Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, hầu hết các DN đều phải đóng cửa hoặc chuyển sang hình thức làm việc tại nhà. Trong bối cảnh này, các SME kinh doanh lĩnh vực bán lẻ, du lịch và khách sạn… chịu nhiều tổn thất nhất. Lý do chính là các DN này chưa áp dụng mô hình kinh doanh số hóa, vẫn vận hàng theo cách thức truyền thống, nhất thời phải thay đổi, họ chưa thích ứng kịp.
Theo Nghiên cứu chuyển đổi DNVVN ASEAN 2020 của Ngân hàng UOB, Accenture và Dun & Bradstreet, gần 2/3 (tương đương 64%) số SME trong khu vực Asean đã và đang tập trung đầu tư vào công nghệ để có thể duy trì hoạt động kinh doanh liên tục trong thời kỳ đại dịch. Riêng Việt Nam, con số này đang ở mức 63%.
Đáng chú ý là bất chấp những thách thức về sự sụt giảm doanh thu, các SME tại Asean vẫn đang có kế hoạch đầu tư vào công nghệ, đẩy nhanh quy trình chuyển đổi số tại DN. Điều này khẳng định, họ có thể vượt qua những thách thức trong hiện tại để tăng khả năng cạnh tranh và phát triển kinh doanh bền vững trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư công nghệ để số hóa, các SME phải đảm bảo rằng tất cả các chức năng kinh doanh và vấn đề con người phải được thay đổi đồng bộ. Biết rằng tự động hóa đang thay thế các quy trình thủ công để tăng năng suất nhưng chủ DN và Giám đốc điều hành cấp cao phải luôn áp dụng tư duy phù hợp trong việc vận hành. Mục đích là đảm bảo các công nghệ kỹ thuật số có thể được triển khai nhanh chóng, hiệu quả trong bối cảnh sự gián đoạn kỹ thuật số ngày càng tăng.
Theo báo cáo Digital Transformation: Reshaping The Way We Work, được thực hiện bởi Ngân hàng UOB và Digital Realit - Công ty tư vấn và quản lý kinh doanh kỹ thuật số, các SME có thể sử dụng phương pháp ASSESS để bắt tay vào chuyển đổi số.
1. Ascertain the problems (Xác định vấn đề): Đầu tiên doanh nghiệp cần xác định các vấn đề quan trọng đang gặp phải. Đồng thời, phân tích hiệu suất làm việc của nhân viên để chắc chắn rằng họ không dành quá nhiều thời gian cho các nhiệm vụ, công việc chưa mang lại kết quả.
2. Set goals (Đặt mục tiêu): Xác định các lĩnh vực hoặc quy trình cụ thể trong doanh nghiệp đang cần cải tiến và đặt mục tiêu cho hành trình chuyển đổi số. Mục tiêu càng rõ ràng, kết quả càng dễ thấy, giúp doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
3. Select partners (Lựa chọn đối tác): Trên hành trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp SME thường cần một đối tác để đồng hành. Việc này hoàn toàn hợp lý tuy nhiên vấn đề chọn đối tác cần được cân nhắc kỹ. Có nhiều nhóm đối tác tiềm năng như các nhà cung cấp giải pháp công nghệ hoặc kỹ thuật số, tùy thuộc vào quy mô và phạm vi của việc chuyển đổi. Các đối tác khác như ngân hàng, có thể giúp các doanh nghiệp SME nhận được các ưu đãi hoặc trợ cấp của chính phủ. Lời khuyên của chuyên gia là các doanh nghiệp SME nên lựa chọn các đối tác được chính phủ công nhận để dễ dàng tiếp cận với các gói hỗ trợ miễn phí.
4. Empower employees (Trao quyền cho nhân viên): Nhân viên thường đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi và hệ thống lại doanh nghiệp. Vì vậy, các khóa đào tạo phù hợp, các buổi trainning nâng cao kỹ năng là rất cần thiết, giúp nhân viên sớm thích nghi với sự thay đổi để cải thiện năng suất làm việc.
5. Streamline processes (Hợp lý hóa các quy trình): Bước vào con đường chuyển đổi số sẽ khó khăn với một số nhân viên lớn tuổi, ngại thay đổi. Vì vậy, bộ phận quản lý doanh nghiệp phải nắm rõ những điều cần làm và triển khai trước cho nhân viên, đảm bảo sự thống nhất trong tất cả quy trình. Lợi ích của việc làm này là tạo cho nhân viên cảm giác được coi trọng, giúp họ chuẩn bị trước tâm lý để thích nghi và dễ dàng kiểm tra tính hiệu quả của các giải pháp kỹ thuật số sau một thời áp dụng. Bởi suy cùng, chính nhân viên là những người tiếp xúc với hệ thống này nhiều nhất.
6. Support forward-thinking ideas (Đón nhận các ý tưởng, tư duy tiến bộ): Để quá trình chuyển số thành công, doanh nghiệp SME nên cởi mở và đón nhận những ý tưởng mới, những đề xuất hoặc góp ý của tất cả thành viên công ty. Đây sẽ là một trong những bí quyết thành công, hỗ trợ tốt cho việc vận hành của bộ phận quản lý trong thời gian sau này.
Ngoài 6 bước nêu trên, các SME hoàn toàn có thể linh hoạt tùy theo tình hình thực tế của DN và bối cảnh địa phương. Song với những tác động kéo dài của đại dịch, việc chuyển đổi số nhất định phải thực hiện.
Sirinun Jiradilok - người đứng đầu mảng cam kết kỹ thuật số và đổi mới fintech của UOB Thái Lan nói: “Việc chuyển đổi số chỉ thành công khi tất cả thành viên của doanh nghiệp xem đó là điều tất yếu và chấp nhận sự thay đổi. SME nên bắt đầu chuyển đổi ngay để bắt kịp xu hướng và duy trì tính cạnh tranh sau đại dịch”.