng

Trong cơ thể, hệ nội tiết là cơ quan có nhiệm vụ tiết ra chất cho một cơ quan khác dùng, chất đó gọi là hormone. Cơ thể bị thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng có thể gây ra một số bệnh ở hệ nội tiết. Nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý của hệ nội tiết cũng khá phức tạp nên cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân đều không thể lơ là.

Bệnh đần độn do thiếu i-ốt

Bà mẹ ăn uống thiếu i-ốt trong giai đoạn mang thai và chế độ dinh dưỡng của trẻ trong những năm đầu đời thiếu i-ốt là hai nguyên nhân gây ra bệnh đần độn.

I-ốt là vi chất hết sức cần thiết cho sự phát triển thần kinh tâm thần, bởi nó tham gia cấu tạo nên hormone tuyến giáp, rồi hormone tuyến giáp lại tác động lên sự hình thành và hoàn thiện hệ thần kinh ở thai nhi.

Nếu hormone tuyến giáp tiết ra không đủ thì hệ thần kinh thai nhi không thể phát triển toàn diện và khi sinh ra đứa trẻ sẽ bị mắc chứng đần độn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ.

Biểu hiện của bệnh đần độn ở trẻ là trẻ phản ứng chậm chạp, năng lực trí tuệ và sự nhận thức kém cỏi, hầu như không có khả năng tư duy; thể lực yếu, hay mệt mỏi.

Bệnh bướu cổ

Bướu cổ là bệnh do thiếu i-ốt trong giai đoạn thiếu nhi và trưởng thành. Khi đứa trẻ lớn lên, i-ốt vẫn cần thiết cho cơ thể vì hormone tuyến giáp tiếp tục tác động để tăng sự phát triển mô và cơ quan. Nếu thiếu i-ốt, đương nhiên hormone tuyến giáp được tiết ra rất ít.

Nồng độ hormone tuyến giáp quá ít là yếu tố kích thích tuyến giáp phì đại để có thể giữ lại càng nhiều i-ốt càng tốt nhằm tổng hợp hormone bổ sung. Và tuyến giáp phì đại quá mức gây ra bướu cổ.

Giới chuyên môn thường gọi một cách đầy đủ là bướu cổ lành tính hay bướu cổ địa phương. Gọi là bướu cổ lành tính vì nó không gây ra triệu chứng nhiễm độc hormone tuyến giáp.

Còn gọi là bướu cổ địa phương vì nó mang tính chất cục bộ, đặc trưng cho những vùng, miền mà hàm lượng i-ốt trong thức ăn thiếu trầm trọng.

Biểu hiện bên ngoài của bệnh là một bướu nhìn thấy rõ ở vùng cổ trước. Khi thấy xuất hiện một khối u ở vùng cổ trước và khối u di động khi chúng ta nuốt nước bọt thì gần như chắc chắn đó là bướu cổ.

Bệnh nhược năng tuyến cận giáp

Nhược năng tuyến cận giáp là bệnh do thiếu ion magiê. Magiê là một vi chất dinh dưỡng có hàm lượng rất nhỏ nhưng lại rất quan trọng vì nó kích thích tiết ra hormone tuyến cận giáp, mỗi ngày có thể tiết ra khoảng 300 - 400mg.

Khi nồng độ magiê quá thấp thì yếu tố kích thích không đủ mạnh. Kết quả là cơ thể bị thiếu trầm trọng loại hormone của cơ quan bé xíu này, hormone PTH.

Vì thiếu hormone PTH nên cơ thể xuất hiện một loạt các dấu hiệu phụ thuộc PTH, gồm: tê môi, tê ngón tay, ngón chân, chuột rút, co quắp bàn tay kiểu tetany, co giật toàn thân, đau bụng, da khô, tóc khô; trẻ em thì chậm mọc răng, người trưởng thành thì bị đục thủy tinh thể.

Tác hại của bệnh lý ở hệ nội tiết

Ba căn bệnh kể trên đều nguy hiểm, nếu ở mức độ nhẹ thì không gây tử vong, nhưng có thể làm người bệnh kém phát triển trí tuệ, cơ thể không phát triển bình thường. Nếu ở mức độ nặng, bệnh nhân cũng khó tránh khỏi tử vong.

Nhẹ nhất là bệnh bướu cổ, chỉ làm giảm trí thông minh và ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của người bệnh về mặt thẩm mỹ, khiến họ cảm thấy mất tự tin, ngại giao tiếp. Nặng hơn là bệnh đần độn do thiếu i-ốt.

Nếu không được chữa trị sớm, hệ thần kinh tâm thần của trẻ không thể phát triển, trẻ có nguy cơ bị đần độn mãi mãi. Kèm theo đó là những hệ lụy như cơ thể kém phát triển, thấp bé nên không hoạt động thể lực được; dậy thì rất muộn hoặc không dậy thì, chất lượng sinh sản bị giảm sút nghiêm trọng.

Nguy hiểm nhất là bệnh nhược năng tuyến cận giáp vì làm cho nồng độ can xi trong máu hạ thấp, khiến cơ thể hay mệt mỏi, cơ bắp hay bị chuột rút. Nồng độ can xi trong máu hạ thấp đến một mức độ nào đó thì làm co cứng cơ ở một vùng cơ thể (thường là bàn tay, bàn chân), hạ quá thấp sẽ gây ra co thắt cơ hô hấp và dẫn đến tử vong.

Liệu pháp dinh dưỡng

Với cả ba căn bệnh trên, nguyên tắc điều trị là thiếu hormone gì thì bù hormone đó. Bên cạnh đó là bổ sung các nguyên tố vi chất dinh dưỡng bị thiếu hụt.

Liệu pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng được gọi là liệu pháp dinh dưỡng. Giá trị của liệu pháp dinh dưỡng là cung cấp đủ nguyên liệu cho cơ thể tự tổng hợp hormone. Khi cơ thể tự tổng hợp cũng sẽ tự điều chỉnh để không quá thừa hay quá thiếu.

Tác dụng của liệu pháp này được duy trì trong một thời gian dài vì cơ thể luôn có sự tổng hợp hormone cần thiết, phòng ngừa và ngăn chặn không cho các bệnh trên xảy ra.

Cách thực hiện liệu pháp này cũng rất đơn giản, chỉ cần ăn nhiều thực phẩm chứa các vi chất bị thiếu hụt, như i-ốt (có trong dâu tây, sữa, khoai tây, cá thu, hải sản, muối biển không tinh chế, tảo biển, muối có bổ sung i-ốt) hay magiê (có trong ngũ cốc toàn phần, đậu đen, đậu phộng, sữa đậu nành, chuối) chẳng hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bệnh nội tiết do thiếu vi chất dinh dưỡng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO