Theo Sở Công Thương, đã phát sinh một số khó khăn trong quá trình phân phối, dẫn đến số đơn hàng đăng ký giao tăng, nhưng số đơn được cung ứng lại giảm. Cụ thể, có phản ánh giá combo cao do người dân so sánh với giá thực tế, điều này được lý giải bởi một số khác biệt về mặt hàng và nhà cung cấp, các doanh nghiệp đã phải chuẩn bị lại gói combo phân phối ra thị trường.
Đặc biệt, đã có dấu hiệu lừa đảo người dân chuyển tiền đăng ký mua hàng. Sở Công Thương khuyến cáo, người dân nên liên hệ trực tiếp Tổ trưởng Tổ dân phố, Hội Phụ nữ hoặc đoàn thể tại các phường để đăng ký “đi chợ hộ”. Những đơn vị này sẽ cung cấp danh sách các đầu mối phụ trách địa bàn của Sở, người dân còn có vướng mắc trong đăng ký mua hàng nên liên hệ trực tiếp.
Theo báo cáo nhanh từ phòng kinh tế các quận, huyện, TP. Thủ Đức gửi về Sở Công Thương TP.HCM, đến cuối ngày 24/8, đã có 74.033 hộ dân đăng ký đơn hàng “đi chợ hộ”, tăng 50.385 hộ so với ngày 23/8. Tính chung, trong hai ngày áp dụng phương thức trên, đã có khoảng 98.000 hộ dân làm quen với phương thức “đi chợ hộ” trong tổng số 2,2 triệu hộ toàn TP.
Các hệ thống phân phối của TP đã cung ứng 70.337/74.033 đơn đăng ký, tương đương 95% số đơn “đi chợ hộ” được phân phối. Số lượng đơn đã phân phối ngày 24/8 giảm 6,8% so với ngày 23/8. Số đơn “đi chợ hộ” còn lại sẽ được các hệ thông phân phối tới các địa phương trong ngày hôm nay (25/8).
Nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm tạm đóng cửa là do không có điều kiện mặt bằng, nhân sự để thực hiện "3 tại chỗ".
Toàn thành phố hiện còn 2.302 điểm bán hàng, giảm 699 điểm bán so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội đặc biệt từ ngày 23/8, gồm: 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn.