Bánh trung thu: Dùng sao cho an toàn?

Anh Mi| 16/08/2022 06:00

Giống như nhiều loại bánh ngọt khác, quá trình sản xuất, xử lý và bảo quản bánh trung thu có thể tiềm ẩn những mối nguy về an toàn thực phẩm.

Bánh trung thu: Dùng sao cho an toàn?

Vì lý do sức khỏe, mọi người nên ăn bánh trung thu điều độ vì hầu hết các loại bánh này đều chứa nhiều đường và chất béo - Ảnh: myTest

Với đặc trưng là có nhiều loại nguyên liệu được pha trộn, nên nếu quy trình sản xuất không tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và sau đó không bảo quản và vận chuyển đúng cách thì bánh trung thu sẽ ẩn chứa nhiều mối nguy cho sức khỏe người dùng.  

Bài viết trên myTest và SFA (The Singapore Food Agency - Cơ quan Thực phẩm Singapore) cung cấp thông tin về cách bạn có thể yên tâm thưởng thức bánh trung thu.

Bánh trung thu có thể gặp vấn đề gì?

1. Độc tố nấm mốc

Độc tố nấm mốc là các hóa chất độc hại chịu nhiệt có thể ảnh hưởng đến gan, thận hoặc hệ thống miễn dịch. Độc tố tự nhiên thường phát sinh từ một số loại thực phẩm làm từ ngũ cốc, có thể phát triển ở nhiều thời điểm khác nhau trong quy trình sản xuất, đặc biệt là trong điều kiện ấm và ẩm ướt.

2. Chất tạo màu không được phép sử dụng trong thực phẩm

Nhà sản xuất bánh trung thu có thể thêm chất tạo màu vào lòng đỏ trứng vịt muối trong bánh trung thu truyền thống để bánh trông hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các chất tạo màu đều được phép sử dụng trong thực phẩm vì một số chất như chất tạo màu Sudan có thể gây hại cho gan và hệ tiêu hóa khi tiêu thụ.

12-8-22-Banh-trung-thu-deo.jpg

Bánh trung thu dẻo, bánh trung thu rau câu, bánh trung thu tuyết không được nướng nên có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn E.coli

3. Chất bảo quản hóa học

Để kéo dài thời hạn sử dụng, các chất bảo quản hóa học như axit sorbic cũng đã được sử dụng trong quy trình sản xuất bánh trung thu. Axit sorbic có thể gây dị ứng khi được bỏ với hàm lượng cao. 

4. Vi sinh vật gây bệnh

Quy trình sản xuất bánh trung thu thường bao gồm việc pha trộn các nguyên liệu bằng tay trần, các mầm bệnh từ thực phẩm có thể bị lây nhiễm trong quá trình sản xuất, đặc biệt là khi người trực tiếp làm vệ sinh tay không tốt.

Một số chủng Escherichia coli (E.coli) gây bệnh như E.coli O157 tạo ra độc tố Shiga có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy hoặc nôn mửa sau khi ăn thực phẩm bị lây nhiễm.

Tuy nhiên, vì bánh trung thu truyền thống được nướng nên nhiệt độ cao có thể tiêu diệt hầu hết các mầm bệnh E.coli.

Điều cần lưu ý là các loại bánh trung thu khác như bánh dẻo, bánh trung thu tuyết, bánh trung thu rau câu...  không qua xử lý nhiệt và thường được giữ lạnh sau khi chế biến. Các mầm bệnh, bao gồm cả E.coli có thể sinh sôi nhanh chóng khi các loại bánh này không được bảo quản đúng cách sau khi sản xuất và trong quá trình vận chuyển. 

12-8-22-Banh-trung-thu-nuong.jpg

Nhân bánh trung thu càng nhiều loại phức tạp càng khó bảo quản

Vài hướng dẫn mua bánh trung thu an toàn vệ sinh thực phẩm

Bạn nên mua bánh trung thu từ những nhà sản xuất có uy tín, tuân thủ các quy trình xử lý thực phẩm, chẳng hạn như đeo găng tay hoặc sử dụng kẹp khi lấy bánh trung thu.

Khi mua bánh trung thu truyền thống, hãy kiểm tra xem từng cái bánh có được đóng gói để tránh tiếp xúc với môi trường hay không, và để ý xem có bất kỳ biểu hiện bất thường nào không. Bánh trung thu truyền thống không đựng trong bao bì kín nên được bảo quản trong hộp kín gió và để nơi khô ráo, thoáng mát.

Chú ý đến hướng dẫn bảo quản và tiêu thụ bánh trung thu đúng hạn sử dụng ghi trên bao bì. Không dùng bánh trung thu bị đổi màu hoặc có mùi khó chịu. 

Làm sạch tay trước khi ăn bất kỳ loại bánh trung thu nào. 

12-8-22-banh-trung-thu-deo-3.jpg

Bánh trung thu tuyết nhân kem phổ biến tại Singapore, Hồng Kông hiện đã bày bán tại Việt Nam

Khi mua bánh trung thu tuyết hoặc bánh trung thu rau câu, hãy bảo đảm rằng sản phẩm luôn được giữ ở nhiệt độ thấp trong bao bì (ví dụ: sử dụng túi đá khô hoặc hộp xốp) sau khi mua. Bạn cũng phải xem xét nhiệt độ bảo quản bánh ở nơi bày bán. Bánh trung thu tuyết và bánh trung thu rau câu nên được giữ trong tủ lạnh. Sau khi mang bánh trung thu tuyết hoặc bánh trung thu rau câu về nhà phải bảo quản trong ngăn mát có nhiệt độ thích hợp và bảo đảm rằng các loại bánh này được bọc đúng cách để tránh nhiễm khuẩn chéo.

Tuyệt đối không để bánh trung thu tuyết hoặc bánh trung thu rau câu trong nhiệt độ phòng hơn 2 tiếng đồng hồ, vì vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh chóng.

Riêng bánh trung thu tuyết nhân kem nên được bảo quản trong ngăn đá, và nên ăn càng sớm càng tốt ngay khi mở ra, không làm đông lại bánh trung thu sau khi đã rã đông. 

Cuối cùng, vì lý do sức khỏe, mọi người nên ăn bánh trung thu điều độ vì hầu hết loại bánh này đều chứa nhiều đường và chất béo. Bệnh nhân mắc bệnh mãn tính nên tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia dinh dưỡng trước khi ăn bánh trung thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bánh trung thu: Dùng sao cho an toàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO